Thứ sáu, 12/11/2021, 17:20 PM

7 giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh

(CL&CS) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 7 giải pháp tiếp cận, xây dựng các biện pháp để khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong thời gian tới. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong thời gian tới. Ảnh: VGP

Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15, sáng ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiếp tục trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề kế hoạch và đầu tư.

Tích cực phục hồi sản xuất kinh doanh

Trước đó, tại phiên chất vấn ngày 11/11, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) hỏi về cách tiếp cận xây dựng biện pháp khôi phục kinh doanh khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn như nguồn vốn đứt đoạn, nguồn cung lao động thiếu, chuỗi cung ứng đứt gãy.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Là cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ, đề nghị Bộ trưởng cho biết cách tiếp cận, xây dựng các biện pháp để khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế của Việt Nam”.

Sáng ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra 7 vấn đề trọng tâm cho câu hỏi này.

Thứ nhất, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine và khả năng cung ứng về thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái bình thường mới đó là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Từ đó, chủ động xây dựng các phương án và kịch bản để ứng phó.

Thứ hai, khi xây dựng chính sách thì xây dựng theo hướng mở để có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của các đối tượng cần hỗ trợ trong từng thời gian cụ thể.

Thứ ba, vừa hỗ trợ để phục hồi nhanh trong ngắn hạn, vừa kết hợp lồng ghép với các chiến lược và các kế hoạch 5 năm trong dài hạn.

Thứ tư, các chính sách phải bảo đảm các mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như an toàn tài chính quốc gia, hoạt động ổn định của các tổ chức tín dụng, các chỉ tiêu về nợ công, lạm phát...

Thứ năm, các chính sách này phải hướng tới tác động cả về phía cung và phía cầu, cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội, lao động việc làm, có trọng tâm trọng điểm.

Thứ sáu, phải phù hợp với khả năng huy động và trả nợ.

Thứ bảy, phải có một nhóm nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát, giám sát chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả và phải đạt được các mục tiêu đã đề ra trong chương trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hai kịch bản cho kinh tế

Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) về vấn đề phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã xây dựng hai kịch bản cho kinh tế, có hoặc không có chương trình phục hồi, từ đó xác định các tỷ lệ về mức nợ công, bội chi, lạm phát cho từng kịch bản.

Bộ cũng đang cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội để tính toán về việc sử dụng các công cụ, chính sách tài khóa và tiền tệ như thế nào, khả năng huy động, phân bổ, sử dụng và hấp thụ của nền kinh tế ra sao.

Về quan điểm, phải mạnh dạn hơn để phối hợp phát triển kinh tế, đặc biệt phục hồi của các doanh nghiệp, vừa tăng trưởng, vừa vừa tăng quy mô GDP của nền kinh tế, vừa tạo nhiều việc làm cho xã hội nhưng đảm bảo an toàn nợ công và bội chi ngân sách nhà nước.

Công cụ quan trọng nhất đó là theo dõi giá cả, diễn biến, nợ xấu, điều hành linh hoạt việc in tiền để giảm nguy cơ, áp lực lạm phát. Bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, hàng hóa thiết yếu, đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm. Đảm bảo hiệu quả mang giải pháp dẫn dắt kích hoạt nguồn vốn ngoài nhà nước. Đây là những vấn đề đang đặt ra.

Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đặt vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Ôn Trịnh Xuân An cho biết, 9 tháng đầu năm, 91.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường. Số này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Ông đề nghị Bộ trưởng đánh giá kỹ đối với các chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Trịnh Xuân An cũng nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng trong gói hỗ trợ, cần điều chỉnh mức lãi suất hợp lý. Nếu số doanh nghiệp này không hồi phục kịp thời, ông tin rằng mức tăng trưởng 6,5% GDP sẽ rất khó khăn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp tập trung chính vào vấn đề tổng cầu, khi sản lượng, doanh thu giảm mạnh. Tiếp đến là doanh nghiệp khó khăn dòng tiền, không có sản xuất thì không có nguồn thu; khó khăn về chi phí đầu vào đang tăng rất cao; khó khăn về vấn đề lao động. Sau khi có Nghị quyết 105, 128 của Chính phủ, tinh thần doanh nghiệp, theo ông, đã tương đối tích cực hơn, các doanh nghiệp đã mở cửa tái sản xuất.

"Tại các khu công nghiệp phía Nam, 92-96% doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, 70-75% lao động trở lại. Dự kiến đến quý 1 năm sau, 100% doanh nghiệp sẽ khôi phục hoạt động hoàn toàn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Tuy nhiên, với vấn đề hỗ trợ, Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua chính sách mới tập trung hỗ trợ vào các doanh nghiệp khỏe, những doanh nghiệp vẫn còn tạo ra doanh thu và lợi nhuận, thông qua các chương trình giảm thuế, hoãn thuế. "Những doanh nghiệp yếu đúng là chưa được quan tâm hỗ trợ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết. Các chính sách cho nhóm này vẫn dừng ở các gói hỗ trợ chung, tổng thể. Theo đó, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong thời gian tới.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Bảo Phương

Bình luận

Nổi bật

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.