Media chất lượng & cuộc sống
Thứ tư, 29/06/2022, 08:45 AM

Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bò thịt an toàn

(CL&CS) - Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị sản phẩm”.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chăn nuôi trong nước đã có những liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (giữa các nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đến người tiêu dùng),...

bo-thit

Hình minh họa

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về phát triển chăn nuôi. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi duy trì bình quân ở mức 5-6%/năm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Đàn bò cả nước tính đến hết quý I/2022 ước tăng 1,1%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 128.000 tấn (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021).

Chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn và bò sữa đã có nhiều chuỗi liên kết khép kín, chuỗi này do doanh nghiệp làm đầu mối chủ động hoàn toàn các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Có thể kể đến như Công ty CP Việt Nam, Jappfa, De Heus, GreenFeed, Vinamilk, TH Truemilk…Tuy nhiên, chăn nuôi bò thịt chủ yếu vẫn còn trong nông hộ, chưa có hoặc bước đầu hình thành liên kết sản xuất.

Sản phẩm thịt bò của Việt Nam có rất nhiều cơ hội, lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới như: Thị trường tiêu thụ lớn do dân số đông cùng với mức thu nhập ngày càng tăng trong khi lượng cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, hiện tại sản phẩm thịt bò phải nhập khẩu từ nước ngoài lên đến 60%.

Hiện nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh theo chuỗi: Nhập khẩu nuôi vỗ béo - giết mổ - chế biến - phân phối. Trong tương lai, đây có thể coi là các đầu tàu thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi. Bên cạnh đó, nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ Chính phủ và các nước đối tác như Úc... trong chiến lược phát triển sản xuất và mở rộng thị trường thịt bò.

Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, đặc biệt là bò thịt để đến năm 2030 đạt trên 10% thịt bò trong tổng sản lượng thịt các loại (hiện tại là 7,4%)...

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị sản phẩm ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức:

Thị trường nhập khẩu rộng mở, nguy cơ cạnh tranh với hàng nhập khẩu có chi phí sản xuất thấp hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cho phép nhập khẩu bò sống từ Úc, Brazil, Thái Lan về giết mổ trong nước.

Đồng thời, ký Hiệp định Thương mại tự do với các nước EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (Úc, Canada, Mexico, New Zealand) nên mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng này sẽ giảm về 0%.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn là yêu cầu bắt buộc và được xem là chìa khóa giúp người chăn nuôi gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019 và năm 2020, tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong nước đạt khoảng hơn 5 triệu tấn; trong đó, thịt bò hơi chiếm tỷ trọng gần 7%). Năm 2021, tổng sản lượng thịt đạt khoảng 6,2 triệu tấn; trong đó thịt bò hơi tăng lên, chiếm tỷ trọng 7,4%.

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 là 7,3 kg/người/năm; trong đó, sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 40% sản lượng thịt bò tiêu thụ, còn lại 60% nhập khẩu từ các nước khác. Mức tiêu thụ thịt bò trung bình theo đầu người mặc dù cao hơn hầu hết các nước trong khu vực châu Á, nhưng thấp hơn so với các nước có nền kinh tế phát triển. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi bò thịt còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh mật độ chăn nuôi phù hợp với đặc thù chăn nuôi của thành phố; xây dựng và hướng dẫn cơ quan quản lý cấp tỉnh xây dựng, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi. Đồng thời đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ như: Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, các tổ chức nước ngoài tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chương trình, dự án về phát triển chăn nuôi; hỗ trợ, đầu tư và chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý chuyên môn đối với cán bộ thành phố và cơ sở.

Hồng Liên

Bình luận

Nổi bật

Bản tin CL&CS: Tích hợp hệ thống quản lý nâng cao năng suất chất lượng

Bản tin CL&CS: Tích hợp hệ thống quản lý nâng cao năng suất chất lượng

sự kiện🞄Thứ hai, 22/04/2024, 22:00

(CL&CS) - Những nội dung chính: Tích hợp hệ thống quản lý nâng cao năng suất chất lượng; Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Những tín hiệu tích cực từ cộng đồng; Trung tâm đăng kiểm không được tự ý từ chối xe cải tạo

Bản tin CL&CS: Tiêu chuẩn hóa giúp doanh nghiệp xác định được chuẩn mực hoạt động sản xuất kinh doanh

Bản tin CL&CS: Tiêu chuẩn hóa giúp doanh nghiệp xác định được chuẩn mực hoạt động sản xuất kinh doanh

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 15:07

(CL&CS) - Những nội dung chính: Tiêu chuẩn hóa giúp doanh nghiệp xác định được chuẩn mực hoạt động sản xuất kinh doanh; Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số để xúc tiến thương mại; Bụi mịn ở Hà Nội gấp đôi quy chuẩn; Giá trị thương hiệu Việt Nam đạt gần 500 tỷ USD trong năm 2023.

Bản tin CL&CS: Nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp

Bản tin CL&CS: Nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ hai, 15/04/2024, 17:01

(CL&CS) - Những nội dung chính: Nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp; Thêm những điểm chờ xe buýt đại tiêu chuẩn châu Âu tại Hà Nội; Hà Nội: Tái khởi động loạt lô cốt 'bỏ hoang' trên đường Vũ Trọng Khánh; Hoa loa kèn vào vụ, nông dân ngoại thành Hà Nội tất bật thu hoạch.