Thứ ba, 15/06/2021, 14:21 PM

Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS) – Nâng cao giá trị chè Shan Tuyết và đem lại sinh kế cho người dân vùng cao

(CL&CS)- Chè Shan Tuyết là giống chè cổ thụ đặc trưng của vùng núi phía Bắc Việt Nam vốn nổi tiếng với chất lượng và giá trị kinh tế cao được công nhận không chỉ trong nước mà còn trên Thế giới.

Chè Shan Tuyết là những búp chè được hái từ những cây chè cổ thụ mọc tự nhiên trong rừng nguyên sinh có độ tuổi từ 10 năm tuổi trở lên ở vùng núi cao Tây Bắc với độ cao trung bình từ 1.500m đến 2.500m. Búp chè Shan Tuyết thường mập, có màu trắng xám, dưới lá có phủ lớp lông tơ mịn và trắng nên nó có tên dân gian là chè tuyết. Chè Shan Tuyết khi pha có màu vàng sánh như mật ong, hương vị đặc trưng là tiền chát, hậu ngọt sâu, mùi hương mát nhẹ.

Cây chè ta xưa

Cây chè ta xưa

Bắc Cạn là một trong những tỉnh có vùng chè Shan Tuyết lớn và có tiếng của vùng núi phía Bắc . Cây chè Shan Tuyết tập trung chủ yếu tại huyện Chợ Đồn và huyện Chợ Mới. Tại xã Yên Cư, một xã xa xôi và khó khăn nhất huyện Chợ Mới, những năm gần đây, đã được chính quyền địa phương quy hoạch, khuyến khích phát triển và được hỗ trợ để đưa cây chè Shan Tuyết trở thành một trong những đối tượng sản xuất nông nghiệp làm sinh kế qua đó giúp cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân tại đây. Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo là một mô hình điển hình trong quá trình thay đổi đời sống người dân theo định hướng này.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo, tiền thân là Tổ hợp tác Chè Shan Tuyết Thái Lạo hình thành năm 2017 từ việc liên kết hợp tác của hơn 10 thành viên thuộc thôn Thái Lạo, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn. Sau đó, đến năm 2020, Tổ hợp tác đã chuyển đổi mô hình thành Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo. Các thành viên đều là người bản địa có cuộc sống khó khăn với công việc chính là làm nông và đi rừng. Từ năm 2016, các thành viên, khi đó chưa vào hợp tác xã, được chính quyền giao đất rừng để trông coi và khai thác một số nông sản với mục đích xóa đói giảm nghèo, trong đó có cây chè Shan Tuyết cổ thụ được trồng từ năm 2002 và phát triển hoàn toàn tự nhiên. Năm 2017, với sự hỗ trợ từ dự án “Cải thiện sinh kế và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại xã Yên Hân và Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn” do Tổ chức phi chính phủ “Bánh mỳ cho thế giới” (Đức) tài trợ, các thành viên trong hợp tác xã đã được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, thu hái và sao sấy chè qua đó giúp nâng cao được sản lượng khai thác, cải thiện chất lượng chè Shan Tuyết.

Cây trà Shan Tuyết

Cây trà Shan Tuyết

Nhằm nâng cao giá trị và chứng minh sự an toàn cho sản phẩm của mình, Hợp tác xã thực hiện áp dụng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP vào quá trình chăm sóc, khai thác, thu hoạch và sơ chế chè Shan Tuyết. Hợp tác xã đã được chứng nhận VietGAP bởi Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) từ tháng 09 năm 2017 và tiếp tục duy trì tốt trong những năm sau đó. Trong quá trình tiếp nhận, chăm sóc và khai thác cây chè Shan Tuyết, Hợp tác xã đã quán triệt và thực hiện việc chăm sóc không sử dụng hóa chất nhằm duy trì tính tự nhiên của cây chè để từ đó tạo nên sản phẩm chè Shan Tuyết an toàn, có chất lượng ổn định làm đặc sản cho địa phương. Đây chính là những yếu tố quan trọng để từ đó nhiệm vụ lựa chọn hỗ trợ triển khai áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS) và tiến tới chứng nhận cho sản phẩm chè Shan Tuyết tại đây.

Đầu năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo đã được các chuyên gia của Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) – Đơn vị chủ trì nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ của Việt Nam được thừa nhận quốc tế” đã tiến hành hoạt động khảo sát tại khu vực sản xuất của Hợp tác xã làm cơ sở cho việc đánh giá và lựa chọn đơn vị hỗ trợ áp dụng và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn ông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS). Kết quả khảo sát cho thấy, khu vực sản xuất của các thành viên trong Hợp tác xã đang được canh tác và duy trì theo hướng hữu cơ tốt và đồng đều. Trong đó, điểm nổi bật là việc không sử dụng hoá chất tổng hợp trong quá trình chăm sóc suốt mấy năm vừa qua, chỉ hỗ trợ bằng phân hữu cơ tự ủ hoai mục và tăng cường sử dụng các loại thiên địch tự nhiên. Ngoài ra, với đặc thù các đồi chè Shan Tuyết đều nằm trong rừng nguyên sinh tương đối độc lập và cách xa các khu vực sản xuất khác. Các đồi chè cơ bản đều có vùng đệm ngăn cách với các nguồn có nguy cơ ô nhiễm là các cây cối tự nhiên khác mọc xung quanh chân đồi. Thêm vào đó, Ban lãnh đạo Hợp tác xã cũng như tất cả các thành viên đều nhận thức rõ và quyết tâm cao trong việc chăm sóc, thu hái, chế biến chè Shan Tuyết theo định hướng hữu cơ nói chung và theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản nói riêng để tạo nên thương hiệu cho sản phẩm của mình cũng như đảm bảo an toàn cho người sử dụng bao gồm cả chính người trong gia đình. Với kết quả khảo sát trên, Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo đã được lựa chọn vào danh sách các đơn vị được hỗ trợ xây dựng mô hình điểm trong việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS) đối với hoạt động sản xuất chè Shan Tuyết.

Cây trà Shan Tuyết cổ thụ

Cây trà Shan Tuyết cổ thụ

Sau khi lựa chọn, Trung Tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) đã xem xét năng lực, kinh nghiệm của đơn vị tư vấn và đã lựa chọn Công Ty TNHH Tầm Nhìn Chất Lượng ProQ tiến hành thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tập huấn triển khai áp dụng thực tế cho Hợp tác xã tại khu vực sản xuất từ tháng 4/2019. Quá trình hỗ trợ bao gồm các hoạt động được triển khai cụ thể tại Hợp tác xã như: Tập huấn kiến thức chung về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS) và các yêu cầu khác liên quan, hỗ trợ xây dựng hệ thống tài liệu áp dụng phù hợp yêu cầu của tiêu chuẩn, hỗ trợ đào tạo người quản lý sản xuất và người quản lý giám sát (phân loại), hướng dẫn thực hiện giám sát nội bộ (phân loại) tại hiện trường.

Chuyên gia tư vấn đã cung cấp cho các thành viên của Hợp tác xã rất nhiều kiến thức và thông tin liên quan đến các yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS), các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam liên quan đến sản xuất hữu cơ cũng như chia sẻ các kinh nghiệm và cách thức triển khai áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ vào thực tế. Thông qua tập huấn, các thành viên Hợp tác đã nhận thức tốt hơn và nắm bắt được các yêu cầu của tiêu chuẩn để từ đó điều chỉnh và kiểm soát hoạt động canh tác, cải tạo khu sản xuất để đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn.

Tiếp đó, với khung chương trình và bộ tài liệu mẫu do nhiệm vụ đưa ra, các chuyên gia tư vấn của Công Ty TNHH Tầm Nhìn Chất Lượng ProQ đã hỗ trợ Hợp tác xã xây dựng được 01 bộ quy trình, thủ tục làm cơ sở cho các thành viên áp dụng, trong đó: Kiểm soát tài liệu – hồ sơ, Đánh giá rủi ro, Kỹ thuật Chăm sóc, Quản lý sâu bệnh hại, Thu hái – Bảo quản, Đánh giá nội bộ/phân loại/grading, truy xuất nguồn gốc, quản lý nhân sự…. Các quy trình này đảm bảo được sự tương thích với đặc thù của các thành viên trong Hợp tác xã vừa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS) và các yêu cầu khác liên quan. Các quy trình này được ban hành ngay trong tháng 4/2019 và được triển khai áp dụng thực tế cho toàn bộ diện tích chè Shan Tuyết của 13 hộ trong Hợp tác xã với hơn 13ha.

Vốn là đơn vị gồm các thành viên có nhiều năm chăm sóc và khai thác chè Shan Tuyết hướng sinh thái nên nhận thức về đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái trong khu vực sản xuất là đồng đều và rất tốt. Do vậy, các nội dung liên quan đến yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS), cũng như tinh thần hữu cơ của Nhật Bản được các thành viên Hợp tác xã tiếp thu và thấu hiểu rất tốt.

Quá trình triển khai ban đầu của Hợp tác cũng gặp phải một số khó khăn mà nguyên nhân chính gồm: Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS) là tiêu chuẩn mới tại Việt Nam, được áp dụng và chứng nhận ít, nhất là đối với cây chè, nên không có nhiều thông tin để Hợp tác xã tham khảo học hỏi. Bản thân tiêu chuẩn là dạng tiếng Anh và tiếng Nhật nên các thành viên của Hợp tác xã với xuất thân là người dân tộc và trình độ học vấn thấp nên rất khó khăn trong việc tự nghiên cứu và áp dụng. Các yêu cầu về kiểm soát tính toàn vẹn hữu cơ của sản phẩm theo yêu cầu của tiêu chuẩn là rất chặt chẽ bắt buộc các thành viên phải thay đổi nhiều về thói quen canh tác, ghi nhận thông tin sản xuất, cải tạo hạ tầng và công cụ, dụng cụ sản xuất. Thời gian chuyển đổi theo yêu cầu của tiêu chuẩn là khá dài đòi hỏi ở các thành viên sự quyết tâm và kiên trì cao và liên tục. Trước các khó khăn này, Trung tâm Chứng nhận phù hợp đã hỗ trợ Hợp tác xã thông qua đơn vị tư vấn thực hiện các cuộc trao đổi kiến thức, cung cấp thông tin, hỗ trợ xử lý các khúc mắc trong quá trình áp dụng nhằm giúp cho Hợp tác xã hiểu đúng bản chất, đi đúng định hướng và tuân thủ tốt yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS) cũng như các quy định khác ngay từ ban đầu.

Với lợi thế lớn là vùng sản xuất vỗn dĩ được sinh trưởng, phát triển và chăm sóc tự nhiên liên tục trong nhiều năm, nên sau khoảng 2 năm áp dụng vào thực tế, Hợp tác xã đã đủ điều kiện để thực hiện hoạt động đánh giá làm cơ sở xem xét cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS). Với các báo cáo kết quả hỗ trợ từ Công Ty TNHH Tầm Nhìn Chất Lượng ProQ, nhiệm vụ đã xem xét và tiến hành triển khai hoạt động đánh giá chuyển đổi cho sản phẩm chè Shan Tuyết của Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo vào đầu tháng 3/2021.

Kết quả đánh giá do Trung tâm Chứng nhận phù hợp thực hiện cho thấy, Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo với 13 thành viên áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS) cho 13 ha cây chè Shan Tuyết đã có quá trình áp dụng và tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn cũng như các quy định pháp luật hiện hành liên quan. Với kết quả này, Trung tâm Chứng nhận phù hợp sẽ xác nhận thời điểm và quá trình chuyển đổi sản xuất phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản cho Hợp tác xã và đây là căn cứ để tiến hành xem xét cấp Giấy xác nhận khi yêu cầu về thời gian chuyển đổi đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của tiêu chuẩn và việc áp dụng vẫn duy trì tốt hiệu lực cũng như tính toàn vẹn hữu cơ cho sản phẩm.

Việc một Hợp tác xã vùng cao khó khăn của tỉnh Bắc Cạn, với sự hỗ trợ của nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia về năng suất và chất lượng do Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) - Đơn vị trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, áp dụng thành công tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản (JAS) đã cho thấy việc áp dụng một tiêu chuẩn khó, đòi hỏi chi tiết và yêu cầu kiểm soát chặt chẽ vẫn hoàn toàn có thể làm tốt, dù mặt bằng trình độ học vấn không cao, nhưng nếu có sự nhận thức tốt, quyết tâm cao, kiên trì và đồng lòng thực hiện. Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo sẽ trở thành một mô hình điểm về sản xuất Nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản không chỉ cho sản phẩm chè Shan Tuyết tại Bắc Cạn mà còn là mô hình điển hình cho các đơn vị / tổ chức sản xuất nông ngiệp khác trong và ngoài tỉnh Bắc Cạn có thể học hỏi và làm theo. Thông qua đó, nhiệm vụ đã lan tỏa được mục tiêu chính là đưa tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp Việt nam để từ đó sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được chứng nhận và được thừa nhận tại Nhật Bản cũng như trên thế giới.

Là Giám đốc Hợp tác xã cũng là người có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất chè Shan Tuyết, ông Bàn Hữu Phượng chia sẻ rằng: Để có thể sản xuất nông nghiệp hữu cơ thành công thì các đơn vị cần thiết ngay từ ban đầu phải ưu tiên lựa chọn vùng sản xuất có lịch sử canh tác tương đối phù hợp với định hướng hữu cơ, nhất là hạn chế tối đa hoặc không sử dụng hóa chất. Việc này không chỉ đơn thuần là rút ngắn được thời gian chuyển đổi, có hiện trạng đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái ổn định, mà còn là quan điểm, kinh nghiệm, thói quen canh tác của chính người nông dân với nhận thức tốt về sản xuất tự nhiên và theo hướng hữu cơ. Ông cũng nhận định rõ ràng rằng, để áp dụng và vận hành tốt được tiêu chuẩn này thì các đơn vị rất cần thiết phải có sự hỗ trợ từ các nhiệm vụ / dự án như nhiệm vụ mà Trung tâm Chứng nhận phù hợp đã triển khai và hỗ trợ cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo do: Nguồn lực của các đơn vị áp dụng là không dồi dào, nhất là các đơn vị ở vùng khó khăn; kiến thức và nhận thức của nông dân là không đồng đều cũng như không thể tự tìm hiểu và áp dụng thành công ngay được. Ông cũng kiến nghị nhiệm vụ đề xuất với Chính phủ cần xem xét phát triển và mở rộng các nhiệm vụ như vậy để người nông dân có cơ hội tiếp cận, được hỗ trợ và được triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ, tiêu chuẩn tiên tiến hơn nữa. Việc này sẽ giúp nâng cao tri thức của người nông dân, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng trong nước và quốc tế thừa nhận, thúc đẩy nâng cao năng suất và chất lượng toàn diện hơn./.

ThS.Bùi Khánh Tùng, CN. Nguyễn Thị Thu Hà-Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT)

Bình luận

Nổi bật

Lấy ý kiến tiêu chuẩn về kỹ thuật mật mã

Lấy ý kiến tiêu chuẩn về kỹ thuật mật mã

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:08

(CL&CS) - Ban Cơ yếu Chính phủ đang lấy ý kiến về quy định, tiêu chuẩn liên quan đến kỹ thuật mật mã và mã khối MKV.

Tiêu chuẩn ISO 22000 - nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Tiêu chuẩn ISO 22000 - nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 10:15

(CL&CS) - Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 - Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm giúp doanh nghiệp đảm bảo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời đại cạnh tranh toàn cầu.

05 trụ cột hành động chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch ISO mới

05 trụ cột hành động chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch ISO mới

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 08:00

(CL&CS) - Vào tháng 1 năm 2024, Tiến sĩ Sung Hwan Cho (Hàn Quốc) đảm nhận vị trí mới là Chủ tịch ISO. Trong thông điệp chào mừng, ông chia sẻ suy nghĩ của mình về cách ISO có thể tăng cường phạm vi tiếp cận của mình để ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện tại và trọng tâm trong nhiệm kỳ của ông trong hai năm tới.