Đến bản Sưng Đà Bắc trải nghiệm văn hóa đặc sắc của người Dao Tiền
(CL&CS) - Bản Sưng Đà Bắc là nơi bảo tồn nhiều giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc người Dao Tiền sinh sống tại Hòa Bình. Đây là điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích nhờ giữ được nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng.
Từ bản Sưng về đến trung tâm Hà Nội là khoảng hơn 100km. Bản Sưng là ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi Biều ở xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Bản rộng khoảng 780 ha. Nằm ở độ cao 530m so với mực nước biển, bản Sưng có khí hậu tương đối mát mẻ. Đây là khu vực có địa thế đẹp với khung cảnh đồi núi trập trùng, với những dòng suối trôi lững lờ, các tầng mây bảng lảng trên các ngọn núi. Phía trước bản là hệ thống ruộng bậc thang xanh rì, tươi tốt. Phía sau là dãy núi Biều hùng vĩ, đẹp đến nao lòng.
Tại nơi đây, người dân địa phương sinh sống trong những ngôi nhà thấp tầng, mái được lợp bằng lá cọ. Một số hoạt động du lịch nổi bật tại bản Sưng là trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân, khám phá cảnh đẹp núi rừng huyện Đà Bắc, thám hiểm nhiều hang động hoang sơ,... trong bầu không khí trong lành, tươi mới. Tại bản Sưng, sóng điện thoại lúc có lúc không, mạng Internet đôi khi cũng chập chờn, vì vậy, đây chính là một địa điểm thú vị để du khách đến trải nghiệm và khám phá.
Bản Sưng là ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi Biều ở xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Bản rộng khoảng 780 ha.
Theo các các cụ cao tuổi tại địa phương, bản Sưng trước đây là xóm Sưng, được thành lập từ hơn 500 năm trước, xuất phát từ cách gọi cây Sâng, một loại cây bản địa được trồng khá phổ biến, nhưng do khó phát âm, người dân dần gọi là xóm Sưng. Hiện nay, có khoảng hơn 70 hộ người dân tộc Dao Tiền đang sinh sống, họ chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nương, trồng ngô và khoai. Năm 2017, Tổ chức AOP tại Việt Nam đã hỗ trợ người dân nơi đây về phát triển du lịch cộng đồng. Một số hộ đã được cho vay vốn để sửa lại nhà cửa khang trang, đẹp đẽ. Các kỹ năng đón tiếp khách thập phương cũng được các cán bộ địa phương hướng dẫn kỹ lưỡng để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Điểm hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến với Hoà Bình là những truyền thống văn hóa thú vị, những tập quán lâu đời của người Dao như: lễ hội mừng xuân, lễ cấp sắc, lễ đặt tên cho trẻ mới sinh, lễ trưởng thành… cùng nhiều tiết mục biểu diễn văn nghệ văn như: múa chuông, múa xòe, múa chèo, thổi khèn, … vào mỗi dịp lễ.
Bản Sưng trước đây là xóm Sưng, được thành lập từ hơn 500 năm trước, xuất phát từ cách gọi cây Sâng, một loại cây bản địa được trồng khá phổ biến, nhưng do khó phát âm, người dân dần gọi là xóm Sưng.
Nghề thủ công truyền thống tại bản Sưng cũng được nhiều thế hệ đồng bào người dân tộc bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Tiêu biểu là in thêu thổ cẩm, nhuộm vải, in hoa văn độc đáo từ sáp ong… từ các nguyên liệu tự nhiên nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đẹp, đặc trưng, mang tính lưu niệm cho khách du lịch. Mỗi người phụ nữ ở đây đều có đôi bàn tay khá đen bởi ngay từ khi còn nhỏ, họ đã biết tự nhuộm vải để dệt nên một bộ trang phục cho riêng mình. Vì vậy, bản Sưng cũng là một trong những điểm du lịch được nhiều người lựa chọn khi muốn khám phá trang phục truyền thống của người Mường tại Hòa Bình. Đến nơi đây, nhiều du khách không khỏi trầm trồ, thích thú khi được thử những bộ trang phục nhiều màu sắc, duyên dáng của người Dao Tiền.
Bên cạnh đó, một nét thú vị trong văn hóa của người dân địa phương mà du khách có thể tìm hiểu trước khi đến đây, đó chính là người Dao Tiền không đòi hỏi con gái phải kết hôn, nhưng họ vẫn có thể đẻ con. Ngoài ra, đàn ông độc thân có thể lấy người phụ nữ đã có con riêng. Tuy là người dân tộc nhưng người dân trong bản cũng được phổ cập những điểm mới trong chính sách kế hoạch hóa gia đình của nhà nước như chỉ sinh từ một đến hai con. Họ còn có tập tục cho con nuôi nếu như không đủ điều kiện để nuôi dưỡng. Hay một điều thú vị khác là nhiều người trẻ trong bản gọi những người lớn tuổi là “bố’’, “mẹ’’ để bày tỏ lòng kính trọng.
Nghề thủ công truyền thống tại bản Sưng cũng được nhiều thế hệ đồng bào người dân tộc bảo tồn, gìn giữ và phát triển.
Bà Bàn Kim Hồng, một người dân thuộc bản Sưng cho biết: “Trong cộng đồng người Dao, việc nhận con nuôi rất phổ biến. Ngay cả nhà tôi hiện tại cũng có nhận nuôi một người. Cho và nhận con nuôi như một nghĩa cử đẹp với mong muốn mỗi đứa trẻ ra đời đều có cuộc sống tốt nhất. Hành xử của người Dao Tiền với việc đó không gây tổn thương cho đứa trẻ đó. Tất cả những điều này, ở bản Sưng vẫn còn nguyên vẹn''.
Người Dao Tiền có chữ viết riêng, họ lưu lại trên một loại giấy đặc biệt tên là giấy Dó, được làm từ bông hoa Dó trắng muốt, thơm lừng. Nghề làm giấy Dó tại bản Sưng được bắt nguồn từ thế hệ cha ông, những người thành lập bản đầu tiên và vẫn còn duy trì đến hiện tại, trở thành một niềm tự hào khi họ giới thiệu và mời du khách trải nghiệm quá trình làm giấy ngay tại đây. Nhiều du khách cũng xin chữ về làm kỷ niệm, nét chữ của người viết cũng giản dị, mềm mại như tính cách của người dân địa phương.
Đến với bản Sưng, du khách còn có thể đi trải nghiệm khám phá xuyên rừng, vừa để ngắm phong cảnh núi rừng bạt ngàn trải dài trước tầm mắt, đồng thời tìm hiểu và khám phá về một số loại cây đặc biệt ở nơi đây như các loại cây dổi quý hay cây thuốc độc để lấy nhựa tẩm mũi tên khi đi săn bắn,...
Chị Thúy Hà, một du khách đến từ Vĩnh Phúc hào hứng chia sẻ trải nghiệm đi rừng theo người bản địa ở đây: “Chúng tôi đi bộ xuyên qua rừng Luồng về xóm Đá Bia. Mới đầu, tôi còn cảm thấy mình không theo kịp vì bạn dân tộc trước tôi đi nhanh quá, thế nhưng đi được một quãng thì tôi đã điều chỉnh nhịp thở và bắt kịp cả đoàn. Đi xuyên rừng khiến tôi cảm thận rõ nhất mùi nhựa cây, mùi hoa cỏ thơm thoang thoảng, bầu không khí rất trong lành và sạch sẽ. Thật sự rất thú vị và rất đáng để trải nghiệm’’.
Hoạt động tham quan xưởng sản xuất chè shan tuyết cổ thụ núi Biều cũng thu hút nhiều khách du lịch. Ở nơi đây, người dân tự tay hái chè, sao chè, đóng gói từng sản phẩm. Chè shan tuyết cũng là một món quà địa phương thơm ngon, đong đầy ý nghĩa để du khách mua gửi tặng bạn bè.
Vào buổi tối, du khách tham quan bản Sưng có thể cùng với người dân địa phương ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, nướng khoai, nướng ngô, luộc sắn, xem biểu diễn văn nghệ. Dưới ánh lửa bập bùng, du khách sẽ được nghe kể về những câu chuyện sinh động, thú vị, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của bản làng.
Nếu là một người ưa thích khám phá ẩm thực vùng miền, du khách cũng có thể đến với bản Sưng để thưởng thức những món ăn truyền thống của người vùng cao như thịt lợn gác bếp, gà thả đồi, xôi nếp nhiều màu, các loại măng tre,... hay các loại cá sông Đà, rau rừng, thưởng thức các loại rượu quý hiếm được người dân chưng cất, ủ trong nhiều năm như rượu Hoẵng, rượu cây mật gấu…
Bản Sưng cũng là một trong những điểm du lịch được nhiều người lựa chọn khi muốn khám phá trang phục truyền thống của người Mường tại Hòa Bình.
Một món ăn rất đặc biệt khác là món thịt chua, đây là món ăn đặc sản của người Dao Tiền. Mỗi lớp thịt, một lớp muối, một lớp gạo xếp chồng lên nhau sẽ được người dân ủ trong các vại sành cả năm. Mùi thơm của thịt ủ lâu năm kết hợp với men gạo, ăn với lá mơ, lá sung tạo nên một món ăn đậm vị đặc biệt khó quên. Chỉ khi nào nhà có cỗ, món ăn này mới được dùng đến, vì vậy, gặp đúng dịp và được thưởng thức món ăn này thì chính là một niềm may mắn đối với du khách khi đến với bản Sưng.
Sau một ngày dài tham quan tại địa phương, nếu mỏi chân, du khách còn có thể ngâm chân thư giãn hay tắm lá thuốc theo cách thức mà người dân nơi đây học hỏi được từ người Dao Đỏ. Nước ngâm chân thơm mùi cây cỏ, như một liều thuốc tinh thần ấm áp khiến du khách ngủ ngon và sâu hơn. Tại đây, các chuyên gia cũng đã phát hiện 243 loài thảo dược, điều đó cho thấy bản Sưng là khu vực có nhiều dược liệu của tỉnh Hòa Bình. Nhiều sản phẩm dược liệu của vùng cũng đang được nghiên cứu và phát triển thêm, gắn liền với du lịch nghỉ dưỡng như trà giảo cổ lam ngọt, thuốc xịt muỗi thảo dược, cồn xoa bóp chiết xuất từ gừng đỏ.
Đến với bản Sưng trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo trong cuộc sống của người địa phương, cũng như hít thở bầu không khí trong lành của núi rừng để tâm hồn được lắng lại, để thư giãn sau những tháng ngày làm việc mệt mỏi là điều mà các du khách đều có chung cảm nhận.
Theo Nhà báo và công luận
Bình luận
Nổi bật
Rừng Đỗ Quyên ở PuTaLeng được công nhận kỷ lục Việt Nam
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:16
(CL&CS) - Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng ở độ cao 2.619m sẽ được công nhận kỷ lục diện tích lớn nhất Việt Nam.
Quảng Ninh: Phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch trên vịnh
sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:51
(CL&CS) - Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, ngành Giao thông vận tải Quảng Ninh đã xây dựng giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2030.
Năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Thái Bình ước đạt 950.000 lượt
sự kiện🞄Thứ hai, 11/11/2024, 15:44
(CL&CS) - Với nhiều chính sách kích cầu, tăng cường xúc tiến, hợp tác, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2024 có nhiều khởi sắc, doanh thu và số lượng du khách tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.