Tính đến 07/12/2022, ở kỳ hạn 12 tháng, SGB là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất với 10%/năm. Xếp ngay đó là SCB với mức 9.95%/năm. Thứ 3 là DongABank với lãi suất 9.75%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, SGB áp dụng lãi cao nhất ở mức 9.6%/năm, kế đó là DongABank với 9.35%/năm. Bac A Bank và Vietbank cùng giữ mức 9.1%/năm.
Cụ thể, Từ 25/11/2022, Saigonbank (SGB) tăng 0.2-1.8 điểm phần trăm các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tăng 1.6 điểm phần trăm lên 9.6%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng 1.8 điểm phần trăm lên 9.8%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng 1.7 điểm phần trăm lên 8.3%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng tăng 1.2 điểm phần trăm lên 10%/năm.
SCB cũng nâng biểu lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 28/11/2022 với mức tăng 1.15-1.4 điểm phần trăm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng được tăng lên 7.8%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 8.1%/năm, kỳ hạn 12 tháng lên mức 9.95%/năm và trên 12 tháng được nâng lên mức 9.6%/năm.
DongABank tăng mạnh từ 1.55-1.95 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tất cả kỳ hạn từ ngày 28/11/2022. Cụ thể, với khoản tiền gửi áp dụng 365 ngày/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng 1.95 điểm phần trăm lên lần lượt 9.35%/năm và 9.45%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 1.85 điểm phần trăm lên 9.75%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng tăng 1.55 điểm phần trăm lên 9.85%/năm.
Đến ngày 07/12, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1-3 tháng được nâng lên trong khoảng 4.9-6%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng nằm trong khoảng 6-9.8%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 7.3-10%/năm.
Ở nhóm các ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV mức lãi suất gần tương đồng nhau và không thay đổi so với tháng 11. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-2 tháng được giữ ở mức 4.9%/năm; kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng duy trì 5.4%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giữ ở 6%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng lên là 7.4%/năm.
Trước đó, nhiều ngân hàng công bố lãi suất huy động ở mức cao, trên 10%. Đơn cử như tại ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) công bố áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 11%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, lãi suất 11%/năm thực chất chỉ áp dụng cho 3 tháng đầu với tiền gửi Happy Future tại kỳ hạn 9 tháng, còn 6 tháng cuối lãi suất điều chỉnh về 5,95%/năm. Như vậy, lãi suất huy động bình quân trong 9 tháng chỉ ở mức 7,63%/năm. Đồng thời, khách hàng cũng không được rút trước hạn.
Sang đến tháng 11, Nam A Bank đã điều chỉnh bảng lãi suất, cao nhất hiện nay là 8,9%/năm áp dụng đối với khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng và được phê duyệt của Tổng Giám đốc. Đối với khoản tiền gửi dưới 500 tỷ đồng cùng kỳ hạn, Nam A Bank áp dụng lãi suất là 8,3%/năm.
Còn với tiền gửi thông thường tại Nam A Bank, lãi suất cao nhất được áp dụng là 8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất này cũng được áp dụng cho khách hàng gửi tiền trực tuyến tất cả các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại Nam A Bank.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), lãi suất 10,5%/năm cho khoản gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng đã không còn được niêm yết. Thay vào đó, lãi suất huy động cao nhất đang được áp dụng là 8,95%/năm đối với tiền gửi trực tuyến Tiết kiệm An Phú, kỳ hạn từ 24 tháng trở lên; 8,85%/năm cho kỳ hạn 15-18 tháng; 8,75%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng.
Ngoài ra, NCB còn ưu đãi cộng thêm 0,2% lãi suất khi gửi trên NCB iziMobile cho khách hàng lần đầu gửi tiết kiệm tại ngân hàng này. Như vậy, lãi suất cao nhất khách hàng có thể được hưởng tại NCB là 9,15%/năm.
Còn với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, NCB áp dụng lãi suất cao nhất là 8,65%/năm cho tiền gửi tiết kiệm rút gốc linh hoạt, kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.
Trước tình hình các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế - nhận định, về nguyên tắc, các ngân hàng cũng lo lắng vốn vay trung dài hạn phải giảm đi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Để đáp ứng việc cho vay trong thời gian tới, buộc các ngân hàng phải tìm cách tăng nguồn vốn của mình và phải nâng lãi suất lên để tăng cường thu hút vốn để có vốn cho vay ra.
Mặc dù như vậy, NHNN cũng có nhiều biện pháp để hạ thấp lãi vay trong nền kinh tế quốc dân.
Vì thế, một số ngân hàng lớn, chủ động được nguồn vốn, đã giảm lãi suất cho vay ra trong thời gian qua. Đến nay, lãi suất cho vay nhiều nhiều ngân hàng đã giảm, mức cao nhất đã giảm 2% rồi.
Rõ ràng, việc NHNN cung cấp lượng vốn giá rẻ ra thị trường đã có tác dụng rõ rệt trong việc trung hòa với vốn vay tăng cao trong thời gian qua của các ngân hàng thương mại. Từ đó có lượng vốn tương đối rẻ, đáp ứng khả năng cho vay trong nền kinh tế, ngân hàng mới có cơ hội giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp.
“Việc NHNN cung cấp ra lượng vốn giá rẻ bằng thị trường mở đang có hiệu quả tương đối tốt, nên phát huy để giữ vững ổn định mức lãi cho vay, phục vụ tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới đây”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.