Đâu là “nguồn lực” thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản?

Tín dụng luôn đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của thị trường bất động sản. Khi thị trường bất động sản gặp khó khăn hoặc biến động mạnh, nguy cơ nợ xấu gia tăng. Còn khi tín dụng được khơi thông sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa.

Bất động sản được coi là lĩnh vực có rủi ro cao đối với các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Khi thị trường bất động sản gặp khó khăn hoặc biến động mạnh, nguy cơ nợ xấu gia tăng. Các dự án chậm tiến độ, không bán được hàng hoặc giảm giá trị khiến các chủ đầu tư khó khăn trong việc trả nợ. Điều này buộc các ngân hàng phải thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng, có thể dẫn đến việc giảm số lượng dự án mới và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Chính sách tín dụng của nhà nước là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản. Khi nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng vào bất động sản nhằm kiểm soát lạm phát hoặc ngăn ngừa bong bóng, dòng vốn vào thị trường này sẽ giảm. Kết quả là hoạt động xây dựng và giao dịch bất động sản chững lại. Ngược lại, khi nhà nước có các chính sách hỗ trợ, như giảm lãi suất hoặc cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, thị trường sẽ được kích thích phát triển.

Khi tín dụng ưu đãi được triển khai hiệu quả, không chỉ người dân được lợi mà còn thúc đẩy các chủ đầu tư tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội. Điều này giúp cân bằng cung cầu trên thị trường nhà ở, giảm áp lực tăng giá nhà đất tại các khu vực đô thị và góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng việc thiếu hụt nguồn vốn hoặc khó khăn trong quá trình giải ngân các gói tín dụng ưu đãi vẫn diễn ra. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và hoàn thành các dự án nhà ở xã hội, gây mất niềm tin cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Nếu không có cơ chế giám sát và kiểm soát chặt chẽ, tín dụng bất động sản có thể dẫn đến tình trạng nợ xấu. Khi các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính hoặc dự án không có đầu ra ổn định, khả năng trả nợ cho ngân hàng bị ảnh hưởng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng mà còn có thể gây ra khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn.

Tính đến hết quý II/2024, tín dụng của nhiều ngân hàng tăng trưởng hai con số. Trong đó, cho vay bất động sản, mua nhà ở đóng góp "công sức" lớn, điều này cho thấy, bất động sản tiếp tục là nhóm có vai trò trọng yếu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2024. 

Trong báo cáo về ngành ngân hàng vừa công bố, Công ty Chứng khoán VPBankS cho biết, cho vay bất động sản vẫn là phân khúc giúp nhiều nhà băng tăng trưởng tín dụng trong quý II/2024. Cụ thể, có 14/27 ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao từ 6% trở lên. Đáng chú ý, các ngân hàng bán buôn như LPBank, Techcombank hay các ngân hàng bán lẻ có thế mạnh ở khu vực miền Nam như ACB, HDBank đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trên 10% trong quý II.

Thống kê dựa trên báo cáo tài chính quý II/2024 từ 10 ngân hàng niêm yết có thuyết minh vay theo ngành cho thấy, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính đến cuối quý II đạt khoảng 575.000 tỷ đồng.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, tín dụng bất động sản tăng là một hiện tượng bình thường, bởi kinh doanh bất động sản hay mua nhà ở đều là hoạt động thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp, người dân. Trong đó, ngân hàng cũng muốn hỗ trợ doanh nghiệp có vốn triển khai các công trình, dự án bất động sản. Đó là lý do, nửa đầu năm đã cho thấy dấu hiệu tích cực hơn khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đạt được thỏa thuận tín dụng lên tới hàng nghìn tỷ đồng với các ngân hàng. 

TIN LIÊN QUAN