Thứ sáu, 23/04/2021, 09:51 AM

Các trường đồng loạt tăng học phí, liệu chất lượng đào tạo có tăng theo?

(CL&CS) - Mùa tuyển sinh năm 2021-2022, hầu hết các trường đại học đều tăng học phí so với năm học trước. Theo lý giải của các trường, việc tăng học phí nhằm tạo “nguồn lực” để trường nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đầu tư cho đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, dịch vụ sinh viên...

Điều khiến phụ huynh, thí sinh bất ngờ và không khỏi lo lắng là học phí ở nhiều trường đồng loạt tăng mạnh, có trường tăng gấp đôi so với năm học trước.

“Choáng váng” với học phí ngành Y

Nhìn vào bảng công khai học phí của các trường ĐH công lập, “sốc” nhất vẫn là mức tăng của các trường khối ngành sức khỏe.

Chẳng hạn, tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, năm 2020 - 2021 học phí được chia làm 2 mức: Sinh viên có hộ khẩu ở TP.HCM thì chỉ phải đóng mức học phí 14,3 triệu đồng; các địa phương khác phải đóng mức học phí 28,6 triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm học 2021-2022, mức học phí không phân chia theo khu vực mà sẽ “đồng giá” và tăng lên với mức cao nhất không vượt quá 32 triệu đồng (các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt) và không quá 28 triệu đồng (các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng).

Đáng chú ý, mức học phí này chưa bao gồm hai học phần bắt buộc là Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh được thu theo quy định hiện hành.

Theo lý giải của các trường, việc tăng học phí nhằm tạo “nguồn lực” để trường nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo lý giải của các trường, việc tăng học phí nhằm tạo “nguồn lực” để trường nâng cao chất lượng đào tạo.

PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch hội đồng trường cho rằng, thực ra trường được phê duyệt đề án tự chủ từ năm 2019 nhưng không được điều chỉnh tăng học phí. Điều này khiến trường rất khó khăn vì đào tạo nhóm ngành đặc biệt này quá tốn kém. Chi phí đào tạo trung bình cho một sinh viên (SV) đã khoảng 32 triệu đồng/năm.

“Cùng với việc tăng học phí, trường sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học nhằm đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp đại học…”, ông Xuân nói.

Trong khi đó, ĐH Y Dược TP.HCM chưa công bố học phí mới nhưng từ năm 2020, trường này đã tăng học phí từ 13 triệu đồng mỗi năm lên 30-70 triệu đồng, tuỳ ngành. Theo lộ trình đã đề ra trước đó, khả năng học phí từng ngành của trường năm nay tiếp tục tăng 10%.

Ở khối ĐH Quốc gia TP.HCM, một số trường thành viên đã lần lượt công bố lộ trình tăng học phí cho năm học tới theo đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ chi thường xuyên. Mức tăng trung bình gấp đôi hiện nay.

Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghệ Thông tin hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm, hệ chất lượng cao là 35 triệu đồng/năm. Chương trình tiên tiến 45 triệu đồng. Năm tiếp theo, học phí ở mỗi hệ đào tạo tăng thêm 5 triệu đồng. Tương tự, tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm (mức cũ khoảng 12 triệu đồng). Còn chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng (mức cũ khoảng 30 triệu đồng).

Hai trường còn lại là ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Quốc tế với mức học phí dự kiến mới lần lượt là 20,5 triệu (hệ đại trà, tăng gần 10 triệu đồng) và 50 triệu đồng/năm.

Trường Đại học FPT năm nay cũng tăng học phí đào tạo từ 25,3 triệu/học kỳ lên 27,3 triệu/học kỳ, chương trình đào tạo tiếng Anh tăng từ 10,35 triệu lên 11,3 triệu cho mỗi mức đào tạo. Học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng 10%.

Trong khi đó, ở khối các trường ngoài công lập như Đại học Nguyễn Tất Thành; Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF), Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU), Đại học Hoa Sen (HSU)… mức học phí hầu như không được đề cập đến trong đề án tuyển sinh mà các trường công bố.

Lo chất lượng đào tạo không đi kèm 

Trên thực tế, việc các trường ĐH tăng học phí năm nay không bất ngờ nhưng vẫn gây “sốc” với phụ huynh, học sinh. Lý do là vì từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương đã tác động rất lớn đến thu nhập của người dân. Trước lo lắng này của các bậc phụ huynh, sinh viên, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) chia sẻ, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định thay thế đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục.

Bên cạnh các chính sách mới, các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP vẫn được giữ nguyên cho giai đoạn từ năm học 2021-2022 về sau.

Ở một góc độ khác, liên quan đến chuyện tăng học phí của các trường công lập, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho hay: Học phí khác với Kinh phí đào tạo!

Theo TS Trần Đình Lý, hiện tại, các cơ sở giáo dục công lập đang thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến hết năm học 2020 - 2021 (Nghị định số 86). Nghĩa là năm nay là năm cuối thực hiện nghị định. Khi kết thúc một giai đoạn sẽ có 2 cách hiểu: Một là, vẫn thu theo mức thu và mức tăng của NĐ 86; hai là, đã kết thúc một giai đoạn thí điểm, nay sang giai đoạn mới, tự chủ và tự chịu trách nhiệm đã thể hiện rất rõ, nguồn kinh phí NSNN giảm hoặc không còn, do đó học phí phải tăng theo thời giá, tăng để duy trì và phát triển, bảo đảm chất lượng...

“Trong quá trình tự chủ và tự chịu trách nhiệm, các cơ sở giáo dục đại học đã làm một số việc mà tôi cho rằng rất phù hợp, đáng trân trọng, đó là, với uy tín của mình, các nhà trường phải tăng cường tìm kiếm nguồn thu khác ngoài học phí, kết nối doanh nghiệp, cựu sinh viên, các tổ chức xã hội để có thêm nguồn kinh phí giảm gánh nặng cho người học. Đây cũng chính là tiêu chí đánh giá năng lực quản trị của các trường đại học”, TS Trần Đình Lý nói.

Ràng buộc để học phí “xứng” với chất lượng đào tạo mới đang được soạn thảo?

Để đảm bảo học phí tương xứng với chất lượng đào tạo, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT), cho hay dự thảo Nghị định quy định về vấn đề học phí đang được Bộ soạn thảo để trình Chính phủ thông qua sẽ bổ sung yêu cầu gắn học phí với kết quả kiểm định chất lượng.

Theo đó, việc xác định mức học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường mà còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập.

Như vậy, tùy vào từng mức kết quả kiểm định các trường sẽ được xác định mức học phí tương ứng.

Như vậy, rõ ràng kinh phí khác với học phí. Một sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp vài tỉ đến vài chục tỉ đồng đầu tư phòng thí nghiệm, sân chơi thể thao, ký túc xá... có thể tương đương với hàng ngàn sinh viên phải gồng mình đóng học phí cả năm trời.

Tại sao học phí trường công thấp? Có phải học phí thấp là chất lượng không cao? Phải hiểu rằng, người học đóng học phí mới chỉ là một phần. Tổng kinh phí để đào tạo ra một kỹ sư, cử nhân, bác sĩ bao gồm học phí + nguồn kinh phí khác (gồm kinh phí ngân sách Nhà nước và kinh phí từ xã hội hóa).

“Lâu nay, các trường công lập được NSNN đầu tư một phần chi thường xuyên và các dự án mục tiêu, trọng điểm như phòng thí nghiệm, giảng đường, sân chơi, ký túc xá... giảm được bao nhiêu là gánh nặng cho người học. Khi đã được đầu tư phần cứng rồi, học phí được tính toán dựa trên cơ sở bảo đảm chi cho hoạt động để duy trì hay để phát triển. Muốn phát triển phải dựa vào tiêu chí uy tín, chất lượng. Muốn chất lượng thì phải thu hút giảng viên giỏi, thiết bị chuẩn, tài liệu tiên phong, thực hành thực tập chuyên sâu, đặc biệt là khối kỹ thuật công nghệ, nông lâm ngư, liên quan đến động, thực vật... đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc để có chất lượng tương xứng! Chắc chắn mức học phí sẽ đồng biến với chất lượng và sự minh bạch”, TS Trần Đình Lý đúc kết.

An Nhiên

Bình luận

Nổi bật

EU thay đổi quy định về mức dư lượng thuốc bảo về thực vật (MRL) - hoạt chất Oxamyl đối với nông sản thực phẩm

EU thay đổi quy định về mức dư lượng thuốc bảo về thực vật (MRL) - hoạt chất Oxamyl đối với nông sản thực phẩm

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:54

(CL&CS) - Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU, ngày 22 tháng 1 năm 2024, Ủy ban Châu Âu ban EU ban hành Quy định mới số (EU) 2024/331 sửa đổi Phụ lục II và V Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện và của Hội đồng Châu Âu liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) đối với hoạt chất Oxamyl áp dụng đối với một số nông sản.

Tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh

Tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:54

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 25/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Bến xe chật kín, người dân ùn ùn về quê dịp nghỉ lễ 30/4-5

Bến xe chật kín, người dân ùn ùn về quê dịp nghỉ lễ 30/4-5

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:53

(CL&CS) - Năm nay, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người tranh thủ đi du lịch, về quê thăm gia đình, bạn bè… Tại các bến xe lớn trên địa bàn TP Hà Nội, người dân đổ về đông đúc ngay từ đầu giờ chiều.