Hậu “sốt” đất đấu giá tại Hà Nội: Sức nóng hạ nhiệt, nhà đầu tư “ráo riết” thoát hàng?

Thời gian gần đây, sức nóng từ các phiên đấu giá đất không còn được duy trì, đặc biệt là tại ngoại thành Hà Nội - khu vực từng là “tâm điểm” đấu giá đất. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư ôm đất giờ phải chấp nhận giảm giá bán để thoát hàng.

“Bão” đấu giá đất dần lắng xuống

Sau một thời gian dài “sốt nóng”, các cuộc đấu giá đất tại khu vực ngoại thành Hà Nội thời gian gần đây đã dần lắng xuống. Mới đây nhất, 26 thửa đất (Khu LK2, LK6) tại khu ĐG31/2019 thôn Yên Quán, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai được đấu giá thành công. Với giá khởi điểm 4,7 triệu đồng/m2, phiên đấu giá kết thúc có giá trúng cao nhất là 76,7 triệu đồng/m2 (gấp 16 lần khởi điểm) và thấp nhất là 40,7 triệu đồng/m2 (gấp 8,7 lần).

So với phiên đấu giá đất gần nhất cũng tại khu vực này hồi cuối tháng 11/2024, phiên lần này đã giảm mạnh, khi lô đất có giá trúng cao nhất giảm 18 triệu đồng, tức khoảng 20%. Cụ thể, phiên đấu giá 20 thửa trước đó ghi nhận mức trúng cao nhất gần 95 triệu đồng/m2, thấp nhất gần 71 triệu đồng/m2.

Tương tự, tại huyện Hoài Đức, giá trúng đấu giá đất cũng giảm khoảng 20% so với thời cao điểm. Cụ thể, giá trúng cao nhất của 2 phiên đầu tháng 11/2024 lần lượt là 103 và 109 triệu đồng/m2, trong khi giá trúng cao nhất của phiên tháng 8 lên tới 133 triệu đồng/m2.

Hay tại huyện Phúc Thọ trong phiên đấu giá mới đây giá trúng cao nhất chỉ 37,6 triệu đồng/m2, trong khi 2 tháng trước, một số thửa tại đây lên đến 75 triệu đồng/m2.

Không chỉ rớt giá mà số lượng người tham gia các phiên đấu giá đất cũng sụt giảm rõ rệt.

Đơn cử, tại huyện Phúc Thọ, hồi tháng 11, phiên đấu giá 12 thửa đất tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc), khu Hương Nam (xã Xuân Đình), khu Cổng chợ (xã Tích Giang), có hơn 120 hồ sơ với 32 khách hàng đăng ký tham gia. So với hồi tháng 8, 9, lượng người tham gia đã giảm mạnh.

Tương tự, tại huyện Thanh Oai, phiên đấu giá đất ngày 16/11 vừa qua chỉ thu hút 111 người và 400 bộ hồ sơ. Tới ngày 23/11, cuộc đấu giá chỉ thu hút 97 khách hàng với 413 hồ sơ. Những con số này đã giảm mạnh so với phiên đấu giá kỷ lục ngày 10/8 khi thu hút tới 1.500 người tham gia và 4.000 bộ hồ sơ.

Nhận xét về thực trạng các phiên đấu giá đất hạ nhiệt, ông Phạm Đức Toản, CEO của EZ Propert phân tích, giá đất trong những phiên đấu giá trước đây đã bị đẩy lên quá cao và khi vượt xa giá trị thực thì khả năng thanh khoản sẽ trở thành vấn đề lớn. Người trúng đấu giá khó bán lại vì không tìm được người mua, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất vay ngân hàng tăng cao và thị trường bất động sản đối mặt với những thách thức về nguồn vốn.

"Việc thanh khoản kém có thể là nguyên nhân trực tiếp khiến đất đấu giá đang dần hạ nhiệt", ông Toản nhận định.

Nhà đầu tư “ráo riết” thoát hàng

Theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản, hiện công ty này đang có một số quỹ lô đất đấu giá tại Hoài Đức, Thanh Oai, Quốc Oai do nhà đầu tư gửi bán từ giữa tháng 12/2024. Mới có 2 lô được giao dịch, giá ngang với giá mà nhà đầu tư trúng và mua lại trước đó.

Theo lãnh đạo công ty này, thực ra nhà đầu tư đều gửi giá chênh từ 200-300 triệu đồng/lô đối có diện tích 90-110m2, nhưng khách hàng mua họ đều trả giá giảm đúng với giá mà khách hàng gửi. Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, nhà đầu tư quyết định bán bằng với giá mà mình đã mua trước đó. Sở dĩ vì các nhà đầu tư này cần bán ngay là đến ngày trả lãi và gốc ngân hàng nhưng họ chưa xoay được dòng tiền, coi đây là “cắt lỗ” để bảo toàn vốn.

Hiện có 3 lô đất tại Hoài Đức đang gửi ở công ty này có mức trúng đấu giá khoảng 85 triệu đồng/m2, khách hàng cũng muốn bán bằng giá, thuế phí khách mua tự lo. Người này cho biết, đã có khách vào hỏi, nhưng họ vẫn còn cân nhắc nên mua chung cư tại các quận hay mua đất nền để tặng con cái họ đã trưởng thành.

“Hồi tháng 8 – 9 khi thị trường đất đấu giá nóng lên, nhiều nhà đầu tư đã nhảy vào nhằm mua kiếm lời, nhưng một vài tháng sau thị trường đảo chiều, thanh khoản chậm, những nhà đầu tư này buộc phải bán để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng”, vị lãnh đạo này nói.

Đưa ra lời khuyên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trước khi xuống tiền mua đất nền thời điểm này, phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh rơi vào bẫy "sốt ảo". Thị trường bất động sản Hà Nội, với đặc thù dân cư đông đúc, cung không đủ cầu nên dễ thu hút cả những nhà đầu cơ trong các phiên đấu giá. Do đó, không loại trừ khả năng trong nhiều phiên đấu giá đất vẫn xuất hiện các nhà đầu tư thông đồng đẩy giá nhằm nâng giá trị những khu đất lân cận để trục lợi.

Để ổn định thị trường đất đấu giá, theo các chuyên gia, Nhà nước cần kiểm soát giá khởi điểm và bảo đảm cơ chế đấu giá minh bạch hơn, hạn chế tình trạng "cò" đất đẩy giá, gây rối loạn thị trường.

TIN LIÊN QUAN