Thứ tư, 03/03/2021, 11:39 AM

2 Bộ vào cuộc yêu cầu tỉnh Bắc Ninh dừng xả thải gây ô nhiễm sông Cầu

(CL&CS) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm hành vi gây ô nhiễm sông Cầu.

Từ lâu, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định nguyên nhân ô nhiễm sông Cầu là do nguồn chất thải từ các cơ sở sản xuất giấy tại phường Phong Khê (TP.Bắc Ninh) và cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) đổ thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê.

Sông Cầu qua địa bàn Bắc Ninh và Bắc Giang đã bị ô nhiễm nặng từ lâu, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân địa phương

Sông Cầu qua địa bàn Bắc Ninh và Bắc Giang đã bị ô nhiễm nặng từ lâu, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân địa phương

Được biết, tình trạng sông Cầu ô nhiễm đã xảy ra từ lâu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang sống 2 bên bờ sông. Trước thực trạng đó, ngày 5-2, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Cầu.

Theo Bộ NN&PTNT, sông Ngũ Huyện Khê thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Đuống là công trình mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Bộ NN&PTNT phân giao nhiệm vụ quản lý cho UBND tỉnh Bắc Ninh (tại Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ NN&PTNT).

Bộ NN&PTNT cho rằng, qua công tác thanh tra, kiểm tra và phản ánh của địa phương cũng như các đơn vị truyền thông cho thấy việc quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi Bắc Đuống còn một số tồn tại.

Cụ thể, nguồn nước trên sông Ngũ Huyện Khê đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nước thải sinh hoạt…; đặc biệt là các cơ sở sản xuất giấy thuộc cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) và cụm công nghiệp Phong Khê 1, Phong Khê 2 (thành phố Bắc Ninh).

Để bảo đảm việc chấp hành quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật có liên quan, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở NN&PTNT, các cơ quan liên quan của tỉnh kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Bộ đề nghị tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp dừng ngay hoạt động xả thải chưa qua xử lý vào công trình thủy lợi Bắc Đuống. Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh rà soát tổ chức, cá nhân có hoạt động xả thải vào công trình thủy lợi Bắc Đuống và có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Ngũ Huyện Khê, xử lý nghiêm vi phạm đối với tổ chức, các nhân liên quan do hoạt động xả nước thải không đúng quy định pháp luật vào hệ thống công trình thủy lợi.

Tỉnh Bắc Ninh cũng được đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện các nội dung trên, tỉnh Bắc Ninh báo cáo về Bộ NN&PTNT (qua Tổng cục Thủy lợi) trước ngày 5-3.

Trước đó, ngày 22-2, Bộ TN&MT cũng đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh, trước mắt dừng ngay việc xả nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu qua cống tiêu Đặng Xá.

Kiểm soát và điều chỉnh chế độ vận hành điều tiết nước cống tiêu Đặng Xá hợp lý, bảo đảm dòng chảy, không làm gia tăng ô nhiễm chất lượng nước sông. Đồng thời phối hợp chặt chẽ và thông tin cho UBND tỉnh Bắc Giang trước khi điều chỉnh cống tiêu Đặng Xá xả nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu.

Tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở TN&MT cùng các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra đột xuất xả nước thải của các cơ sở sản xuất tại làng nghề Phong Khê, cụm công nghiệp (CCN) Phong Khê và CCN Phú Lâm xả ra sông Ngũ Huyện Khê; xử phạt nghiêm đối các cơ sở vi phạm.

Cũng theo Bộ TN&MT, thời gian tới sẽ tổ chức buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Giang để trao đổi về các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Ngũ Huyện Khê. Bộ cũng sẽ trao đổi với lãnh đạo 2 tỉnh về việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường (nhà máy xử lý nước thải tập trung và hệ thống thu gom triệt để nước thải phát sinh); nhà máy xử lý nước thải đủ công suất xử lý toàn bộ nước thải phát sinh tại CCN Phong Khê 1, CCN Phong Khê 2, CCN Phú Lâm, làng nghề tái chế kim loại Châu Khê, làng nghề gỗ mỹ nghệ Hương Mạc, Phù Khê, Đồng Quang của thị xã Từ Sơn, làng nghề tái chế giấy Phú Lâm của huyện Tiên Du. 

Đồng thời, Tổng cục Môi trường sẽ thanh tra các cơ sở do Bộ TN&MT cấp giấy phép về môi trường, các cơ sở còn lại do địa phương thực hiện thanh tra. Đối với các trường hợp không đấu nối nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung hoặc không đóng phí xử lý nước thải, buộc đầu tư công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc dừng hoạt động. 

Hồng Liên

Bình luận

Nổi bật

Quảng Ngãi: Đào tạo kiến thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Quảng Ngãi: Đào tạo kiến thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Mới đây, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) tổ chức 'Khóa đào tạo về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa'.

Nâng cao khả năng đo hiệu chuẩn của các tổ chức

Nâng cao khả năng đo hiệu chuẩn của các tổ chức

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:36

(CL&CS) - Ở Việt Nam, trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện Đề án 996 và tiếp nối kết quả thực hiện thí điểm chương trình so sánh liên phòng năm 2022, ngày 9/4/2024, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành Quyết định số 763/QĐ-TĐC về việc tổ chức Chương trình so sánh liên phòng về đo lường năm 2024 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Xây dựng tiêu chuẩn về hệ thống báo cháy trong nhà

Xây dựng tiêu chuẩn về hệ thống báo cháy trong nhà

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 14:38

(CL&CS) - Bộ Công an đang dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Hệ thống báo cháy – Phần 14: Thiết kế, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các hệ thống báo cháy trong nhà và xung quanh tòa nhà phát hiện sớm cháy nổ bảo đảm an toàn cho người dân.