Tin nhanh bất động sản ngày 13/6: 11 dự án bất động sản ở TP Hồ Chí Minh chờ tháo gỡ vướng mắc

(CL&CS) - 11 dự án bất động sản ở TP HCM chờ tháo gỡ vướng mắc; Đề xuất đầu tư 8.750 tỷ đồng mở rộng đoạn cao tốc Yên Bái - Lào Cai; Hà Nội siết chặt quản lý và sử dụng nhà ở xã hội; 283ha “đất vàng” KCN Biên Hòa 1 sẽ được đấu giá làm đô thị; Nhà Khang Điền (KDH) bảo lãnh cho công ty con vay tối đa gần 4.620 tỷ đồng;…là những thông tin đáng chú ý.

11 dự án bất động sản ở TP Hồ Chí Minh chờ tháo gỡ vướng mắc

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi UBND TP HCM, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc 11 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của 10 doanh nghiệp trên địa bàn TP, nâng tổng số dự án bất động sản chờ gỡ vướng tại TP Hồ Chí Minh lên 113 dự án.

Trong đó, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp là chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong đầu tư, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, nghĩa vụ nhà ở xã hội, nghĩa vụ tài chính bổ sung, chưa hoàn thành thủ tục giao đất,… khiến các dự án ngưng trệ, thậm chí có dự án kéo dài đến 11 năm.

Dưới đây là danh sách 11 dự án bất động sản ở TP Hồ Chí Minh chờ tháo gỡ vướng mắc:

  1. Dự án khu nhà ở phường Tân Phú, quận 7 của Công ty TNHH Dynamic Innovation.
  2. Dự án khu nhà ở - trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam tại 727 Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú của CTCP Dệt Đông Nam.
  3. Dự án khu nhà ở Trường Lưu tại phường Long Trường, TP Thủ Đức của CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh, TP HCM.
  4. Dự án Metro Star tại số 360 xa lộ Hà Nội, phường Phước Long A, TP Thủ Đức của Công ty TNHH đầu tư Metro Star.
  5. Dự án khu chung cư thương mại, văn phòng Nguyên Hồng tại 18 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp của CTCP Bất động sản Nguyên Hồng.
  6. Dự án Ihome tại 359 Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp của CTCP Đầu tư Metro Star.
  7. Dự án thương mại văn phòng và căn hộ Leman Luxury 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu của CTCP Đầu tư Phương Nam Land.
  8. Dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc tại huyện Bình Chánh, TP HCM của CTCP Sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc.
  9. Dự án cao ốc thương mại - dịch vụ và căn hộ Joy City tại phường An Lạc, quận Bình Tân của CTCP Đầu tư, dịch vụ và Thương mại Hòa Anh Phát.
  10. Dự án khu nhà ở cán bộ, chiến sĩ Công an TP.HCM tại số 20/2 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 của CTCP Đầu tư Phú Cường.
  11. Dự án văn phòng đại diện, nhà khách tỉnh Hậu Giang và khu thương mại dịch vụ kết hợp căn hộ tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức của CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Hậu Giang.

Đề xuất đầu tư 8.750 tỷ đồng mở rộng đoạn cao tốc Yên Bái - Lào Cai

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc mở rộng Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Yên Bái - Lào Cai.

Theo đó, VEC - đơn vị được giao chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 1 kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư, nghiên cứu mở rộng Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Yên Bái - Lào Cai.

Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai.  

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe là 8.740 tỷ đồng; trong đó, đầu tư mở rộng 2 làn xe lên 4 làn xe đoạn Yên Bái  - Lào Cai là 5.663,718 tỷ đồng; đầu tư tạo nhám đoạn và mở 3 cầu đoạn Nội Bài - Yên Bái là 3.076,326 tỷ đồng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, các yêu cầu về quy mô, an toàn giao thông trên đoạn Yên Bái - Lào Cai hiện chưa đáp được là một tuyến đường cao tốc hoàn chỉnh và cần nghiên cứu mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên 4 làn xe để từng bước đáp ứng yêu cầu hoàn chỉnh đường cao tốc, giảm thiểu tai nạn và va chạm giao thông.

Hà Nội siết chặt quản lý và sử dụng nhà ở xã hội

Qua kiểm tra, giám sát của Sở Xây dựng Hà Nội và Ủy ban Nhân dân các quận huyện đã phát hiện nhiều chủ đầu tư và người dân vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.

Cụ thể, nhiều trường hợp được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định; việc lập dự toán theo phương án tính giá bán của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đúng.

Đặc biệt, không ít chủ đầu tư và khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ và sử dụng không đúng mục đích như cải tạo đập thông 2 căn hộ, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chỉ ra nhiều sai phạm khác từ chủ đầu tư do chưa thực hiện tốt việc giám sát đối tượng sau khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm này, mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ký ban hành Quyết định số 5488/QĐ-UBND về chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025." Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025."

Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tuân thủ việc mua bán, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật; trường hợp phát hiện đối tượng mua bán, sử dụng nhà ở xã hội không đúng quy định, xử lý vi phạm theo quy định hoặc đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp huyện để xử lý vi phạm nếu vượt thẩm quyền.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội mới xây dựng được 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (đạt 26,4%) với 12.659 căn hộ, trong khi kế hoạch đặt ra là 6,22 triệu m2.

Nếu so với giai đoạn trước năm 2016, số dự án nhà ở xã hội giảm rất nhiều. Một số dự án hoàn thành nhưng lại xa trung tâm nên rất khó bán mặc dù nhu cầu của đa số người dân vẫn còn rất lớn.

283ha “đất vàng” KCN Biên Hòa 1 sẽ được đấu giá làm đô thị

Đó là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng trong buổi làm việc với UBND TP. Biên Hòa và các sở, ngành về tiến độ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án khu đô thị - thương mại – dịch vụ Biên Hòa 1, theo báo Đồng Nai.

Được biết, sẽ có hơn 327ha đất KCN Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi công năng. Trong đó, 44ha sẽ dùng để xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh, 283ha còn lại đầu tư dự án khu đô thị thương mại dịch vụ.

Để thực hiện dự án khu đô thị Biên Hòa, có 2 phương án là đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Lãnh đạo Đồng Nai quyết định lựa chọn phương án đấu giá quyền sử dụng đất vì phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai hiện hành, khai thác có hiệu quả quỹ đất, nâng cao giá trị đất đai đối với khu đất có vị trí lợi thế thương mại cao.

Tuy nhiên, phương án này tỉnh cần nguồn ngân sách lớn để bố trí đền bù, giải phóng mặt bằng.

Để thực hiện dự án hiệu quả, Biên Hòa sẽ phân chia dự án thành nhiều khu và thực hiện đấu giá theo hình thức cuốn chiếu.

KCN Biên Hòa 1 sẽ được đấu giá làm đô thị (Ảnh minh họa).  

KCN Biên Hòa 1 sở hữu vị trí đắc địa khi nằm trên các tuyến đường giao thông huyết mạch như quốc lộ 1A, quốc lộ 51, hệ thống cảng biển.

Dự án nằm ở cửa ngõ TP. Biên Hòa kết nối với các trung tâm kinh tế lớn TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại khu vực này phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt dự án khu đô thị quy mô lớn đã và đang dần hình thành.

Trong bối cảnh quỹ đất tại TP.HCM ngày một khan hiếm, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đang ráo riết săn tìm quỹ đất ở khu vực giáp ranh như Biên Hòa để phát triển dự án.

Do đó, việc KCN Biên Hòa 1 được chuyển đổi công năng thành đô thị và đấu giá quỹ đất sẽ là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận “đất vàng”. Đồng Nai cũng sẽ thu được nguồn lợi “khổng lồ” cho ngân sách.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng từng cho biết, KCN Biên Hòa I là khu “đất vàng”, nhiều lợi thế phát triển khu đô thị - thương mại - dịch vụ được nhà đầu tư quan tâm; chính quyền địa phương đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.

Quảng Ninh hủy quy hoạch khu dân cư “treo” 12 năm của Tập đoàn Indevco

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định huỷ bỏ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long.

Được biết, quy hoạch này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 16 ngày 7/1/2010 nhưng đến nay đã hơn 12 năm chưa triển khai thực hiện. Quy hoạch này cũng không còn phù hợp với định hướng quy hoạch khu vực theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2019; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trung tâm du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí cao cấp (phân khu 6) tại các phường: Bãi Cháy, Hùng Thắng, Hà Khẩu, thành phố Hạ Long đã được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2020.

UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi, huỷ bỏ Quyết định số 16 ngày 7/1/2010 và các văn bản đã liên quan đến quá trình triển khai, lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long.

UBND tỉnh giao UBND thành phố Hạ Long giao quyết định này cho Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Indevco được biết, thực hiện.

Nhà Khang Điền (KDH) bảo lãnh cho công ty con vay tối đa gần 4.620 tỷ đồng

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH) đã công bố nghị quyết thông qua việc cam kết bảo lãnh để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ thay công ty con là Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc tại ngân hàng Vietinbank với số tiền vay/hạn mức vay vượt 10% tổng tài sản của Khang Điền tại báo cáo tài chính năm 2021.

Khang Điền sẽ bảo lãnh cho Nhà Khang Phúc vay vốn với hạn mức tối đa 4.619 tỷ đồng để thanh toán chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc Dự án Tân Tạo A với kỳ hạn 84 tháng.

Bên cạnh đó, HĐQT của Nhà Khang Điền cũng thông qua việc Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế (Khang Điền nắm 99,9% vốn) đồng ý sau khi dự án Khu nhà ở tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng (Tư Vấn Quốc tế sở hữu 99,9% vốn) sẽ thế chấp để đảm bảo cho khoản vay của Khang Phúc tại Vietinbank tối thiểu 1.000 tỷ và thế chấp nguồn thu phát sinh từ dự án Bình Trưng với giá trị nguồn thu chia sẻ tương đương mức cấp tín dụng tối đa của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Bình Trưng cho khoản vay của Khang Phúc tại Vietinbank.

Dự án Tân Tạo A nằm ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM có quy mô gần 330 ha và Công ty Nhà Khang Phúc (Nhà Khang Điền nắm 100% vốn) là đơn vị thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu trung tâm dân cư Tân Tạo - Khu A.

Minh Thu (t/h)

Bình luận

Nổi bật

Thị trường BĐS quý đầu năm 2024 có dấu hiệu khởi sắc

Thị trường BĐS quý đầu năm 2024 có dấu hiệu khởi sắc

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:35

Nhìn tổng quan thị trường bất động sản quý I đầu năm nay đã có tín hiệu khởi sắc khi hàng loạt động thái trợ lực giúp thị trường bất động sản khởi sắc như chính sách ưu đãi, lãi suất ngân hàng giảm, cùng với đó, thị trường cũng ghi nhận sự tái khởi động của hàng loạt dự án cũ và nhiều chủ đầu tư rốt ráo “bung hàng.”

Doanh nghiệp bất động sản đã “bớt khổ” nhưng vẫn “còn khó”?

Doanh nghiệp bất động sản đã “bớt khổ” nhưng vẫn “còn khó”?

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:34

Đã hết quý I/2024 nhưng những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt là vẫn còn, trong đó dòng tiền vẫn là vấn đề đâu đầu với doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thách thức cũng đồng nghĩa với việc sẽ mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực khi trải qua giai đoạn khó khăn này.

Thực trạng trên thị trường bất động sản: “Càng chờ giá càng tăng”

Thực trạng trên thị trường bất động sản: “Càng chờ giá càng tăng”

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:31

Có một thực tế đang diễn ra trên thị trường bất động sản đó là thu nhập của người dân vẫn không “đuổi kịp” giá nhà. Trong khi ai cũng có tâm lý chờ giá giảm rồi mới mua nhưng trong suốt thời gian qua “càng chờ giá lại càng tăng cao”. Và cứ như thế khi tiền để dành mua nhà thì khi đó giá nhà đã ở mức cao ngất ngưởng rồi.