Thứ ba, 24/10/2023, 13:58 PM

Xuất khẩu rau quả ghi nhận mức kỷ lục

(CL&CS) - 9 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ghi nhận mức kỷ lục khi đạt gần 5 tỷ USD, trong đó sầu riêng là mặt hàng có đóng góp lớn nhất với giá trị ước tính khoảng 2 tỷ USD.

Tính đến tháng 10, ngành sầu riêng ước tính đã mang về khoảng 2 tỷ USD cho Việt Nam.

Tính đến tháng 10, ngành sầu riêng ước tính đã mang về khoảng 2 tỷ USD cho Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 9/2023 đạt trị giá cao nhất từ trước tới nay, với 667,5 triệu USD, tăng tới 43,7% so với tháng trước. Kỳ tích này có thể bị phá vỡ khi trong tháng 10, giá trị xuất khẩu là 699 triệu USD, theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,913 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, UAE là những cái tên ghi nhận tăng trưởng hai đến ba con số.

Điển hình thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả đã đạt hơn 2,26 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 18%, Nhật Bản tăng 6%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu rau quả sang Mỹ, Thái Lan, Đài Lan, Australia, Nga giảm nhẹ.

Riêng mặt hàng sầu riêng, tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, xuất khẩu quả sầu riêng, đạt tới 1,63 tỷ USD (tính đến hết tháng 9), gấp hơn 14 lần so với con số 113 triệu USD của cùng kỳ năm trước.  Tính đến tháng 10, ngành sầu riêng ước tính đã mang về khoảng 2 tỷ USD cho Việt Nam.

Có được điều này bởi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Riêng thị trường Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu sầu riêng tươi và đã đạt giá trị 1,148 tỷ USD trong 8 tháng năm 2023.

Cũng nhờ đó mà sầu riêng nhanh chóng gia nhập nhóm trái cây tỷ đô. Sầu riêng cũng được dự báo sớm cán đích kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD trong tháng 10 này. Bên cạnh sự tăng trưởng của mặt hàng sầu riêng còn có sự đóng góp của các mặt hàng như: Mít, xoài, vải, dưa hấu, bưởi, nhãn…

Mặt hàng thanh long lại có sự giảm nhẹ và đạt gần 450 triệu USD bởi xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc và Mỹ giảm mạnh; hay thanh long đông lạnh sang Mỹ cũng giảm tương đối.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cuối năm Trung Quốc thường có nhu cầu thanh long cao, kỳ vọng xuất khẩu thanh long sẽ có sự hồi phục trở lại. Mới đây, trái dừa đã được cấp “visa” sang Mỹ và cùng với việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ dừa sang Trung Quốc, thời gian tới trái dừa Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng trở thành mặt hàng tỷ USD. Những điều này góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả thời gian tới.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, việc Trung Quốc mở cửa khẩu, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 là động lực thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng mạnh.

“Trong 3 tháng cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả sẽ tiếp đà tăng trưởng mạnh bởi đây là thời điểm lễ, Tết nên nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường tăng cao, đặc biệt là Trung Quốc”, Cục Xuất nhập khẩu dự báo.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nếu giữ được nhịp độ tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu rau quả năm 2023 cũng sẽ vượt con số 5 tỷ USD mà nhiều chuyên gia ước tính vào giữa năm nay.

Đây là điều khả thi bởi nhu cầu nhập khẩu rau quả ở thị trường lớn nhất là Trung Quốc trong những tháng cuối năm thường tăng cao, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như thanh long, dưa hấu…

Ngoài ra, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, những tháng còn lại của năm 2023, trong khi sầu riêng của các nước khác ở Đông Nam Á đã hết vụ, Việt Nam vẫn còn vùng sầu riêng ở Tây Nguyên chưa khai thác. Đây sẽ là cơ hội lớn để mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả tiếp tục tăng kim ngạch trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cũng cũng cho biết, ngành sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho rau quả Việt sang các thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường có giá trị cao.

Riêng với Trung Quốc là nghị định thư về các mặt hàng gồm: Dưa hấu từ mặt hàng xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi.

“Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này, thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Minh Vân

Bình luận

Nổi bật

Phát triển nông nghiệp thông minh giúp tăng năng suất, chất lượng

Phát triển nông nghiệp thông minh giúp tăng năng suất, chất lượng

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:26

(CL&CS) - Cuộc cách mạng dữ liệu đang diễn ra trong nông nghiệp. Không thể đánh giá thấp tiềm năng biến đổi của nông nghiệp thông minh trong việc giải quyết những thách thức phức tạp mà thế giới chúng ta phải đối mặt ngày nay. Nông nghiệp thông minh và nông nghiệp chính xác tận dụng các công nghệ như máy bay không người lái trong nông nghiệp, robot, cảm biến IoT, GPS và hệ thống thông tin quản lý trang trại để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bình Định: Phê duyệt nhiệm vụ “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm hải sâm cát tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn'

Bình Định: Phê duyệt nhiệm vụ “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm hải sâm cát tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn'

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:26

(CL&CS) - Mới đây, Sở KH&CN tỉnh Bình Định đã phê duyệt nhiệm vụ “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm hải sâm cát tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn" do Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn chủ trì thực hiện và HTX Dịch vụ - Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải là cơ quan phối hợp chính tổ chức thực hiện.

Áp dụng công cụ cải tiến Kaizen mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Áp dụng công cụ cải tiến Kaizen mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:25

(CL&CS) - Áp dụng công cụ cải tiến Kaizen mang đến lợi ích hữu hình cũng như vô hình cho doanh nghiệp. Kaizen tích lũy từng cải tiến nhỏ trong thời gian dài để tạo nên những kết quả to lớn đáng kể, giảm sự lãng phí, gia tăng năng suất chất lượng.