Dòng vốn đang được “bơm” vào thị trường, tín dụng bất động sản tăng đều ở các phân khúc?

Tính đến hết quý II/2024, tín dụng của nhiều ngân hàng tăng trưởng hai con số. Trong đó, cho vay bất động sản, mua nhà ở đóng góp "công sức" lớn. Điều này cho thấy, dòng vốn lơn từ tín dụng đang được “bơm” vào thị trường bất động sản.

Untitled-2

Vốn tín dụng được “bơm mạnh” vào thị trường

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính hết tháng 6, tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 10,29%. Tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39 - 40% trong tổng tín dụng bất động sản trong khi tín dụng cho tiêu dùng bất động sản chỉ tăng 1,15%.

Trong báo cáo về ngành ngân hàng vừa công bố, Công ty Chứng khoán VPBankS cho biết, cho vay bất động sản vẫn là phân khúc giúp nhiều nhà băng tăng trưởng tín dụng trong quý II/2024. Cụ thể, có 14/27 ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao từ 6% trở lên. Đáng chú ý, các ngân hàng bán buôn như LPBank, Techcombank hay các ngân hàng bán lẻ có thế mạnh ở khu vực miền Nam như ACB, HDBank đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trên 10% trong quý II.

Theo thống kê từ từ 10 ngân hàng niêm yết có thuyết minh vay theo ngành cho thấy, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính đến cuối quý II đạt khoảng 575.000 tỷ đồng.

Trong đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 cho thấy dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của Techcombank (TCB) cuối tháng 6/2024 đạt 201.210 tỷ đồng, tăng 3,7% so với quý I/2024. Ngân hàng này cũng cho biết, dư nợ cho vay mua nhà phục hồi lên mức 181,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm và 9,1% so với cùng kỳ. Giải ngân cho vay mua nhà tiếp tục đà tăng trưởng tốt, đạt 31,2 nghìn tỷ trong quý II/2024. Tính chung tổng dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank cuối quý II/2024 đạt 567.389 tỷ đồng. Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng tín dụng đến từ cho vay bất động sản chiếm hơn 35,6% tổng dư nợ.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước. Đến cuối tháng 7/2024 tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn đạt trên 1 triệu tỉ đồng, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm 2023. Con số này cao hơn mức tăng chung của tín dụng trên địa bàn, khi mà 7 tháng đầu năm tín dụng chung trên địa bàn tăng 3,9%.

Bên cạnh đó, cho vay nhà ở gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại… vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất, chiếm khoảng 57% trong tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn. Riêng dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỉ đồng, tăng 78% so với cuối năm ngoái, trong đó giải ngân cho vay từ gói 120.000 tỉ đồng đạt 170 tỉ, cho dự án nhà ở cho công nhân thuê tại Tp. Thủ Đức.

Ngoài ra, tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh như cho vay phát triển hạ tầng KCN-KCX, cho vay xây dựng văn phòng, cao ốc, cho vay phục vụ xây dựng nhà hàng, khách sạn khu du lịch... đều đạt tốc độ tăng trưởng khá.

Theo dự báo của Viện nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam, đến năm 2030, vốn tín dụng tiếp tục giữ vai trò chủ yếu và được dự báo tiếp tục tăng trưởng khoảng 10 - 12%/năm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng bất động sản tiếp tục duy trì ở mức tương đương tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (khoảng 10 - 12%/năm). Quy mô nguồn vốn tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản ước tính sẽ đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng (khoảng 86 tỷ USD) và tín dụng nhà ở sẽ vào khoảng 3 - 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 147 tỷ USD) vào năm 2030.

Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản nửa cuối năm

Việc điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm, thiết kế các căn hộ thông minh, tiện ích linh hoạt và giảm tổng tiền trên mỗi căn hộ sẽ là những giải pháp giúp cho cung - cầu dễ gặp nhau hơn. Sự hỗ trợ tích cực của các ngân hàng cũng sẽ giúp cho người mua thuận lợi tiếp cận nguồn vốn vay, giúp thị trường bất động sản hồi phục và tín dụng tăng trưởng trong các tháng còn lại cuối năm 2024.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TPHCM nhận xét, tín dụng bất động sản tăng trưởng mạnh chủ yếu là do đảo nợ. Lượng trái phiếu khi đến hạn thì doanh nghiệp bất động sản phải vay ngân hàng để trả nợ trái phiếu, khiến tín dụng BĐS tăng.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục dù rất chậm, chủ yếu tập trung ở khu vực miền Bắc, còn miền Nam vẫn chưa khởi sắc nhiều.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM đánh giá, những yếu tố thuận lợi về cơ chế, chính sách như: Lãi suất thấp, khả năng đáp ứng tốt nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng; các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội; Luật Bất động sản; Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành sớm, cùng với những hành động cụ thể thông qua hoạt động của các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và những chuyển biến tích cực trên sẽ là cơ sở, yếu tố thúc đẩy để thị trường BĐS duy trì những điểm tích cực, tạo điều kiện phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, tín dụng bất động sản tăng là một hiện tượng bình thường, bởi kinh doanh bất động sản hay mua nhà ở đều là hoạt động thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp, người dân. Trong đó, ngân hàng cũng muốn hỗ trợ doanh nghiệp có vốn triển khai các công trình, dự án bất động sản. Đó là lý do, nửa đầu năm đã cho thấy dấu hiệu tích cực hơn khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đạt được thỏa thuận tín dụng lên tới hàng nghìn tỷ đồng với các ngân hàng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc gia tăng liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cho thấy sự kỳ vọng lớn vào nhóm doanh nghiệp này từ phía ngân hàng. Đó cũng là điều dễ hiểu khi thị trường bất động sản bắt đầu bước vào chu kỳ mới, trong khi lượng tiền trong ngân hàng đang dư thừa. 

“Dù chưa thể khẳng định thị trường bất động sản sẽ bật mạnh sau những "cú bắt tay" này, nhưng khi các dự án có đủ tài chính để triển khai xây dựng, nguồn cung ra thị trường chắc chắn sẽ tăng lên. Điều này giúp mở rộng cơ hội mua nhà cho người dân, còn doanh nghiệp thu về được dòng tiền. Đây là bước đệm để thị trường hồi phục nhanh hơn thời gian tới”, ông Châu nói.  

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, tín dụng bất động sản, chủ yếu là cho vay trung dài hạn, thời gian dài vì vậy sự tăng trưởng và phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường có tác động quan trọng đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. 

An Nhiên

Bình luận

Nổi bật

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 18:00

Bất động sản khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI trong nhiều năm qua. 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17.34 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm hơn 8% vốn thực hiện.

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:59

Giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi xếp thứ 14 trên thế giới, trong khi Tràng Tiền Plaza Hà Nội góp mặt ở vị trí 18, theo bảng xếp hạng các đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới của đơn vị Cushman & Wakefield.

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:57

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bất động sản công nghiệp (BĐS KCN) đang trở thành một "miền đất hứa" thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ.