Thứ tư, 15/11/2023, 14:03 PM

Chống gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu

(CL&CS) - Hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, vẫn còn tồn tại không ít doanh nghiệp, cửa hàng cố tình vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh, niêm yết giá, đặc biệt về đo lường, chất lượng.

Vi phạm kinh doanh xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp

Ngày 21/9/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành do Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng chủ trì, đã tiến hành kiểm tra đối với Công ty CP T.M.L.Đ (địa chỉ: Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) kết quả kiểm tra Công ty CP T.M.L.Đ có hành vi không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định và Đoàn kiểm tra tiến hành mẫu xăng RON 95-III đang kinh doanh tại Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Trạm KDXD NVC thuộc Công ty CPTMLĐ để gửi thử nghiệm chất lượng hàng hóa.

Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, xăng RON 95- III số lượng 13.405 lít của Công ty CPTMLĐ có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (Hàm lượng olefin không phù hợp với Quy chuẩn QCVN 01:2022/BKHCN). Trên cơ sở đó Đoàn kiểm tra đã làm việc với Công ty và Công ty CPTMLĐ đã thừa nhận hành vi vi phạm.

Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ về Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng trình Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty CPTMLĐ, với 2 hành vi phạm là không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định và Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (Hàm lượng olefin không phù hợp với Quy chuẩn QCVN 01:2022/BKHCN). Hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ là Xăng RON 95-III số lượng 13.405 lít, giá trị 339.586.180 đồng.

Đoàn kiểm tra tiến hành mẫu xăng để thử nghiệm chất lượng.

Đoàn kiểm tra tiến hành mẫu xăng để thử nghiệm chất lượng.

Trước đó ngày 06/10/2023 Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng cũng đã xử phạt doanh nghiệp tư nhân HTV (địa chỉ tại huyện Đức Trọng) số tiền 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người quản lý trực tiếp kinh doanh không được đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường theo quy định. Qua kế hoạch chuyên đề về kinh doanh xăng dầu năm 2023 Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt và đề xuất xử phạt 02 doanh nghiệp với số tiền: 881.465.450 đồng.

Xử lý nghiêm gian lận trong kinh doanh xăng dầu

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong quá trình kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường một số địa phương phát hiện có những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, phổ biến như: tác động vào cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo làm sai lệch kết quả; bán xăng, dầu ngoài hệ thống,...

Trong đó có một số hành vi nghiêm trọng như: bán xăng, dầu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; sử dụng phương tiện đo không có chứng chỉ kiểm định. Thậm chí, có tình trạng một vài nhân viên bán hàng lợi dụng giờ cao điểm cũng như khâu quản lý lỏng lẻo để bơm "nối số” giữa các lần bơm, không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, cố ý che bảng thông tin cột bơm,... nhằm trục lợi bất chính, gây bất bình cho người tiêu dùng.

Tinh vi hơn, một số cửa hàng sử dụng cả thiết bị điều khiển từ xa để can thiệp vào phần mềm của phương tiện đo trên một trụ bơm xăng, sau đó lập trình điều chỉnh sai số phương tiện đo thông qua IC (vi mạch) trên bo mạch chính của phương tiện đo.

Với việc can thiệp bằng công nghệ cao vào thiết bị đo như trên có thể gây sai số trong quá trình bơm xăng dầu từ 7,6% đến 9,3% nhằm gian lận về số lượng và giá tiền người mua, trong khi mức độ sai số cho phép chỉ là 0,5%. Do không tác động vật lý vào trụ bơm cho nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện hành vi vi phạm bởi tại các vị trí dán tem niêm phong, kẹp chì của cơ quan đo lường trên trụ bơm còn giữ nguyên vẹn.

Vì vậy, để bảo đảm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần răn đe cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh khác, các lực lượng chức năng, đặc biệt là quản lý thị trường cần đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định liên quan đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng xăng dầu tại Quảng Ninh (Ảnh: Báo Công Thương)

Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng xăng dầu tại Quảng Ninh (Ảnh: Báo Công Thương)

Bên cạnh đó, huy động lực lượng thường xuyên hoặc đột xuất giám sát các điểm niêm phong, kẹp chì tại các bộ phận, chi tiết, chức năng có khả năng can thiệp làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của các cột đo xăng dầu; kiểm tra sai số kết quả đo lượng xăng dầu trên bình chuẩn. Trường hợp có nghi vấn về chất lượng, phải tiến hành lấy mẫu theo quy định để kiểm tra sự phù hợp của xăng dầu với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng,…

Về phía người tiêu dùng, cơ quan chức năng khuyến cáo thường xuyên nêu cao ý thức cảnh giác, mua xăng ở những địa chỉ uy tín; nếu phát hiện cửa hàng, đơn vị kinh doanh xăng dầu vi phạm hoặc nghi ngờ chất lượng xăng, dầu không bảo đảm nên báo ngay cho cơ quan chức năng để can thiệp, xử lý.

Trước hiện tượng vi phạm về kinh doanh xăng dầu ngày càng tinh vi, các cơ quan quản lý chức năng cần nghiên cứu, sớm có biện pháp xử lý, đưa ra chế tài xử phạt hành chính đủ mạnh, thậm chí có thể xử lý hình sự để bảo đảm sức răn đe với các doanh nghiệp, cá nhân có ý định trục lợi trong kinh doanh xăng dầu. Đó chính là những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng gian lận kinh doanh xăng dầu trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 23/3/2023, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có Công văn số 548/TCQLTT-CNV về việc kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng xăng dầu.

Cụ thể, công văn của Tổng cục nêu rõ, hiện nay, trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu còn diễn biến phức tạp, trong đó có hiện tượng nhiều đối tượng lợi dụng việc nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ tại một số thời điểm trên địa bàn các tỉnh, thành phố để kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, do vậy, giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và nội dung trong Công điện số 383/CĐ-BCT ngày 20/1/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn (Công an, Sở Khoa học Công nghệ) thực hiện kiểm tra, lấy mẫu xăng dầu để thử nghiệm, giám định về chất lượng. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

Mặt khác, Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc cam kết trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn để tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng về các nguy hiểm trong tiêu thụ, sử dụng xăng dầu giả, kém chất lượng.

Trúc Thi

Bình luận

Nổi bật

Hà Nội triển khai Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ

Hà Nội triển khai Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11

(CL&CS) - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 331/KH-UBND ngày 18/11/2024 về việc triển khai Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.

Xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng là yếu tố then chốt

Xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng là yếu tố then chốt

sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 16:22

(CL&CS) - Có thể thấy, người tiêu dùng Việt Nam luôn tích cực đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội, với mục đích để tiếp cận các thương hiệu mới và tham khoải đánh giá trước khi mua hàng. 71% cho biết đã từng mua sắm thông qua nền tảng này, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực là 56%.

Sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá

Sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 15:49

(CL&CS)- Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 33/2024/TT-BYT quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật đối với sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá, kê khai giá.