Tin nhanh bất động sản hôm nay ngày 9/6: Long An khởi công dự án hơn 16.000 tỷ đồng
(CL&CS) - Long An động thổ khu phức hợp 16.000 tỷ đồng; Hòa Bình chấp thuận đầu tư KĐT sinh thái, nghỉ dưỡng hơn 85 ha ở Lạc Sơn; dòng vốn FDI Hàn Quốc chảy vào BĐS Việt Nam tăng cao; Điều chỉnh quy hoạch khu công viên 173 ha tại TP Vũng Tàu;...là những thông tin đáng chú ý.
Long An khởi công dự án hơn 16.000 tỷ đồng
Theo Báo Long An, CTCP Tập đoàn Thái Tuấn vừa tổ chức lễ động thổ Khu phức hợp công nghệ cao Thái Tuấn tại Khu công nghiệp (KCN) Đức Hòa III, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Dự án này có quy mô hơn 85 ha với tổng vốn đầu tư 16.000 tỷ đồng, nhằm đầu tư vào chuỗi sản xuất công nghiệp sợi - dệt - hoàn tất - may mặc - da giày - phụ kiện thời trang.
Liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng tại tỉnh Long An, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Prodezi, tỉnh Long An. Theo đó, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là CTCP Prodezi Long An.
Dự án có quy mô 400 ha. được thực hiện tại xã Lương Hòa và xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Vốn đầu tư của dự án khoảng 4.605 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 800 tỷ đồng, vốn huy động hơn 3.804 tỷ đồng.
Hòa Bình chấp thuận đầu tư KĐT sinh thái, nghỉ dưỡng hơn 85 ha ở Lạc Sơn
UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả tổng diện tích hơn 85 ha, vốn đầu tư trên 2.600 tỷ đồng.
Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả được quy hoạch trên địa bàn xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự kiến quy mô dân số khoảng 4.600 người. Với tổng vốn đầu tư trên 2.600 tỷ đồng, dự án có quy mô sử dụng đất 85,22 ha.
Chức năng sử dụng đất tại dự án: 6,21 ha đất công trình công cộng, dịch vụ, thương mại; 0,88 ha đất giáo dục; 0,68 ha đất di tích - tôn giáo; 28,76 ha đất cây xanh - mặt nước; 42,79 ha đất ở; 1,46 ha đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật; 9,32 ha đất giao thông; 9,82 ha đất cây xanh cảnh quan tự nhiên.
Dự án cung ứng cho thị trường khu vực 110 - 200 căn nhà ở biệt thự đơn lập, chiếm khoảng 35% tổng số lượng nhà ở trong dự án; diện tích trung bình từ 600 - 750m2/căn; mật độ xây dựng tối đa 25%.
Cùng với đó là khoảng 100 - 120 căn biệt thự nghỉ dưỡng song lập, tứ lập, chiếm 65% tổng số lượng nhà ở tại dự án. Diện tích trung bình từ 450 - 500m2/căn, dự kiến mật độ xây dựng tối đa từ 30 - 35%.
Nội dung quyết định chấp thuận đầu tư nêu rõ, nhà đầu tư bố trí và huy động đủ nguồn vốn thực hiện dự án. Trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cho dự án không dưới 15% tổng vốn dự án.
Tiến độ dự án như sau: Đến hết quý 2/2022 hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Từ quý 3/2022 - quý 4/2022 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án. Từ quý 1/2023 - quý 4/2025 đầu tư xây dựng các hạng mục dự án. Quý 1/2026, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Sốt đất thường xảy ra ở đâu?
Lo ngại về nguy cơ xảy ra sốt đất cùng vi phạm pháp luật về đất đai có thể xảy ra, ngày 25/5 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh này yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, chuyển quyền trái phép, lấn, chiếm đất, tách thửa phân nhỏ trái phép, hợp thức hóa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi tách thửa trái phép trong các khu vực có liên quan.
Cụ thể là khu vực dự kiến quy hoạch sân bay Nhân Cơ mở rộng; khu vực Tà Đùng tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong; khu vực xây dựng tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Cùng với đó là các khu vực kêu gọi thu hút đầu tư dự án như Khu đô thị Lửa và Nước Đắk R'Tih quy mô hơn 752 ha, tổng vốn đầu tư 53.056 tỉ đồng; khu đô thị thung lũng xanh Nghĩa Phú quy mô hơn 47 ha, tổng vốn đầu tư 1.609 tỉ đồng; khu đô thị của ngõ Nghĩa Phú hơn 42 ha, tổng vốn đầu tư 8.662 tỉ đồng.
Không chỉ có Đắk Nông mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã đồng loạt vào cuộc chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn.
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp trái phép; tự ý phân lô bán nền trái pháp luật đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất không được quy hoạch là đất ở.
Đồng thời xử lý tình trạng đầu cơ, gây bong bóng giá bất động sản, rủi ro cho người mua đất, cản trở thu hút đầu tư, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian gần đây, tại các khu vực quy hoạch dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh như khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông,... đang có dấu hiệu xuất hiện hoạt động đầu cơ mua đi bán lại bất động sản gây “sốt ảo”, có hiện tượng “thổi giá” làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật; quảng cáo, rao bán sản phẩm của dự án khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa được cơ quan nhà nước ban hành văn bản đủ điều kiện huy động vốn.
Dòng vốn FDI Hàn Quốc chảy vào BĐS Việt Nam tăng cao
Mới đây, Việt Nam đã tham dự quá trình thảo luận về sáng kiến kinh tế mới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với sự tham gia của các nhà lãnh đạo đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực.
Đặc biệt, hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn được đẩy mạnh. Đầu năm 2022, Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc và Phòng Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức “Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính Thuế - Hải quan năm 2022”. Trong đó, cả hai quốc gia đang tiếp tục nỗ lực sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để cải thiện môi trường hành chính thuế.
Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ba năm trở lại đây, Hàn Quốc luôn nằm trong top ba quốc gia có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam cao nhất. Đặc biệt, năm tháng đầu năm nay, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam từ quốc gia này cao thứ hai, với trên 2,06 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ năm 2017 trở về trước, tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào ngành chế biến chế tạo từ Hàn Quốc luôn đạt tỷ lệ trên 70%. Tính đến tháng 11 năm 2021, tỷ trọng của lĩnh vực này đã ghi nhận sự tăng trưởng, đạt mức 74%.
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, bất động sản cũng đang thu hút nguồn vốn FDI đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây. Tỷ trọng đầu tư vào bất động sản tăng gấp đôi vào năm 2018 so với năm trước đó. Con số này đang trên đà tăng tính từ năm 2020, đạt 13% vào cuối tháng 11 năm 2021.
Điều chỉnh quy hoạch khu công viên 173 ha tại TP Vũng Tàu
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 7/6, lãnh đạo tỉnh chủ trì cuộc họp Tập thể UBND tỉnh để nghe các đơn vị báo cáo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu Công viên văn hóa – đô thị mới Bàu Trũng, TP Vũng Tàu.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện thành UBND TP Vũng Tàu cho biết, Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Khu Công viên văn hóa thể thao Bàu Trũng, TP Vũng Tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt tháng 8/2000 với quy mô 190 ha. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên từ đó đến nay đã hơn 20 năm dự án không thể thực hiện được.
Được sự chấp thuận của UBND tỉnh, UBND TP Vũng Tàu đã tổ chức nghiên cứu lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu Công viên văn hóa – đô thị mới Bàu Trũng (sau khi đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2019).
Khu vực điều chỉnh quy hoạch nằm tại phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, với diện tích khoảng 173 ha (bao gồm cả một phần diện tích ven hồ thuộc dự án Khu Trung tâm Chí Linh). Quy mô dân số khoảng 40.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi khoảng 6.970 người).
Về tính chất, đây là công viên văn hóa, thể thao, dịch vụ vui chơi giải trí gắn với cây xanh, hồ cảnh quan và hồ điều hòa của TP Vũng Tàu.
Trong đó, có khu nhà ở hiện trạng cải tạo chỉnh trang kết hợp công trình công cộng từ đường Nguyễn An Ninh đến hẻm 442 Bình Giã và khu nhà ở xã hội, khu nhà ở tái định cư tại chỗ, cùng với khu nhà ở thương mại, đô thị mới.
Cũng tại TP Vũng Tàu, mới đây, lãnh đạo tỉnh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Nam Vũng Tàu, TP Vũng Tàu.
Minh thu (T/h)
Bình luận
Nổi bật
Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:42
(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 19/11 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI, tỉnh Hà Nam.
Thị trường đất nền: Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30
Theo các chuyên gia đánh giá, thị trường đất nền "hút khách" trở lại do chịu tác động mạnh từ hai yếu tố. Thứ nhất là xu hướng tăng giá mạnh của phân khúc căn hộ chung cư đã đẩy một bộ phần nhà đầu tư chuyển dịch sang đất nền. Thứ hai là quy định cấm phân lô bán nền sẽ làm khan hiếm nguồn cung.
Thị trường chung cư tại Hà Nội: Giá tăng nhanh nhưng chỉ là “cú sốc tạm thời”, bước đầu cho một chu kỳ mới?
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30
Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing, giá căn hộ tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian ngắn có thể gây ra phản ứng “sốc tạm thời” nhưng trong chặng đường tới năm 2030 thì đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.