Thứ năm, 08/08/2024, 15:16 PM

Phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, hướng tới bền vững

(CL&CS) - Nhận diện rõ những hạn chế, vướng mắc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang từng bước triển khai những giải pháp khắc phục nhằm hướng tới phát triển cây ăn quả bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trái cây của địa phương.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tích cực đưa cây ăn quả vào trồng thay thế cho diện tích cây trồng kém năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Việc mở rộng diện tích cây ăn quả được các địa phương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ; người dân chú trọng đầu tư, chăm sóc.

img9326(1)

Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay

Có thể nói, phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân cải thiện thu nhập. Qua đó, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc phối hợp thực hiện của ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương, hy vọng đây sẽ là một trong “lực đẩy” đưa kinh tế- xã hội của Thái Nguyên tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.       

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn huyên đã tích cực học tập kinh nghiệm của những người trồng cây ăn quả trong và ngoài tỉnh, chuyển dần sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao như chuối tiêu hồng, thanh long, hồng xiêm, các loại bưởi…

Để cây ăn quả phát triển bền vững và ngày càng nâng cao giá trị trên thị trường, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu với UBND huyện đầu tư xây dựng hạ tầng vùng trồng cây ăn quả tập trung ở xã Hoàng Nông, Tiên Hội, Cát Nê và thị trấn Quân Chu…; quy hoạch chi tiết vùng trồng cây ăn quả tập trung ở xã Tiên Hội, Hoàng Nông; hỗ trợ người dân sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ; hỗ trợ xây dựng tem nhãn, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm cây ăn quả ở các địa phương có thế mạnh; tổ chức tập huấn khoa học - kỹ thuật về sản xuất cây ăn quả an toàn cho hàng trăm lượt người tham gia…

Là địa phương có 300ha cây ăn quả, thị trấn Quân Chu đã tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tạo ra các vùng trồng cây ăn quả tập trung với quy mô lớn. Ông Trịnh Quân Công, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, thông tin: Với vị trí nằm dọc sườn Đông của dãy núi Tam Đảo, có nhiều điều kiện về khí hậu, nguồn nước và thổ nhưỡng rất thuận lợi, địa phương đã khuyến khích nhân dân ở các tổ dân phố Chiểm, Tân Yên, Tân Tiến, Tân Lập… tập trung trồng và nhân rộng diện tích các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao (như chuối tiêu hồng, ổi, bưởi…). Đến nay, nhiều hộ có diện tích trồng cây ăn quả tương đối lớn (từ 3-5ha), cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Gia đình chị Bàn Thị Hồng, ở tổ dân phố Chiểm, thị trấn Quân Chu, là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích vườn tạp của gia đình. Chị Hồng chia sẻ: Trước đây, 5ha đất của gia đình chỉ trồng keo. Nhận thấy giá trị cây ăn quả mang lại, tôi đã chuyển toàn bộ sang trồng bưởi Diễn. Sau này, đi học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương, tôi thấy bưởi Phúc Trạch ăn ngon hơn và có giá bán cao hơn gấp 2 lần), nên từng bước thay thế bằng 400 gốc bưởi Phúc Trạch (2ha) và 3ha chuối tiêu hồng. Với giá bán bình quân từ 13-15 nghìn đồng/quả bưởi, 300-350 nghìn đồng/buồng chuối tiêu hồng, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Hà, ở xóm Tiên Trường 1, cho biết: Hơn 10 năm trở về trước, gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích keo sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, giống thanh long khi đó chỉ cho quả nhỏ, năng suất thấp. Năm 2018, sau khi học hỏi kinh nghiệm ở tỉnh Vĩnh Phúc, tôi đã thay thế giống cũ bằng 1.500 gốc thanh long ruột đỏ loại to, cho năng suất và chất lượng cao hơn. Hằng năm, từ tháng 3 đến tháng 11 Âm lịch, thanh long cho thu hoạch quả liên tục, đạt sản lượng 35 tấn. Với giá bán trung bình là 25 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.

Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có 2.050ha cây ăn quả, trong đó diện tích cây ăn quả chủ lực (nhãn, bưởi…) đạt gần 570ha, diện tích đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là gần 140ha. Vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại xã Tiên Hội - Hoàng Nông được hình thành với tổng diện tích 113,8ha.

Thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ sản xuất bưởi hữu cơ năm thứ nhất tại xã Tiên Hội, Hoàng Nông, diện tích 10ha; hỗ trợ người dân ở các địa phương hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trồng cây ăn quả (như HTX Tiên Trường 3, HTX cây ăn quả Hoàng Nông). Bình quân mỗi năm, sản lượng bưởi của địa phương đạt gần 3.800 tấn; sản lượng nhãn đạt trên 1.400 tấn; chuối đạt 4.900 tấn...

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa giá trị cây ăn quả, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, huyện Đại Từ tiếp tục khuyến khích người dân cải tạo, thâm canh diện tích hiện có nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây ăn quả trên địa bàn; phối hợp với Chi cục Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật... tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; thành lập mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX sản xuất cây ăn quả trên địa bàn; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm như tham gia hội chợ, lễ hội... trong và ngoài huyện nhằm đưa sản phẩm cây ăn quả chất lượng của địa phương tới người tiêu dùng.

Cát Tường

Bình luận

Nổi bật

Thực hiện công cụ KPI giúp doanh nghiệp tăng năng suất, đạt mục tiêu đề ra

Thực hiện công cụ KPI giúp doanh nghiệp tăng năng suất, đạt mục tiêu đề ra

sự kiện🞄Thứ sáu, 27/09/2024, 10:44

(CL&CS) - KPI là hệ thống chỉ số phản ánh mức độ hoàn thành mục tiêu của doanh nghiệp, bộ phận hay cá nhân. Chỉ số này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đạt được mục tiêu đã đề ra.

Bắc Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến Kaizen nhằm tăng năng suất

Bắc Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến Kaizen nhằm tăng năng suất

sự kiện🞄Thứ tư, 25/09/2024, 14:33

(CL&CS)- Thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Ninh không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp trên địa bàn áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Tăng tốc cải tiến chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình hoạt động nhờ công cụ PDCA

Tăng tốc cải tiến chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình hoạt động nhờ công cụ PDCA

sự kiện🞄Thứ tư, 25/09/2024, 08:10

(CL&CS) - PDCA là nền tảng cho hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả trong mỗi doanh nghiệp, đảm bảo sự nhất quán và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng. Lỗi, sai sót trong sản phẩm, dịch vụ sẽ dần được loại bỏ. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ tăng cao rõ rệt, khách hàng sẽ tin cậy và hài lòng hơn. Từ đó, tăng cường uy tín thương hiệu của mỗi doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.