Tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra vượt qua đại dịch
(CL&CS) - Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và nuôi trồng thủy sản cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng. Trong đó Ngành hàng cá tra phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần thứ tư.
Việc thực hiện giãn cách xã hội từ tháng 7/2021 tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tác động lớn đến hoạt động thả giống, nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cá tra. Diện tích nuôi, sản lượng giảm, cá quá lứa do thiếu công nhân thu hoạch, hạn chế đi lại ảnh hưởng tới việc thu mua, nhiều doanh nghiệp chế biến ngừng hoạt động, kim ngạch xuất khẩu giảm sâu… đang khiến ngành hàng này đứng trước nguy cơ đổ vỡ chuỗi sản xuất và cung ứng.
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra tính đến ngày 15/9/2021 đạt 3.516 ha (giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2020). Diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 7, tháng 8 đã giảm khoảng 50-55% so với các tháng trước. Sản lượng cá tra quý III/2021 ước tính đạt 315,3 nghìn tấn , giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là quý có sản lượng cá tra thấp nhất tính từ đầu năm tới nay (quý I ước tính đạt 321,8 nghìn tấn, quý II ước tính đạt 350,3 nghìn tấn). Sản lượng cá tra tháng Chín giảm tới 27.3% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 100,8 nghìn tấn; ước tính 9 tháng năm 2021 đạt 987,4 nghìn tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức sản lượng thấp nhất trong kỳ 9 tháng các năm từ 2018-2021 .
Xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khá tốt, nhưng sang tháng 8, do nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đột ngột giảm sâu. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 9/2021 đạt gần 82 triệu USD, giảm mạnh 36,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 1.076,2 triệu USD, tăng 3,2%. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm mạnh bởi nước này siết chặt quy định kiểm dịch Covid-19 với các mặt hàng thủy sản đông lạnh. Ngược lại, tình hình xuất khẩu cá tra sang Mỹ có phần khả quan hơn do nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến sau khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại. Tuy nhiên, cá tra thương phẩm cỡ 800 g – 1.000g, cỡ cá được ưa chuộng để sản xuất phi lê cá tra xuất khẩu sang Châu Âu và Mỹ đang có nguy cơ bị thiếu hụt trong thời gian tới. Phần lớn cá tra vẫn còn trong ao, lớn quá cỡ trong khi các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã sử dụng hết công xuất kho trữ đông lạnh. Bên cạnh đó, cước vận chuyển đường biển tiếp tục tăng, công-ten-nơ trống chở hàng vẫn thiếu, thị trường EU vẫn đặt ra nhiều khó khăn cho cá tra…
Hoạt động sản xuất cá tra bị thu hẹp do việc thực hiện giãn cách khiến các nhà máy chế biến giảm công suất, giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết nên nhiều cơ sở và hộ nuôi nhỏ lẻ không thể bán được cá. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển, người nông dân không thể thu hoạch hay vận chuyển cá từ trại nuôi tới nhà máy nên buộc phải giữ cá trong ao, cá đến lứa không có người thu mua. Thêm vào đó, cá tiếp tục nuôi trở nên quá cỡ, tăng chi phí thức ăn, thậm chí chết nhiều và giảm chất lượng do cá bị bệnh và thịt cá ngả vàng. Gánh nặng chi phí kéo dài khiến các hộ dân không còn đủ khả năng tài chính để thả nuôi vụ tiếp theo. Theo Tổng cục Thủy sản, đến đầu tháng 9/2021 đã có 176/449 cơ sở chế biến cá tra ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”, 49% nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động, số lao động phải nghỉ việc do dịch Covid-19 khoảng trên 70%. Tại các tỉnh, thành phố phía Nam, tổng công suất hoạt động của các nhà máy chế biến cá tra chỉ còn khoảng 30 – 40% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Đối với giống cá tra, tính đến ngày 15/9/2021, tổng lượng con giống được sản xuất khoảng 2,33 tỷ con, đáp ứng 100% nhu cầu nuôi thương phẩm, trong đó tập trung nhiều nhất ở tỉnh An Giang (1,07 tỷ con giống), Đồng Tháp (0,75 tỷ con giống). Việc vận chuyển con giống, thức ăn, cá tra thương phẩm chủ yếu bằng đường thủy trong khi việc vận chuyển theo phương thức này được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Chuỗi sản xuất cá tra có nguy cơ đứt gãy khi các hộ kinh doanh giống có hiện tượng ngưng thả giống từ tháng 8 năm nay, điều này có thể dẫn đến việc thiếu giống cá tra cục bộ năm 2022.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng bán hàng khiến doanh nghiệp phải bồi thường hợp đồng do không kịp tiến độ giao hàng, mất khách hàng, mất thị trường xuất khẩu vào các quốc gia khác. Ngoài ra, các rào cản thương mại, kỹ thuật đối với cá tra xuất khẩu vẫn đang tiếp diễn tại một số thị trường trọng điểm. Nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả thì các hộ nuôi cá sẽ phải bỏ nghề, doanh nghiệp chế biến cá tra sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ, nợ xấu và phá sản. Tại hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị trước hết người lao động trong ngành cá tra cần được phân bổ ưu tiên tiêm ngừa vắc xin để người công nhân có thể ra vào nhà máy, người vận chuyển cá được di chuyển giữa các địa phương. Tạo điều kiện về vốn vay dài hạn cho các hộ nuôi tiếp tục đầu tư thả nuôi vụ mới. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất như: nâng tỷ lệ giảm tiền điện sản xuất cho doanh nghiệp; sớm bình ổn giá thức ăn đang tăng cao; hỗ trợ các danh nghiệp thực hiện kênh phân phối thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; đảm bảo nguồn con giống cho thả nuôi vụ mới, nguyên liệu cho ngành sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu. Cần có bộ quy tắc do Bộ Y tế quy định, trong đó hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản, quy định thống nhất về xét nghiệm, tiếp nhận lao động trở lại doanh nghiệp, ứng phó với sự cố khi xảy ra dịch bệnh. Đây cũng là dịp để 13 tỉnh ĐBSCL thử nghiệm liên kết vùng theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, mở rộng phát triển không gian kinh tế vùng. Chuỗi ngành hàng cá tra cần phải liên kết thành một thực thể kinh tế, có sự điều hoà phối hợp, từ công nhân nhà máy và người nuôi của các tỉnh đưa lên Thành phố Hồ Chí Minh đến các cảng, ra đến thị trường nước ngoài.
Thanh Mai
- ▪Kết nối nông thủy sản cho Hà Nội: Tạo điều kiện nhưng phải đảm bảo an toàn thực phẩm
- ▪Hà Nội kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản với các tỉnh, thành phố
- ▪Miền Tây phải được quy hoạch kinh tế thủy sản để phát triển kinh tế chung
- ▪Ninh Bình: Xử phạt trường hợp vi phạm trong khai thác thuỷ sản trên sông Đáy
Bình luận
Nổi bật
TCVN 8400-57:2024 về bệnh viêm đa xoang ở lợn
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:42
(CL&CS) - Bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Glaesserella parasuis gây ra ở lợn mang tới nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi do đó việc chẩn đoán sớm bệnh theo hướng dẫn tại TCVN 8400-57:2024 sẽ hạn chế tối đa sự lây nhiễm.
Tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa cấp quốc gia và khu vực
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:05
(CL&CS)- Chiều ngày 20/11, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO).
Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn an toàn đối với xe đạp điện
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:51
(CL&CS) - Nhằm hướng đến sự an toàn đối với người tham gia giao thông và sản phẩm, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã công bố dự thảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.