Thứ sáu, 26/01/2024, 20:48 PM

Lấy ý kiến Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc

(CL&CS) - Bộ GTVT đang tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc.

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn quy định các yêu cầu cần tuân thủ khi thiết kế các đường ô tô cao tốc (đường cao tốc) ngoài đô thị làm mới hoàn chỉnh hoặc làm mới có xét đến phân kỳ đầu tư. Đối tượng áp dụng của Quy chuẩn là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, thiết kế các đường cao tốc ngoài đô thị.

Quy chuẩn cũng nêu rõ các cấp thiết kế đường cao tốc. Theo tốc độ thiết kế, đường cao tốc được phân làm các cấp như sau: Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; Cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h; Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h; Cấp thiết kế đặc biệt, tốc độ thiết kế trên 120 km/h, được nghiên cứu, thiết kế riêng. Cấp thiết kế tối thiểu (cấp 80) chỉ nên áp dụng đối với các vùng có địa hình khó khăn (như vùng núi, đồi cao) hoặc trường hợp phân kỳ đầu tư.

Việc lựa chọn cấp đường cao tốc phải căn cứ vào điều kiện địa hình, quy hoạch mạng lưới đường bộ đã xác lập, được cấp có thẩm quyền của nhà nước duyệt, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và đánh giá đầy đủ các yếu tố kinh tế - kỹ thuật - xã hội. Trên một tuyến đường cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau (kể cả trường hợp có đoạn xét đến phân kỳ đầu tư), tuy nhiên phải đảm bảo tính đồng nhất theo chiều dài từng đoạn. Đối với các vị trí đặc biệt khó khăn có thể giảm tốc độ thiết kế để giảm kinh phí đầu tư, tuy nhiên trong mọi trường hợp không nhỏ hơn 60 km/h, đồng thời phải thực hiện chuyển dần tốc độ và bố trí báo hiệu phù hợp. Các vị trí chuyển tốc độ phải được nghiên cứu đảm bảo phù hợp địa hình, dễ nhận biết và thuận tiện cho người lái xe (nút giao, thay đổi địa hình, cảnh quan…).

Về sự cần thiết phải biên soạn Quy chuẩn, theo Bộ GTVT, qua kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, để xây dựng hệ thống đường bộ nói chung và đường cao tốc nói riêng, đối với công tác thiết kế các quốc gia chỉ ban hành dưới 02 dạng là Tiêu chuẩn thiết kế (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…) hoặc Sổ tay hướng dẫn thiết kế (Mỹ, Úc, các nước Châu Âu…); Đối với công tác thi công và nghiệm thu các công trình đường bộ và đường cao tốc, các quốc gia ban hành Tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu (Trung Quốc…) và Chỉ dẫn yêu cầu kỹ thuật không bắt buộc (Mỹ, Úc, các nước Châu Âu…).

Theo tổng hợp nghiên cứu bước đầu, trên thế giới hiện nay chưa có quốc gia nào ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với công tác khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu đối với công trình đường bộ nói chung và đường cao tốc nói riêng.

1

Ảnh minh hoạ.

Hiện nay tại Việt Nam, đối với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về công trình đường bộ nói chung, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành 04 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, gồm: QCVN 41:2019/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ; QCVN 66:2013/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm kiểm tra tải trọng xe; QCVN 43:2012 /BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ; QCVN 45:2012 /BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bến xe khách, tuy nhiên chưa có quy chuẩn chung cho đường cao tốc.

Quá trình triển khai công tác đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cải tạo các công trình đường bộ cao tốc, công tác thiết kế đường bộ cao tốc đang triển khai trên cơ sở áp dụng theo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia TCVN 5729:2012 “Đường ô tô cao tốc – Yêu cầu thiết kế”, TCVN 4054:2005 “Đường ô tô – Yêu cầu thiết kế” và một số tiêu chuẩn khác, đảm bảo đồng bộ từ công tác khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình.

Đối với công trình giao thông đô thị, Bộ Xây dựng với chức năng được giao quản lý kết cấu hạ tầng đô thị, đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật - “QCVN 07-4:2016/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình Hạ tầng kỹ thuật Công trình giao thông” trong đó bao gồm: đường cao tốc trong đô thị, đường trục chính đô thị; đường chính đô thị; đường chính khu vực… Quy chuẩn này quy định các trị số giới hạn thiết kế bình đồ và mặt cắt dọc đường, quy định kích thước tối thiểu mặt cắt ngang đường đô thị, độ dốc ngang phần xe chạy,...

Ngày 08/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 88/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 05 năm 2023 trực tuyến với địa phương, Chính phủ giao Bộ GTVT “khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong năm 2023”. Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ GTVT có Công văn số 6330/BGTVT-VP ngày 16/6/2023, trong đó giao Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu Bộ báo cáo Chính phủ về nhiệm vụ “rà soát, ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong năm 2023”.

Ngày 20/6/2023, Vụ trưởng Vụ KHCN và MT ký thừa lệnh Bộ trưởng văn bản số 6487/BGTVT-KHCN&MT lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị, Vụ KHCN và MT tổng hợp báo cáo và tham mưu Bộ GTVT ký ban hành văn bản số 8333/BGTVT-KHCN&MT ngày 02/8/2023 giao Cục Đường cao tốc Việt Nam là cơ quan chủ trì xây dựng Quy chuẩn thiết kế đường cao tốc.

Ngày 18/08/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 334/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi kiểm điểm và làm việc về tình hình thực hiện các dự án thành phần qua các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Chính phủ giao Bộ GTVT chỉ đạo rà soát, sớm ban hành quy chuẩn thiết kế đường cao tốc. 

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 cơ bản hoàn thành 5.000km. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có chủ trương giao UBND các địa phương là cấp quyết định đầu tư, các đơn vị trực thuộc là Chủ đầu tư của nhiều dự án đường cao tốc. Ngày 12/9/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 794/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng và ban hành quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, các nút giao kết nối; làm căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời để quản lý thống nhất về công tác quản lý nhà nước; đảm bảo tính thống nhất một số yêu cầu kỹ thuật của đường cao tốc để các địa phương, các chủ đầu tư và các tư vấn thiết kế thống nhất trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng và quản lý khai thác đường cao tốc, việc xây dựng và ban hành quy chuẩn là cần thiết. Bộ GTVT đã có văn bản số 10800/BGTV-VP ngày 27/9/2023, trong đó, Bộ GTVT giao Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường cao tốc.

Đồng thời, ngày 29/9/2023, Bộ GTVT có Quyết định số 1240/QĐ-BGTVT phê duyệt Cơ quan chủ trì và dự kiến kinh phí thực hiện nhiệm vụ cập nhật, bổ sung, xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải năm 2023 (lần 3), trong đó giao Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường ô tô cao tốc (mã số QC 2310).

Dự kiến nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc sẽ quy định giới hạn một số chỉ tiêu kỹ thuật mang tính chất bắt buộc để tuân thủ áp dụng (như một số quy định tối thiểu về mặt cắt ngang, bình độ, trắc dọc của tuyến đường… tương ứng với cấp đường, vận tốc thiết kế). Các nội dung khác có thể không quy định hoặc chỉ đưa ra quy định về mặt nguyên tắc, trong quá trình thiết kế sẽ căn cứ, áp dụng các quy định của hệ thống tiêu chuẩn để triển khai thực hiện.

Theo VietQ.vn

Bình luận

Nổi bật

Sớm hoàn thiện dự thảo QCVN về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô

Sớm hoàn thiện dự thảo QCVN về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô

sự kiện🞄Thứ hai, 11/11/2024, 08:33

(CL&CS)- Sáng 8/11, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) tổ chức hội thảo “Các tiêu chuẩn đối với thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô trên thế giới”.

Lai Châu ban hành QCĐP 01:2023/LCH về chất lượng nước sạch sinh hoạt

Lai Châu ban hành QCĐP 01:2023/LCH về chất lượng nước sạch sinh hoạt

sự kiện🞄Thứ tư, 06/11/2024, 13:56

(CL&CS) - Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất của người dân các xã vùng cao, tỉnh Lai Châu đã đưa ra nhiều biện pháp cùng với đó là ban hành QCĐP 01:2023/LCH về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất

sự kiện🞄Thứ tư, 30/10/2024, 13:56

(CL&CS) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất (QCVN 100:2024/BTTTT).