Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay giá đất tại Hòa Lạc có xu hướng tăng từng ngày. Trong các phân khúc, đất thuộc diện tái định cư tại Hòa Lạc đang được giới đầu tư quan tâm hơn cả. Vì thế, giá đất đã tăng từ 15-30% trong vòng hơn một tháng và tăng 50% so với cuối năm ngoái.
Tại khu tái định cư Bắc Phú Cát (xã Thạch Hòa), đã có những giao dịch khủng, lên tới 60 triệu đồng/m2. Thậm chí nhiều “cò” còn khoe chốt đơn trong ngày sang tay lãi trăm triệu.
Đất tái định cư Bình Yên (xã Bình Yên, Thạch Thất) cũng không kém cạnh, tăng từ 10-15 triệu đồng/m2, giao dịch thành công trong khoảng 40-50 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, đất tái định cư khu Đại học Quốc gia Hà Nội tăng nhẹ hơn, khoảng 10 triệu đồng/m2, giao dịch thành công ở mức giá 30-40 triệu đồng/m2.
Anh Nguyễn Văn Bốn, một môi giới bất động sản cho biết, anh vừa môi giới thành công 3 mảnh đất tái định cư tại Bắc Phú Cát. Trong đó, 2 lô có giá 70 triệu đồng/m2, 1 lô có "vị trí đắc địa nên giá lên tới 105 triệu đồng/m2". Việc giao dịch diễn ra chỉ trong hơn một tuần.
Tuy nhiên, nhà môi giới này lưu ý, mức giá trên không nhiều, và chỉ cá biệt cho những lô đất nhỏ với diện tích dưới 60m2. Còn đa số các lô có diện tích trên 80m2 giá sẽ mềm hơn, dao động khoảng 60 triệu đồng/m2.
Lý giải cho việc bất động sản khu vực Hòa Lạc liên tục nóng thời gian qua, nhiều nhà đầu tư cho rằng vị trí đẹp và dòng tiền nhàn rỗi đã kích cầu khu vực này. Theo anh Quang Đức, một nhà đầu tư ở Hà Đông, thì khu vực Hòa Lạc cách trung tâm thành phố chỉ 30km. Bên cạnh đó, giao thông thuận lợi, khu vực cũng có nhiều tiềm năng phát triển nên là điểm đến đầu tư của mọi người. Ngoài ra, thời gian này trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư nguy cơ rủi ro như vàng, chứng khoán, còn lãi suất ngân hàng đang thấp thì bất động sản được tìm đến như một khu vực trú ẩn an toàn.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng có tâm lý dè chừng khi cho rằng đây có thể chỉ là chiêu trò của môi giới. Ngoài ra, với việc giá đất tăng sốc, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro khi mua phải giá cao hơn thực tế, khiến thời gian sinh lời lâu hơn. Trong khi đó, thị trường bất động sản ven Hà Nội còn rất nhiều chỗ có tiềm năng để đầu tư.
Anh Nguyễn Văn Nam (Hoài Đức) cho biết anh và một số bạn bè có nhu cầu đầu tư bất động sản ở Hoà Lạc và sẵn sàng đặt cọc nếu giá phải chăng và có “hàng” đẹp. Tuy nhiên, cuối tuần qua anh và nhóm bạn đã quyết định tìm địa điểm khác để đầu tư do lo ngại giá đất sốt ảo. “Nếu cố mua vào khi giá đất ảo như lúc này, nhà đầu tư rất dễ rơi vào tình trạng đọng vốn” – Anh Nam chia sẻ.
Tương tự, vợ chồng anh Đào Thế Hùng và chị Nguyễn Thị Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng vừa rút khỏi thị trường bất động sản Hòa Lạc vì thấy tốc độ tăng giá đất tại đây quá nhanh.
Theo các chuyên gia bất động sản, kịch bản “thổi giá” đất Hòa Lạc không mới. Theo đó, một nhóm nhà đầu tư sẽ thành lập 1 đội và giao dịch bất động sản theo kiểu “từ tay trái qua tay phải”, từ người này sang người khác và mỗi một lần giao dịch sẽ hình thành mức giá mới. Khi có lợi nhuận, các nhà đầu tư sẽ chốt lời và xả hàng ồ ạt. Người mua cuối cùng tham gia thị trường sẽ không còn cơ hội để bán cho người tiếp theo nữa.
Nhận định về thị trường bất động sản Hòa Lạc, một giám đốc công ty bất động sản cho rằng, gần đây thị trường đất nền Hòa Lạc khởi sắc hơn nhờ việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và những tín hiệu tích cực từ xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Theo giới kinh doanh thì những nhà đầu tư ở đô thị vệ tinh này phần lớn là các chuyên gia trong Khu công nghệ cao và một số nhà đầu tư dài hạn đón đầu sự phát triển của đô thị vệ tinh. Bên cạnh đó thì giới nhà giàu Thủ đô thường mua đất ở khu vực này nhằm đáp ứng nhu cầu căn nhà thứ hai ở tại các dự án sinh thái, hoặc mua các lô đất nền có sổ đỏ vừa làm kinh doanh các khu nhà ở cho thuê đồng thời làm của để dành cho tương lai./.