Ứng dụng công nghệ trong lâm nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và phát triển bền vững
(CL&CS) - Ngành lâm nghiệp đang từng bước ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, đồng thời quản lý hiệu quả tài nguyên rừng.
Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp đang trở thành giải pháp then chốt nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và phát triển bền vững. Đây là yêu cầu cấp thiết khi dư địa đất trồng rừng không còn nhiều, trong khi nhu cầu về sản phẩm gỗ hợp pháp, có thể truy xuất nguồn gốc ngày càng gia tăng từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trên thực tế, công nghệ cao đang được áp dụng toàn diện trong chuỗi giá trị lâm nghiệp: từ sản xuất, quản lý, giám sát, chế biến đến tiêu thụ. Các phần mềm quản lý, hệ thống theo dõi tự động, thiết bị giám sát kết nối Internet giúp minh bạch hóa quy trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ, dự báo rủi ro thiên tai, phát hiện sớm cháy rừng, truy xuất nguồn gốc gỗ và bảo tồn đa dạng sinh học.

Nghiên cứu công nghệ, ứng dụng trong chọn giống nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng. Ảnh: Báo Phú Thọ
Trong ngành lâm nghiệp, khâu chọn giống đóng vai trò then chốt trong việc gia tăng năng suất và chất lượng rừng trồng. Với mục tiêu cung ứng nguồn giống cây nguyên liệu giấy chất lượng cao, Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy – đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã tăng cường đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, tập trung vào chọn tạo, lai tạo các giống cây lâm nghiệp như keo lai, bạch đàn. Mỗi năm, Viện cung cấp khoảng 3 triệu cây mầm mô, riêng tỉnh Phú Thọ nhận gần 2 triệu cây. Dự kiến đến hết năm 2025, con số này có thể đạt 6 triệu cây.
Ông Nguyễn Văn Hiên - Giám đốc Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy cho biết, việc ứng dụng công nghệ trong chọn tạo giống giúp tạo ra những cây có năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt, phù hợp từng vùng sinh thái, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và đóng góp vào phát triển rừng bền vững.
Bên cạnh khâu chọn giống, công nghệ cao cũng được ứng dụng trong giám sát, quản lý, bảo vệ rừng. Tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), việc triển khai các thiết bị bay không người lái (flycam) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến và hệ thống định vị GPS đã giúp theo dõi, thu thập dữ liệu liên tục về diện tích rừng, phát hiện sớm cháy rừng và tình trạng xâm hại. Nhờ đó, công tác bảo vệ rừng trở nên chủ động, chính xác và tiết kiệm nhân lực hơn nhiều so với phương pháp truyền thống.
Tại Quảng Bình, lực lượng kiểm lâm đã tích hợp các phần mềm giám sát lên thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng để cập nhật nhanh diễn biến rừng từ ảnh vệ tinh. Theo Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), thay vì mang theo bản đồ giấy, máy định vị, la bàn như trước đây, cán bộ kiểm lâm giờ chỉ cần một thiết bị di động để xác minh tại hiện trường, nâng cao hiệu quả tuần tra và quản lý rừng.
Một bước tiến nổi bật trong chuyển đổi số ngành lâm nghiệp là việc triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp Việt Nam (iTwood) - sản phẩm nghiên cứu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. iTwood không chỉ góp phần minh bạch chuỗi cung ứng gỗ, mà còn giúp quản lý mã số vùng trồng, giám sát chữa cháy rừng và cấp tín chỉ carbon. Sau 4 tháng thí điểm tại 5 tỉnh (Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái), đã có 3 tỉnh cấp mã số vùng trồng rừng cho 1.500 chủ rừng, tương ứng 3.350 ha. Cả nước hiện có hơn 67.000 ha đăng ký mã vùng trồng qua iTwood với 1.569 chủ thể tham gia, phần lớn là hộ gia đình.
Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhận định, dư địa đất trồng rừng mới không còn nhiều, nên cần tập trung nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng hiện hữu. Việc ứng dụng công nghệ sinh học để cải thiện giống là chiến lược trọng tâm. Hiện, năng suất rừng trồng bình quân cả nước chỉ đạt 15 - 18 m³/ha/năm - còn thấp so với tiềm năng. Do đó, ngành đang thúc đẩy chọn tạo giống cây lập địa phù hợp từng vùng và đẩy mạnh nhân giống vô tính qua nuôi cấy mô. Nhờ vậy, mỗi năm các cơ sở nuôi cấy mô trên cả nước đã cung cấp hơn 120 triệu cây giống chất lượng cao cho nhu cầu trồng rừng.
Trong chiến lược dài hạn, ngành lâm nghiệp hướng tới xây dựng hệ sinh thái số toàn diện, từ quản lý, khai thác đến giám sát, bảo vệ và phát triển rừng. Cục Lâm nghiệp xác định các nhiệm vụ trọng tâm như đầu tư hạ tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về lâm nghiệp, tăng cường kết nối - chia sẻ dữ liệu và đẩy mạnh sử dụng phần mềm số trong đo đạc, định vị và cấp mã số vùng trồng.
Việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ nâng cao hiệu quả chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gỗ, mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, góp phần bảo vệ tài nguyên, phát triển rừng bền vững và hiện thực hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải, biến đổi khí hậu.
Theo VietQ.vn
- ▪Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược của dòng vốn công nghệ cao và đổi mới sáng tạo
- ▪Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số nâng tầm cây chè Thái Nguyên
- ▪Nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm chi phí nhờ ứng dụng công nghệ trong CMCN 4.0
- ▪Phát triển doanh nghiệp công nghệ số để thúc đẩy kinh tế số
Bình luận
Nổi bật
Ứng dụng công nghệ trong lâm nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và phát triển bền vững
sự kiện🞄Thứ bảy, 26/04/2025, 10:47
(CL&CS) - Ngành lâm nghiệp đang từng bước ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, đồng thời quản lý hiệu quả tài nguyên rừng.
Bắc Giang: Thúc đẩy năng suất, chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp
sự kiện🞄Thứ sáu, 25/04/2025, 09:09
(CL&CS)- Mới đây, tại Trường Cao đẳng Bắc Giang, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang phối hợp với nhà trường tổ chức hội nghị về năng suất, chất lượng.
Cần có hướng dẫn cụ thể việc quản lý chất lượng hàng hoá mậu biên
sự kiện🞄Thứ năm, 17/04/2025, 22:30
(CL&CS)- Mới đây, tại trụ sở làm việc các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.