Chủ nhật, 27/11/2022, 10:13 AM

Doanh nghiệp thủy sản cố gắng chịu đựng

(CL&CS) - Theo TS. Đinh Thế Hiển, nhiều ngân hàng đang chờ sẵn chỉ tiêu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để đến quý 1/2023 họ lập tức giải ngân, dòng vốn sẽ bớt khó khăn. Vì thế doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cố gắng chịu đựng, cùng lắm trong 4-5 tháng nữa, dòng vốn ngân hàng sẽ về.

Hết năm 2022, kim ngạch toàn ngành sẽ lần đầu tiên đạt 11 tỷ USD.

Hết năm 2022, kim ngạch toàn ngành sẽ lần đầu tiên đạt 11 tỷ USD.

Tại hội thảo mới đây, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dự kiến đến tháng 11, doanh số xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mốc 10 tỷ USD. Hết năm 2022, kim ngạch toàn ngành sẽ lần đầu tiên đạt 11 tỷ USD.

Trong 10 tháng vừa qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt 9,4 - 9,5 tỷ USD. Các thị trường lớn nhất gồm có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

EU, Mỹ và Trung Quốc chiếm 60% thương mại thủy sản toàn cầu và 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu 2022.

Cả năm 2022, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỷ USD, cá tra vượt qua 2 tỷ USD và có thể đạt 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, cá ngừ lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD - đây là mục tiêu cách đây ba năm và năm nay mới có thể đạt được. Nhóm hải sản ước đạt 3,2 tỷ USD giá trị xuất khẩu.

Tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng hai con số, bình quân từ 18 - 77%. Tất cả thị trường đều tăng trưởng hai con số, bình quân từ 15 - 75%, trừ Anh chỉ tăng 3%, trong khi Nga vẫn tăng trưởng 0,2%. Top 4 thị trường chính chiếm 74% giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Trong đó, Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD, Anh trở thành thị trường lớn thứ 7.

Ông Hoè chia sẻ thêm, giai đoạn 2003 - 2004, Việt Nam phải đối diện với hai vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ với tôm và cá tra. Thời điểm đó, không ai nghĩ rằng Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh trở lại. Tuy nhiên sau vụ việc trên khoảng 3-4 năm, xuất khẩu thuỷ sản đã tăng trưởng rất nhanh.

Theo Tổng Thư ký Hiệp VASEP, có 1.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2022. Cả ba ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng cao.

Top 100 đơn vị xuất khẩu hàng đầu, có doanh số trên 20 triệu USD/năm, chiếm 65% giá trị. Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu gồm 6 doanh nghiệp tôm và 4 doanh nghiệp cá tra.

Tuy nhiên, theo ông Hòe thì nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ hải sản chính của Việt Nam đang chững lại khi nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, lạm phát đang ở vùng cao nhất nhiều thập kỷ, và tồn kho tại các nước nhập khẩu đang lớn.

Doanh số bán hàng trùng xuống khi người tiêu dùng ở nhiều nước thắt lưng buộc bụng để ứng phó với tình trạng vật giá leo thang. Ngoài ra, đồng nội tệ của Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục mất giá so với USD đã làm giảm sức mua của các thị trường trọng điểm này.

Ở trong nước, lượng tồn kho của các doanh nghiệp thủy sản cũng đang tăng, trong khi khâu bảo quản, lưu kho và hậu cần nói chung (logistics) vẫn là điểm yếu của nhiều công ty Việt.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, dẫn tới những khó khăn về tài chính khi tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng mạnh khiến cho chi phí đi vay cao và ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.

Ông Trương Đình Hòe cũng cho rằng, ngành thuỷ sản không hẳn là bi quan song tình hình thực tế khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023. Thị trường không thể xuống mãi được, vẫn sẽ có lúc lên nhưng quan trọng thị trường lên trở lại khi nào.

"Nhiều người hy vọng là cuối quý 1/2023 thị trường sẽ hồi phục. Nếu thực tế tình hình kinh tế thế giới cải thiện mà nhu cầu sớm quay trở lại thì chúng ta có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn trong năm 2023", Tổng Thư ký VASEP nhận định.

Theo ông Hoè, kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam được đánh giá là khá tốt nên sẽ không bị tác động nhiều bởi vấn đề bên ngoài giống năm 2008. Ngoài ra, sức khoẻ của doanh nghiệp hiện nay không thể nói là mạnh nhưng chắc chắn sẽ vững hơn giai đoạn 2008. Trên cơ sở đó, chúng ta không nên quá bi quan mà doanh nghiệp phải tiếp tục cầm cự và đón bắt các cơ hội trong thời gian tới.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế cho biết, ngành thủy sản là ngành xuất khẩu nên khi xuất hiện nhiều thông tin liên tiếp về đơn đặt hàng chậm lại, giảm đi, bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xấu đi, ngành thủy sản là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất.

Ông Hiển dự báo, quý 4/2022 và quý 1/2023 là giai đoạn khó khăn nhất. Riêng với thị trường chứng khoán thì hãy chờ đến cuối tháng 12 mới nên bắt đầu vào thị trường, ôm 6-9 tháng sẽ lãi được 50% trở lên. Ông cho rằng  kinh tế Việt Nam sẽ mất 6 tháng để ổn định hệ thống tài chính vĩ mô.

Theo ông Hiển, quý 4/2022 sẽ ổn định được hệ thống ngân hàng thương mại, quý 1/2023 ổn định hệ thống trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Với nền tảng đó, đến quý 2/2023 hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ sẽ ổn định, dòng vốn sẽ bình thường trở lại với doanh nghiệp sản xuất.

“Nhiều ngân hàng đang chờ sẵn chỉ tiêu cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để đến quý 1/2023 họ lập tức giải ngân. Dòng vốn sẽ bớt khó khăn. Vì thế doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cố gắng chịu đựng, cùng lắm trong 4-5 tháng nữa, dòng vốn ngân hàng sẽ về”, ông Hiển cho biết.

Dự đoán đến tháng 6/2023 sẽ là đỉnh điểm của khó khăn của thị trường Mỹ. Lạm phát Mỹ cũng sắp đạt đỉnh. TS. Đinh Thế Hiển nhận định ngành thủy sản sẽ theo xu hướng đi ngược lại năm 2022.

"Nếu như quý 1, quý 2/2022 tăng trưởng tốt, quý 3 bắt đầu khó khăn, quý 4 rất khó khăn thì sang năm 2023, quý 1 tăng trưởng chậm, quý 2 ổn định, quý 3 và 4 sẽ vượt lên. Tăng trưởng năm 2023 không thua năm 2022, trong đó thị trường mạnh nhất là Mỹ", TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Minh Vân

Bình luận

Nổi bật

Vườn cam giúp nông dân có thu nhập tiền tỷ

Vườn cam giúp nông dân có thu nhập tiền tỷ

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 20:08

(CL&CS) - Năm nay, thời tiết thuận lợi, những vườn cam sạch cho năng suất cao, chất lượng tốt. Vì thế giá bán cũng cao hơn so, mang lại thu nhập tốt cho người dân tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Doanh nghiệp áp dụng 5S và TPM giúp ổn định và nâng cao năng suất

Doanh nghiệp áp dụng 5S và TPM giúp ổn định và nâng cao năng suất

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 18:07

(CL&CS)- Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng bên cạnh giải pháp về đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Triển khai ISO 22000:2018 giúp doanh nghiệp tiêu chuẩn hóa toàn bộ hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh

Triển khai ISO 22000:2018 giúp doanh nghiệp tiêu chuẩn hóa toàn bộ hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:17

(CL&CS) - Hiện nay, ISO 22000:2018 được áp dụng nhiều tại các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và có liên quan đến thực phẩm, từ đó, giúp doanh nghiệp tiêu chuẩn hóa toàn bộ hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh.