Dữ liệu cũ
Thứ hai, 28/09/2015, 09:32 AM

Di dời chợ Di Linh cũ: Sẽ có thêm phương án hỗ trợ tiểu thương di dời về chợ mới

(NTD) - Chợ Di Linh cũ được xây dựng sau năm 1975 hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, hầu hết mọi chỉ tiêu về an toàn đều không đáp ứng. Trong khi đó, ngôi chợ mới được xây dựng khang trang cách đó 2 km đang sẵn sàng phục vụ tiểu thương. Thế nhưng, với những lý do khác nhau, nhiều tiểu thương vẫn phản đối không chịu di dời.

Thay đổi bộ mặt Di Linh

Được sự ủng hộ tuyệt đối của UBND tỉnh Lâm Đồng cũng như tâm huyết của UBND huyện Di Linh để kinh tế của huyện có thể phát triển hơn nữa, trong giai đoạn 2005-2006 việc lập dự án kêu gọi đầu tư xây dựng chợ trung tâm huyện Di Linh ở khu đất Xí nghiệp Dâu tằm tơ Lộc Đức cũ đã được lên kế hoạch bài bản.

Di dời chợ Di Linh cũ 1
 
Di dời chợ Di Linh cũ 5
Chợ Di Linh mới khang trang đã xây dựng xong chuẩn bị đi vào hoạt động, nằm cách chợ Di Linh cũ khoảng 2 km

Trong các năm 2005 và 2006, UBND huyện Di Linh thực hiện kêu gọi đầu tư, trên thực tế đã có nhiều nhà đầu tư đến thực hiện việc khảo sát xây dựng chợ. Năm 2007, CTCP Long Việt (Long Việt) địa chỉ số 315 Trường Chinh, TP.Đà Nẵng đã xúc tiến các bước đầu tư xây dựng chợ mới. Trên cơ sở đó, Huyện ủy và UBND huyện đã nghiên cứu tài liệu hồ sơ, các điều kiện triển khai, nhất trí để Long Việt đầu tư và công ty đã tiến hành khảo sát lập dự án.

Theo lãnh đạo của UBND huyện Di Linh cũng như việc xác minh từ phía Long Việt, trong giai đoạn này, Long Việt đã phát hành 246 bản khảo sát các hộ tiểu thương, trong đó có 233 hộ đồng ý xây dựng chợ mới và chỉ có 13 ý kiến không tán thành chủ trương trên.

Di dời chợ Di Linh cũ 2
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng làm việc với các cơ quan ban ngành liên quan đến vấn đề di dời chợ.

Đến tháng 9/2015, chợ Di Linh mới đã sẵn sàng cho các tiểu thương buôn bán. Ông Đoàn Văn Bông, Phó Chủ tịch huyện Di Linh cho rằng, chợ Di Linh cũ chấm dứt hoạt động và tiểu thương di dời ra chợ mới là hết sức cần thiết, theo đúng chủ trương, quy định của nhà nước, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Di Linh.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, chợ Di Linh cũ nằm trên quốc lộ 20 được xây dựng sau năm 1975, có diện tích chật hẹp, vấn đề xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ không đảm bảo theo quy định. Thậm chí trong 2 năm 2006-2007, chợ đã cháy 2 lần; các cơ quan quản lý môi trường, phòng chống cháy nổ tỉnh đã yêu cầu phải có giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Đánh giá về chợ Di Linh cũ, ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo các quy định của nhà nước thì chợ này không còn được phép hoạt động. Cụ thể, các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm, về xử lý rác thải, về hệ thống điện… hoàn toàn không đáp ứng được.

Bức xúc của tiểu thương

Ngày 23/9, phóng viên Báo Người Tiêu Dùng có mặt tại chợ Di Linh cũ, những ngày này câu chuyện di dời về chợ mới được tiểu thương bàn tán xôn xao. Một hộ kinh doanh giày dép cho biết: “Sau hai lần cháy chợ, vốn liếng của chúng tôi đã mất hết, tôi phải cầm sổ đỏ tại ngân hàng để có vốn kinh doanh. Trong khi giá thuê chợ mới quá cao, dân đâu có tiền?”. Một tiểu thương khác lo ngại: “Chúng tôi về chợ mới mà không bán được hàng thì lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng”.

Ghi nhận của phóng viên, có khá nhiều vấn đề khiến các tiểu thương đang “e dè”, đó là việc giá thuê sạp tại chợ mới quá cao và thời điểm di dời. “Nếu di dời vào tháng 10, thì tiểu thương nghèo như tôi khổ quá, hàng hóa không thể bán được, lên chợ mới thì không có tiền thuê sạp”, một tiểu thương chia sẻ.

Di dời chợ Di Linh cũ 4
 
Di dời chợ Di Linh cũ 3
Chợ Di Linh cũ đã xuống cấp trầm trọng, không đủ điều kiện để hoạt động.

Trước những vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND huyện Di Linh để hiểu rõ hơn bản chất sự việc. Ông Đoàn Văn Bông, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: “Theo phản ánh của báo chí, số lượng tiểu thương không đồng ý di dời chợ nhiều, nhưng qua “rà soát” và nắm bắt ý kiến thực tế “đa số tiểu thương đều thống nhất”. Trong số các hộ phản đối ngành chức năng đã phân loại như sau: nhóm không kinh doanh tại chợ mới nhưng có ý định mua nhà đất khu vực chợ mới để kinh doanh khoảng 3 hộ, chủ yếu kinh doanh mặt hàng quần áo; nhóm không có quầy sạp ổn định tại chợ mà chỉ kinh doanh mặt hàng tự sản tự tiêu khoảng 3 hộ; nhóm không có quyền lợi gì nhưng bị tác động khoảng 2 hộ”. Ông Bông còn cho biết thêm: “UBND huyện đã giao Công an huyện cùng các ngành chức năng chủ động theo dõi, nắm tình hình và sẽ sớm xử lý thỏa đáng”.

Trước việc tiểu thương phản đối về giá, đại diện Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho biết, về giá trung bình tại chợ Di Linh mới kể cả chợ chính, chợ phụ giá thuê 309.000 đồng/m2/tháng cho thời gian thuê 20 năm, 188.000 đồng/m2/tháng cho thời gian thuê 43 năm. Đây là mức giá cho thuê chợ nằm trong quy định của UBND tỉnh.

Theo hồ sơ chủ đầu tư cung cấp, Long Việt đã ký hợp đồng với 120 hộ tiểu thương, thuê 160 quầy, sạp, ki ốt. Hiện tại chợ chính còn 100 quầy, sạp dự phòng để phát triển kinh doanh trong thời gian tới. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chủ động làm việc với hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn để tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương vay vốn nhằm tháo gỡ khó khăn.

Được biết, kế hoạch đóng cửa và chấm dứt hoạt động kinh doanh tại chợ Di Linh cũ kể từ ngày 1/10/2015 theo Thông báo số 195/TB-UBND của UBND huyện Di Linh ngày 4/8/2015. Hy vọng sự việc trên sẽ sớm được tiểu thương nắm rõ và thực hiện đúng với chủ trương đường lối nhằm phát triển hơn nữa huyện Di Linh, tránh trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: “Vẫn sẽ thực hiện việc di dời”

Xung quanh việc các tiểu thương cho rằng giá ở chợ mới quá cao, Sở Tài chính cũng đã có báo cáo. Theo tôi, Long Việt đang áp dụng mức giá đúng với quy định của Chính phủ và UBND tỉnh. Tôi cũng đã xem biểu giá và mức giá ở chợ phụ là phù hợp, nó chỉ bằng 32% mức giá do Chính phủ quy định.

Thực tế, sau khi nghe báo cáo của các ban ngành, tôi thấy hiện mức giá chợ Di Linh mới ở khu chợ phụ cao nhất cũng chỉ 232 triệu đồng/sạp cho 43 năm, còn ở khu chợ chính với số tiền 500-600 triệu đồng là có thể sở hữu một quầy rồi. Tuy nhiên, tôi có cảm giác chủ đầu tư đã thực hiện đúng theo quy định, tuy nhiên với mức giá hiện tại, bà con có thể sẽ gặp khó khăn. Về việc này tôi sẽ làm việc thêm với chủ đầu tư, để có phương án hỗ trợ tiểu thương di dời về chợ mới.

Riêng về các ki ốt chợ chính giá đắt, thế bây giờ bà con muốn có chỗ tốt mà lại tốn ít tiền thì ai có thể đáp ứng được yêu cầu này? Còn về vấn đề mua bán, cho tặng, khi thực hiện phải thông qua chủ đầu tư. Có thể bà con đang hiểu sai vấn đề, thông qua chủ đầu tư là để họ dễ dàng quản lý hoặc thay đổi thông tin trên hợp đồng cho bà con khi mua bán qua tay, tặng, cho. Bây giờ, bà con nói chỉ cần viết giấy tay tin tưởng nhau là được, thế thì, lúc đang bình yên không sao, nếu xảy ra chuyện gì kiện tụng ra tòa án lấy gì để bảo vệ bà con?

Hiện có một nhóm người kéo nhau tận lên UBND tỉnh để khiếu nại, chúng tôi đã giao cơ quan an ninh điều tra, khi có số liệu xác minh cụ thể sẽ xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu, cố tình kích động.

Cho kinh doanh trong thời gian tỉnh xử lý đơn khiếu nại

Về những tiểu thương đã đăng ký hợp đồng ở chợ mới, để đảm bảo quyền lợi, ngày 1/10/2015 vẫn sẽ thực hiện việc di dời. Số còn lại, bà con chưa có điều kiện, trong quá trình tỉnh cần các cơ quan nghiên cứu về luật pháp tham mưu để ban hành quyết định, trả lời khiếu nại thì bà con vẫn có thể ở lại kinh doanh. Tuy nhiên, tôi giao cho UBND huyện Di Linh quản lý toàn bộ số quầy mà bà con đã chuyển qua chợ mới, không được để cho các đối tượng ở ngoài vào mua bán, sang nhượng trái phép.

Nguyên Vũ (lược ghi)

Ông Võ Duy Tấn - Tổng Giám đốc Long Việt cho biết: “Chúng tôi phải bỏ ra cả hàng trăm tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng, thuê đất, xây dựng chợ mới, chúng tôi cần thu hồi vốn kinh doanh, trả nợ ngân hàng, thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước,... cũng như tái đầu tư dự án khác. Bên cạnh đó, chúng tôi rút kinh nghiệm tại một số chợ, khi cho trả sau, đến kỳ thu tiền thuê, chủ đầu tư lại gặp vô vàn khó khăn với đủ thứ lý do để từ chối trả tiền, mà rất khó cưỡng chế bởi chợ còn là nơi công cộng phục vụ cộng đồng hàng ngày”.

Theo ông Tấn, việc thu tiền thuê một lần chúng tôi thực hiện theo quyết định 43/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 12/9/2013, ban hành quy định về phát triển chợ và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Mức giá chúng tôi thu đã thấp hơn so với định mức quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng khá nhiều và người mua sẽ không phải chịu ảnh hưởng bởi sự tăng giá thuê theo thời gian, nếu tính cho cả chu kỳ thuê thì người thuê rất có lợi, bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên hệ với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ các tiểu thương được vay vốn với lãi suất ưu đãi nhất nhằm giảm khó khăn về tài chính cho họ lúc mới mua.

Vũ Sơn

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.