Dù các phân khúc bất động sản khác vẫn gặp nhiều khó khăn thì bất động sản khu công nghiệp được đánh giá là phân khúc duy trì tốt, dẫn đầu tỷ trọng tăng trưởng, là điểm sáng nổi bật nhất trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn.
Nhiều địa phương tích cực mở rộng Khu công nghiệp
Ở khu vực phía Bắc, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu về số lượng khu – cụm công nghiệp được phê duyệt đầu tư, khởi công như: Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1, quy mô 41,7ha (huyện Phúc Thọ); riêng huyện Đông Anh có: cụm công nghiệp Thiết Bình xã Vân Hà, quy mô 20,98ha; cụm công nghiệp Liên Hà 2, xã Liên Hà, quy mô 21,99 ha; cụm công nghiệp Dục Tú, xã Dục Tú, quy mô 15ha; cụm công nghiệp Thụy Lâm, xã Thụy Lâm, quy mô 17 ha. Cùng với đó, trong quý III cũng có thêm 1 Khu công nghiệp mới được khởi công là Khu công nghiệp Đồng Văn V, giai đoạn 1 (tỉnh Hà Nam), quy mô sử dụng đất 237,29ha...
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh cũng đưa quy hoạch sẽ có 25 khu công nghiệp tính đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, thành lập mới 2 khu công nghiệp là: Thuận Thành III - phân khu C, quy mô khoảng 200 ha và An Việt - Quế Võ 6 có quy mô 60 ha. Giai đoạn 2026-2030, lập thêm 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.800 ha...
Ở khu vực phía Nam, với tham vọng thu hút đầu tư, nhiều địa phương đã lên kế hoạch mở rộng diện tích đất khu công nghiệp trong tương lai. Đơn cử như, tỉnh Bình Dương được coi là thủ phủ khu công nghiệp phía Nam với 29 khu công nghiệp hiện hữu, tỷ lệ lấp đầy đạt 91%, địa phương này đặt mục tiêu phát triển thêm 10 khu công nghiệp từ nay đến năm 2030, với tổng diện tích 10.200 ha.
TP.HCM sẽ tăng thêm khoảng 800 ha đất công nghiệp cho các khu công nghiệp gồm: Hiệp Phước giai đoạn 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Lê Minh Xuân 2 và Phạm Văn Hai. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang hoàn thành đề án thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất, khu công nghiệp gồm: Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu, Hiệp Phước. Mục tiêu thu hút đầu tư các khu công nghiệp chuyên đề, công nghiệp kỹ thuật cao, cũng như phát triển khu công nghiệp chuyên ngành logistics.
Xét về giá thuê đất KCN bình quân tại miền Nam trong quý 3 đạt 163.7 USD/m2/kỳ hạn thuê và miền Bắc là 132.1 USD/m2/kỳ hạn thuê đều tăng 2% so với cùng kỳ.
Các đơn vị nghiên cứu đánh giá, giá cho thuê đất bình quân trong các khu – cụm công nghiệp cơ bản ổn định, phổ biến hiện nay là khoảng 3,5 - 5,5 USD/m2/tháng. Giá cho thuê nhà xưởng tại một số KCN như sau: Tại KCN Châu Sơn (Hà Nam) giá cho thuê 3.5 USD/m2/tháng; KCN Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) giá cho thuê 5 USD/m2/tháng; KCN Deep C II, Nam Đình Vũ (Hải Phòng) 4,7 – 4,8 USD/m2/tháng; KCN Yên Phong 2C (Bắc Ninh) khoảng 5,5 USD/m2/tháng; KCN Lộc An Bình Sơn (Đồng Nai) khoảng 4,6 USD/m2/tháng; KCN Long Hậu (Long An) cho thuê 5,5 USD/m2/tháng; KCN Yên Bình (Thái Nguyên) cho thuê 4,2 USD/m2/tháng.
Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp “ăn nên làm ra”
Báo cáo tài chính từ các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp cho thấy, hầu hết ông lớn khu công nghiệp đều có lợi nhuận tăng trong kỳ. Trong đó, Đô thị Kinh Bắc lãi trước thuế 250,3 tỷ đồng, tăng 430,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 201,5 tỷ đồng, gấp 10,9 lần. Theo doanh nghiệp, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu là do trong kỳ này KBC ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp (hơn 580 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng, Kinh Bắc ghi nhận 1.994 tỷ đồng doanh thu và 397,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 58% và 81% so với cùng kỳ. Với kế hoạch tham vọng năm 2024, doanh thu đạt 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng, KBC mới hoàn thành lần lượt 22% và 10% kế hoạch.
Xét về giá trị, Tổng Công ty IDICO - CTCP lãi ròng cao nhất đạt 511 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ và chiếm hơn 24% tổng lợi nhuận toàn ngành, đây cũng là công ty có doanh thu cao nhất. IDICO cho biết, do tăng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê hạ tầng KCN đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần khiến lợi nhuận tăng.
Nhờ bán các khoản đầu tư khiến lợi nhuận ròng của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG tăng 56% lên gần 302 tỷ đồng. Hay Becamex IDC có lãi hơn 344 tỷ đồng, tăng 58%.
Dự báo về phân khúc bất động sản khu công nghiệp, JLL Việt Nam cho rằng triển vọng thị trường bất động sản khu công nghiệp vẫn lạc quan bởi xu hướng sản xuất toàn cầu và sức cạnh tranh của Việt Nam, cũng như nỗ lực và kết hợp chặt chẽ của chính quyền và chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Sự kết hợp này có khả năng thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng và sức hấp dẫn mảng này đối với các nhà đầu tư và khách thuê tiềm năng.