Thứ năm, 24/06/2021, 09:21 AM

Công bố chuẩn chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ

(CL&CS)- Ngày 23/06, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Công cụ quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo

Theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT ban hành, khối lượng học tập tối thiểu với cử nhân là 120 tín chỉ, thạc sĩ là 60 tín chỉ nếu trình độ đại học cùng nhóm ngành.

Thông tư quy định chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và phê duyệt chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đưa ra các quy định chuẩn chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học về mục tiêu, chuẩn đầu ra, khối lượng học tập, cấu trúc và các yêu cầu tối thiểu thực hiện chương trình đào tạo.

Cụ thể, thông tư này quy định, chuẩn đầu vào đối với bậc cử nhân ở chương trình đào tạo đại học và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 là người học phải tốt nghiệp THPT hoặc trình độ tương đương. Khối lượng học tập tối thiểu được yêu cầu là 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành. 

Một tín chỉ được tính tương đương 50 giờ học tập định mức của người học, bao gồm cả thời gian dự giờ giảng, giờ học có hướng dẫn, tự học, nghiên cứu, trải nghiệm và dự kiểm tra, đánh giá.

Riêng với các chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7, khối lượng tối thiểu phải là 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.

Đối với khối lượng học tập tối thiểu đối với các chương trình đào tạo song ngành phải cộng thêm 30 tín chỉ, đối với chương trình đào tạo ngành chính - ngành phụ phải cộng thêm 15 tín chỉ so với chương trình đào tạo đơn ngành tương ứng.

Về cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo, yêu cầu cụ thể đối với chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 là khối lượng thực tập tối thiểu 8 tín chỉ.

f014d95c-a136-426c-8e4b-3ab1cc331a29_1_105_c

Ảnh trên internet

Ở bậc thạc sĩ, chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo thạc sĩ là người học phải tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, người học phải tốt nghiệp đại học hạng khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập. Chương trình đào tạo thạc sĩ yêu cầu tối thiểu 60 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.

Về cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo, yêu cầu đối với chương trình đào tạo thạc sĩ nếu theo định hướng nghiên cứu là khối lượng nghiên cứu khoa học phải từ 24 - 30 tín chỉ, bao gồm 12 - 15 tín chỉ cho luận văn, 12 - 15 tín chỉ cho các đồ án, dự án, chuyên đề nghiên cứu khác. Nếu đó là định hướng ứng dụng, nội dung thực tập phải từ 6 - 9 tín chỉ; học phần tốt nghiệp phải từ 6 - 9 tín chỉ dưới hình thức đề án, đồ án hoặc dự án.

Ở bậc tiến sĩ, chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo tiến sĩ phải là người tốt nghiệp thạc sĩ hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 ngành phù hợp hoặc tốt nghiệp hạng giỏi trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; có trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc trình độ tương đương trở lên); có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu.

Chương trình đào tạo tiến sĩ yêu cầu tối thiểu 90 tín chỉ với người có trình độ thạc sĩ hoặc 120 tín chỉ với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành. Về cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo, yêu cầu đối với chương trình đào tạo tiến sĩ tối thiểu 80% nghiên cứu khoa học và luận án tiến sĩ; tối đa 16 tín chỉ các học phần, môn học bắt buộc hoặc tự chọn đối với đầu vào trình độ thạc sĩ; tối thiểu 30 tín chỉ các học phần, môn học bắt buộc hoặc tự chọn đối với đầu vào trình độ đại học.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 7/8/2021, áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, Viện Hàn lâm và Viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

Sáu điểm mới trong quy định về chuẩn chương trình đào tạo

Các quy định của Thông tư đã cập nhật những kinh nghiệm tốt về quản lý chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận với các nước trong khu vực và trên thế giới với sáu điểm mới.

Thứ nhất, quy định của Thông tư yêu cầu việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo phải đảm bảo phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng như chuẩn chương trình theo nhóm ngành, lĩnh vực. Điều này giúp quản lý được chất lượng đào tạo đồng bộ, tránh tình trạng cùng một ngành ở cùng một trình độ được đào tạo ở các trường khác nhau nhưng không đảm bảo những chuẩn mực chung tối thiểu để đào tạo ra nhân lực của ngành nghề đào tạo đó.

Thứ hai, do chuẩn chương trình đào tạo là những yêu cầu tối thiểu, cốt lõi mà tất cả chương trình đào tạo cần phải đáp ứng nên các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn tự chủ và linh hoạt trong quá trình xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo để khẳng định uy tín, thương hiệu của trường mình.

Thứ ba, với tiếp cận xuyên suốt theo hướng quản lý chất lượng đầu ra, việc “đánh giá đạt chuẩn đầu ra chương trình đào tạo” được xem là một yêu cầu mới đối với quản lý chất lượng đào tạo. Cách tiếp cận quản lý chất lượng này yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học không chỉ minh bạch chuẩn đầu ra cho các bên liên quan mà còn phải cung cấp được minh chứng người tốt nghiệp đạt được những chuẩn đầu ra mà cơ sở giáo dục đại học đã tuyên bố với người học và các bên liên quan cũng như toàn xã hội.

Thứ tư, để đảm bảo quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, Thông tư không quy định cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc” mà quy định những yêu cầu cơ sở giáo dục đại học cũng như các bên liên quan cần thực hiện trong mỗi nội dung công việc liên quan đến chất lượng các chương trình đào tạo.

Thứ năm, các nội dung quy định về chuẩn chương trình đào tạo đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành để phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đối với chương trình đào tạo, làm cơ sở đối sánh trong quá trình kiểm định chương trình đào tạo. Cách tiếp cận này hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học có cơ chế “tự bảo vệ sức khỏe” bền vững cho các chương trình đào tạo và tạo tiền đề quan trọng để các chương trình đào tạo đạt được tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước cũng như của quốc tế.

Thứ sáu, quản lý chuẩn đầu ra không chỉ dừng lại ở việc minh bạch chất lượng chương trình đào tạo cho các bên liên quan mà còn phải “sử dụng kết quả đánh giá chương trình đào tạo để cải tiến chất lượng liên tục”. Đây chính là triết lý chính của bảo đảm chất lượng mà các nhà giáo dục trên thế giới vẫn đang hướng đến và cũng là một thực hành tốt hiện các nước có nền giáo dục tiên tiến đang áp dụng.

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

Lấy ý kiến tiêu chuẩn về kỹ thuật mật mã

Lấy ý kiến tiêu chuẩn về kỹ thuật mật mã

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:08

(CL&CS) - Ban Cơ yếu Chính phủ đang lấy ý kiến về quy định, tiêu chuẩn liên quan đến kỹ thuật mật mã và mã khối MKV.

Tiêu chuẩn ISO 22000 - nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Tiêu chuẩn ISO 22000 - nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 10:15

(CL&CS) - Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 - Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm giúp doanh nghiệp đảm bảo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời đại cạnh tranh toàn cầu.

05 trụ cột hành động chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch ISO mới

05 trụ cột hành động chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch ISO mới

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 08:00

(CL&CS) - Vào tháng 1 năm 2024, Tiến sĩ Sung Hwan Cho (Hàn Quốc) đảm nhận vị trí mới là Chủ tịch ISO. Trong thông điệp chào mừng, ông chia sẻ suy nghĩ của mình về cách ISO có thể tăng cường phạm vi tiếp cận của mình để ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện tại và trọng tâm trong nhiệm kỳ của ông trong hai năm tới.