Thứ ba, 20/09/2022, 21:54 PM

Lạm phát ở Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh

(CL&CS) - Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, lạm phát của Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh và sẽ tăng từ nay đến cuối năm vì chúng ta có độ trễ, thậm chí sang năm 2023 lạm phát sẽ còn cao hơn năm nay.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi tương đối tốt

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi tương đối tốt

Theo ông Lực, các nhà điều hành ở nhiều nước luôn muốn tìm điểm tối ưu, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Để đưa ra các chính sách phù hợp, cần phải nhận diện lạm phát do yếu tố chi phí đẩy, chính sách tiền tệ hay do cả hai yếu tố này. Ngoài ra, cũng cần phải quan sát các chỉ số sản xuất và lạm phát lõi (core inflation).

Tại Việt Nam, ông Lực cho rằng, lạm phát ở Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh, còn độ trễ, và sẽ chịu áp lực trong những tháng cuối năm bởi yếu tố cầu kéo. Nguyên nhân một phần do rổ hàng hoá trong cách tính CPI của Việt Nam có sự khác biệt so với nhiều nước.

Cùng với đó, thời gian qua CPI của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát một phần do Chính phủ đã thực hiện bình ổn giá xăng, dầu; bình ổn giá lương thực, thực phẩm; và giá nhà ở - những nhóm mặt hàng đóng góp tới 80-90% vào chỉ số lạm phát ở Việt Nam.

"Về cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng này tăng cao sẽ gây nên áp lực lạm phát do cầu kéo. Trong năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, tác động tới hoạt động xuất khẩu và đầu tư", ông Lực nói.

Dù vậy, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đang phục hồi tương đối tốt.

Vị chuyên gia này cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay được dự đoán có thể đạt 7,5% nhưng năm tới chỉ ở mức 6,5%. Năm nay lạm phát có thể ở mức 4% nhưng lạm phát năm tới có để từ 4 -4,5% do Việt Nam có độ trễ, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp hiện vẫn đang ở mức cao.

Năm tới, kinh tế thế giới toàn cầu chắc sẽ khó khăn hơn, điều này tác động đến xuất khẩu, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, ông Lực dự báo.

Tại diễn đàn mới đây, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ, là rất phức tạp, khó khăn thách thức. Nhà hoạch định chính sách đứng trước cả hai nguy cơ: Lạm phát và suy thoái.

Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất. Trong tình hình này, Việt Nam đã có lựa chọn khác, vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo TS. Võ Trí Thành, lựa chọn này có cơ sở, cuối năm 2021, vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, thâm hụt, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức khả quan. Do vậy, Việt Nam đã quyết định dựa nhiều vào chính sách tài khóa, ngay cả việc hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng, nguồn tiền hỗ trợ đều nhờ ngân sách, chưa cần dùng đến chính sách tiền tệ.

"Việc lựa chọn này là hợp lý, do chính sách tài khóa khi ít gây áp lực cho lạm phát hơn, đồng thời cũng có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định", TS. Võ Trí Thành nói.

Ông cũng nhấn mạnh kết quả của lựa chọn chính xác này là khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách tám tháng đầu năm tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, cẩn thận và linh hoạt với chính sách tiền tệ.

TS. Võ Trí Thành cho rằng cần vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt chẽ phần đầu tư cho trung, dài hạn, để bổ sung cho một số lĩnh vực kinh doanh phù hợp tùy theo chu kỳ kinh doanh của ngành.

Tổng hợp tác động của các yếu tố cả trong và ngoài nước, VEPR dự báo lạm phát trong nước năm 2022 sẽ ở mức 3,5-3,8%.

Viện Nghiên cứu và Chính sách VEPR đưa ra 5 nhóm giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm.

Thứ nhất, cần kiên trì thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, kìm chế lạm phát...; cân nhắc có chọn lọc các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ các nhóm sản xuất hoặc người lao động gặp khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Thứ hai, Chính phủ vẫn phải linh hoạt và kiên trì các chính sách vừa hỗ trợ kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững như các Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra. 

Thứ ba, để xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự lực và có khả năng hội nhập thì cần quan tâm và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là những hỗ trợ về vốn và tiếp cận thị trường (cả cung và cầu) cũng như tạo cơ chế chính sách để doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nhằm phục hồi tăng trưởng đồng thời góp phần ổn định thị trường, kìm chế lạm phát trong thời gian tới.

Thứ tư, khu vực kinh tế đối ngoại, nhất là khối sản xuất vẫn sẽ đóng vai trò chủ công đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm nay. Theo đó, cần tiếp tục quan tâm giải quyết những vướng mắc về môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về thiếu lao động hoặc các yếu tố đứt gãy chuỗi cung ứng là điểm cần lưu ý để hỗ trợ cho khu vực kinh tế đối ngoại và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối của năm 2022.

Thứ năm, công tác dự báo và đánh giá chính sách cần làm thường xuyên, và có sự công khai, minh bạch và kịp thời hơn nữa.

Bình luận

Nổi bật

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00

(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 20:59

(CL&CS)- Chiều 12/11, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.