Tin bất động sản hôm nay ngày 11/8: Tháo dỡ các hạng mục sai phép tại dự án Bến thuyền Du lịch Marina

(CL&CS) - Tháo dỡ các hạng mục sai phép tại dự án bến thuyền du lịch Marina; Hà Nội kiến nghị thu hồi hơn 1.800 ha đất của 37 dự án chậm triển khai; Agribank rao bán nhà phố cổ giá 668 triệu đồng/m2; 78.300 tỉ đồng đầu tư 3 dự án giao thông trọng điểm; Hòa Bình có thêm dự án khu biệt thự, liền kề ở Lương Sơn; là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 11/8.

Tháo dỡ các hạng mục sai phép tại dự án bến thuyền du lịch Marina

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có công văn gửi Thanh tra tỉnh; công an, tỉnh cùng nhiều sở ngành và Công ty Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina về việc thực hiện kết luận Thanh tra liên quan đến dự án bến thuyền du lịch Vũng Tàu Marina (Khu công nghiệp Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu).

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina nghiêm túc thực hiện kết luận Thanh tra số 15/KL – TTr ngày 20/9/2021 của Thanh tra tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Mục 1, công văn số 15972/UBND – VP ngày 25/10/2021; yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ các hạng mục không có trong giấy phép xây dựng và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 20/8/2022.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở GTVT, UBND TP. Vũng Tàu, BQL khu công nghiệp…khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh trước đó về việc kiểm điểm, chấn chỉnh đối với tập thể, cá nhân liên quan đến hoạt động và cấp phép bến thuyền du lịch của Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina.

Dự án bến thuyền du lịch Marina.  

Trong năm 2021, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã công bố kết luận thanh tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện dự án bến thuyền du lịch của Công ty Cổ phần Marina.

Cụ thể, Công ty Vũng Tàu Marina sử dụng đất và đất mặt nước xây dựng các công trình và phục vụ sản xuất kinh doanh khi chưa hoàn thành xong thủ tục về đất đai, chưa được cơ quan có thẩm quyền quản lý về đất đai cho phép và tự ý san lấp mặt nước.

Doanh nghiệp đã xây dựng cầu, bến trên diện tích 34.449 m2 đất mặt nước và khoảng 30m2 trong diện tích 1.500m2 đất đã san lấp mặt nước khi chưa hoàn thành thủ tục về đất đai, hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế công trình, giấy phép xây dựng và chưa được cấp giấy phép hoạt động chính thức bến thủy nội địa.

Phần diện tích 7.093m2 đáng lý phải sư dụng vào mục đích sản xuất ca nô, tàu thuyền theo giấy chứng nhận đầu tư thì lại bị doanh nghiệp đưa vào cùng với gần 29.800m2 mặt nước và 1.745m2 đất san lắp mặt nước để sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng ca nô, tàu thuyền.

Công ty Vũng Tàu Marina còn sử dụng diện tích trên làm bến hành khách để đón, trả khách du lịch tham quan, vận chuyển hành khách đường thủy chưa được cơ quan thẩm quyền chấp.

Chủ đầu tư dự án Vũng Tàu Marina cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính khi sử dụng đất và đất mặt nước vào mục đích kinh doanh thuộc đối tượng phải thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Hà Nội kiến nghị thu hồi hơn 1.800 ha đất của 37 dự án chậm triển khai

Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức họp bàn về giải pháp thực hiện.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong quý II và tháng đầu quý III năm nay, Tổ công tác liên ngành thành phố đã tổ chức làm việc với UBND các quận, huyện, thị xã để kiểm tra, rà soát, hậu kiểm và phân loại các dự án.

Theo đó, trong số 712 dự án sử dụng đất chậm triển khai với tổng diện tích hơn 5.000 ha. Trong đó, có 37 dự án với tổng diện tích 1.878,7 ha đất được kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án. 71 dự án với tổng diện tích 12,3 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, Hà Nội quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn; xác định bổ sung số tiền nộp thêm tương ứng với thời gian gia hạn 24 tháng là 371,115 tỷ đồng.

Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai, trong đó có 37 dự án được kiến nghị thu hồi.  

Việc xử lý các dự án này đã được HĐND thành phố giám sát qua nhiều nhiệm kỳ. Quá trình xử lý về cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các dự án đi vào hoạt động. Với các dự án chủ đầu tư cố tình không triển khai, sẽ phải xử lý, thu hồi.

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn đề nghị tiếp tục kiểm tra, rà soát, tổng hợp các dự án thuộc đối tượng chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng. Sở Quy hoạch và Kiến trúc chịu trách nhiệm tiếp tục rà soát những dự án đầu tư bị ảnh hưởng từ việc chưa điều chỉnh được quy hoạch để có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh việc kiểm tra, rà soát các dự án phải được thực hiện thường xuyên, định kỳ hằng năm. Việc xử lý theo nguyên tắc dự án lớn làm trước, nhỏ làm sau, tuân thủ các quy định về gia hạn của Luật Đất đai và Luật Đầu tư; xử lý một số dự án, đặc biệt là dự án lớn, tạo đà xử lý các dự án khác.

Agribank rao bán nhà phố cổ giá 668 triệu đồng/m2 nhưng không “bao” rủi ro

Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Hà Thành ra thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Đại Việt.

Cụ thể, tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Đại Việt mà Agribank rao bán là quyền sử dụng đất thửa đất số 19 phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Thửa đất có diện tích 160 m2, là đất ở tại đô thị, thời hạn sử dụng lâu dài. Ngoài ra, tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ có diện tích sàn 287,4 m2.

Toàn bộ tài sản được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng của tài sản, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức có sao bán vậy. Người tham gia đấu giá tài sản có trách nhiệm xem xét, tìm hiểu các hồ sơ tài sản và tự xác định tình trạng của tài sản theo hiện trạng thực tế, các hồ sơ pháp lý của tài sản. Nếu đồng ý tham gia đấu giá có nghĩa là người tham gia đấu giá đã chấp nhận mọi rủi ro đối với việc mua tài sản đấu giá nêu trên

Giá khởi điểm đấu giá tài sản nói trên là 107 tỷ đồng. Giá này chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Mức giá này tương đương hơn 668 triệu đồng/m2 cho lô đất tại phố cổ Hà Nội.

78.300 tỉ đồng đầu tư 3 dự án giao thông trọng điểm

Trong phiên họp thứ 14, UBTVQH thống nhất giao kế hoạch vốn cho 3 dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội quyết định, với tổng mức đầu tư là 78.300 tỉ đồng, gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (47.000 tỉ đồng); Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội (14.000 tỉ đồng); Dự án đường vành đai 3 - TP.HCM (17.000 tỉ đồng).

Trong đó, dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 có địa điểm từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị); từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa); từ Cần Thơ đến Cà Mau với tổng chiều dài 729 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 154.527 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước khoảng 73.495 tỉ đồng. Dự án được chia thành 12 dự án thành phận vận hành độc lập, theo phương thức PPP.

Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long), đi qua địa phận TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Chi phí dự kiến cho dự án là 86.000 tỉ đồng. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, vận hành độc lập và triển khai theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và đầu tư PPP

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai với chiều dài hơn 76km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 75.000 tỉ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo các địa phương.

Hòa Bình có thêm dự án khu biệt thự, liền kề ở Lương Sơn

Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở tại xóm Cầu Sơn với quy mô sử dụng đất khoảng 8,82 ha; dân số 1.474 người.

Khu vực triển khai dự án bất động sản Hòa Bình này thuộc địa giới hành chính xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự án có tổng vốn đầu tư là 322,7 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án sẽ xây thô hoàn thiện mặt ngoài khoảng 101 căn nhà ở tiếp giáp tuyến đường cấp khu vực và tuyến đường trục chính.

Cơ cấu sử dụng đất tại dự án Khu nhà ở xóm Cầu Sơn như sau: Đất ở thương mại 3,3 ha, trong đó gồm 2,08 ha đất ở liền kề với 209 căn, chiều cao công trình tối đa không quá 5 tầng; 0,68 ha đất ở biệt thự đơn lập với 28 căn, tầng cao công trình không quá 3 tầng; 0,58 ha đất ở biệt thự song lập với 27 căn, tầng cao công trình không quá 3 tầng.

Về tiến độ thực hiện dự án, đến hết quý 4/2022 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Từ quý 1/2023 đến quý 3/2024 hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án. Từ quý 4/2024 đến quý 2/2026 hoàn thành xây thô, hoàn thiện mặt ngoài các công trình nhà ở theo quy định và đưa dự án vào hoạt động.

An Nhiên (t/h)

Bình luận

Nổi bật

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 18:00

Bất động sản khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI trong nhiều năm qua. 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17.34 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm hơn 8% vốn thực hiện.

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:59

Giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi xếp thứ 14 trên thế giới, trong khi Tràng Tiền Plaza Hà Nội góp mặt ở vị trí 18, theo bảng xếp hạng các đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới của đơn vị Cushman & Wakefield.

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:57

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bất động sản công nghiệp (BĐS KCN) đang trở thành một "miền đất hứa" thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ.