Báo cáo đã chỉ ra, tổng nguồn cung sơ cấp trong tháng đạt hơn 10.000 căn, nhưng chỉ có 119 căn bán được, tương đương 1,2%. Phần lớn giao dịch là sản phẩm condotel, còn biệt thự và nhà phố nghỉ dưỡng chỉ có vài căn được bán.
Tại thủ phủ nghỉ dưỡng Đà Nẵng, phân khúc bất động sản này không ghi nhận giao dịch nào trong tháng 10 và 11, dù nguồn cung sơ cấp tương đương cùng kỳ năm ngoái với hơn 900 căn. Tình trạng này kéo dài từ đầu năm đến nay. Đến quý III, biệt thự và nhà phố nghỉ dưỡng tại đây tiếp tục mất thanh khoản, còn giao dịch condotel khoảng 3%.
Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung trong tháng tương tương so với tháng trước với 232 căn nhưng giảm 1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thanh khoản gần như đóng băng khi hơn 90% dự án đóng giỏ hàng khiến thị trường không ghi nhận phát sinh giao dịch.
Giá bán sơ cấp vẫn duy trì ổn định và không có nhiều biến động so với tháng trước. Giá bán cao nhất ở Đà Nẵng hiện ở mức 100,5 triệu đồng/m2, thấp nhất khoảng 18,6 triệu đồng/m2. Còn tại Quảng Nam, giá bán cao nhất neo ở ngưỡng 73 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 25,9 triệu đồng/m2. Tại Thừa Thiên Huế, giá bán thấp hơn, dao động 9,1-52,8 triệu đồng/m2.
Để kích cầu, các chủ đầu tư đã nỗ lực triển khai các chính sách ưu đãi, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất nhưng thanh khoản vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Còn ở phân khúc Condotel, mặt bằng giá sơ cấp 36,6-62 triệu đồng mỗi m2. Tại Đà Nẵng, mỗi m2 condotel cao nhất 148 triệu đồng, còn Quảng Nam lên đến 156 triệu.
Trong bối cảnh khó khăn, các chủ đầu tư vẫn phải áp dụng nhiều chính sách kích cầu như cam kết, chia sẻ lợi nhuận, doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc... song hiệu quả không cao. Trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư gặp áp lực tài chính tiếp tục giảm giá, "cắt lỗ" để thoát hàng.
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án (DKRA Group) cho biết niềm tin thị trường với bất động sản nghỉ dưỡng vẫn rất thấp, kéo dài thách thức về thanh khoản và khả năng tăng giá. Dù ngành du lịch dần khởi sắc, nhiều dự án không đảm bảo tiến độ, thậm chí bỏ hoang do thiếu vốn khiến tình cảnh "đóng băng" ở phân khúc này được dự báo kéo dài.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn kinh doanh khó khăn, có dự án lỗ hàng trăm tỷ nửa đầu năm nay. Đơn cử, chủ đầu tư dự án Merryland Quy Nhơn và Grand Center Quy Nhơn (Bình Định) lỗ sau thuế khoảng 199 tỷ đồng, cao gấp 5,8 lần so với cùng kỳ. Hay Tonkin Land - chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng phức hợp Le Méridien Đà Nẵng - lỗ liên tiếp từ khi công bố thông tin năm 2021 đến nay.
Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư cá nhân tại phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng tiếp tục rơi vào cảnh khốn khó, không ít trong số đó phải cắt lỗ trong bối cảnh thanh khoản ì ạch.
Có thể thấy, phân khúc nghỉ dưỡng vẫn đang đi lệch khỏi đường ray phục hồi chung của thị trường bất động sản vốn đang có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đang có thêm các động lực để loại hình từng “vang bóng một thời” này có thể trở lại trong tương lai.
Nhìn nhận về sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng khi Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực, dự kiến nguồn cung sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sẽ cải thiện khoảng 20% so với năm 2023.
Thời gian tới, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có nhiều tiềm năng bởi các chủ thể tham gia thị trường quay trở lại do những tác động tích cực của các bộ luật mới. Việc một số loại hình chủ lực trong phân khúc được cấp sổ hồng theo quy định cũng là động lực để phân khúc này lấy lại niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư.
Bàn về vấn đề này, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Batdongsan.com.vn cho biết bất động sản nghỉ dưỡng đang chờ đợi cơ hội mới. Các yếu tố vĩ mô về du lịch, bán lẻ đều có dấu hiệu hồi phục tích cực sẽ tác động đến bất động sản nghỉ dưỡng. Ông Tuấn cho biết mức độ quan tâm với các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đã dần có sự cải thiện vào thời điểm giữa năm.