Những điều bí ẩn chưa có lời giải ở ngôi chùa cổ hơn 400 năm tuổi, từng là nơi sinh sống của hàng chục nghìn con dơi tại ‘xứ chùa vàng’ của Việt Nam
Là một ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng, đây từng là nơi sinh sống của hàng chục nghìn còn dơi khổng lồ.
Chùa Dơi hay chùa Mã Tộc, nằm trên đường Văn Ngọc Chính, phường 3, thành phố Sóc Trăng, có lịch sử hơn 400 năm và là biểu tượng của niềm tin tín ngưỡng trong cộng đồng người dân Sóc Trăng. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa của người Khmer Sóc Trăng. Ngôi chùa đã trở thành một địa điểm quen thuộc thu hút du khách cả trong và ngoài nước.
Kiến trúc độc đáo
Chùa Dơi là nơi cư trú của hàng ngàn con dơi quạ khổng lồ, điều này đã làm cho chùa nổi tiếng và được biết đến với cái tên gọi thân thuộc "chùa Dơi" mặc dù tên chính thức của nó là chùa Mahatup hay chùa Mã Tộc.
Theo kể của người cao tuổi, nơi đây từng là địa điểm của một trận đánh khốc liệt trong phong trào nông dân nổi dậy chống giai cấp thống trị. Sau sự kiện đó, dân chúng quay lại đây sinh sống và quyết định xây dựng chùa thờ Phật tại vùng đất này bởi họ coi nơi đây là vùng đất linh thiêng.
Chùa Dơi khởi công vào năm 1569 dương lịch do ông Thạch Út chủ trì xây dựng. Với kiến trúc độc đáo theo phong cách Khmer cổ, chánh điện của chùa có bốn đầu mái cong vút chạm trổ hình rắn Naga, trên đỉnh mái có một ngọn tháp nhọn. Các hàng cột đỡ xung quanh chánh điện được trang trí bằng các tượng tiên nữ Kemnar chắp hai tay trước ngực.
Chùa Dơi là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng. Chánh điện của chùa có pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối, đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m và một pho tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda. Trên các bức tường của chùa là những bức tranh mô tả cuộc đời của Đức Phật, từ lúc sinh ra đến khi đạt bậc Niết Bàn.
Khi bước vào chùa Dơi, du khách sẽ ngạc nhiên trước quần thể các công trình màu vàng rực rỡ như cổng chùa, các ngọn tháp, chánh điện và nhà Sala. Mái của tòa chánh điện có chiều dài gần 21m, chiều rộng hơn 11m, xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1m, với cấu trúc mái chồng lên nhau, mỗi mái được trang trí với hình rồng ở các góc, cùng nhiều tháp nhỏ và hình rắn Naga uốn lượn đầy tinh xảo phía đỉnh của chùa.
Những bí ẩn chưa có lời giải
Dơi trong khuôn viên của chùa Dơi thuộc loài dơi quạ to, có trọng lượng dao động từ 0,7kg đến 1,5kg và sải cánh rộng lên đến 1,5m. Thân dơi có hai màu chủ đạo là vàng và đen rất ấn tượng. Điều đặc biệt về đàn dơi này là mặc dù chúng chủ yếu ăn hoa quả nhưng chúng không bao giờ ăn hoa quả trên cây trong vườn của chùa, thường chúng sẽ bay xa để tìm thức ăn.
Điều thú vị hơn là, trong thành phố Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa với nhiều cây xanh và không gian yên bình, nhưng loại dơi này chỉ chọn chùa Dơi làm nơi cư trú. Ban ngày, chúng trở về và đậu trên các tán cây trong khuôn viên phía sau chùa, không có con nào đậu ở bên ngoài.
Theo Hòa Thượng Kim Rêne, trụ trì chùa Dơi, ban ngày, đàn dơi treo mình trên các cành cây để ngủ. Khoảng 18 giờ, chúng bay đi kiếm ăn và quay về khoảng 5 giờ sáng hôm sau. Khi bay, đàn dơi thường lượn vòng chứ không bay thẳng qua nóc ngôi chính điện của chùa.
Hòa Thượng Kim Rêne chia sẻ: “Hồi trước, cứ buổi chiều tối khi đàn dơi bay đi kiếm ăn thì trong khuôn viên chùa rợp bóng dơi, nhưng những năm gần đây, số lượng dơi ở chùa đã ít đi rất nhiều.”
Người dân địa phương cho biết rằng trước đây, đàn dơi có hàng chục ngàn con, đậu kín trên các ngọn cây, tạo ra âm thanh chí chóe đến mức làm điếc tai. Có nhiều nguyên nhân khiến đàn dơi giảm số lượng, bao gồm việc săn bắt chúng để sử dụng trong các món ăn ở địa phương và các tỉnh lân cận. Nguyên nhân khác là do sự thay đổi về môi trường sống, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến cho không gian quanh chùa không còn yên bình, từ đó khiến đàn dơi chọn lựa rời đi.
Bên cạnh đàn dơi quý, Chùa Dơi còn có một khu mộ dành cho những con heo được nuôi lâu năm trong chính ngôi chùa. Trên những tấm bia nhuộm màu thời gian, du khách có thể đọc những dòng chữ như “Cô Năm Hợi” hay “Cô Bảy Hợi”...
Theo chia sẻ của Hòa Thượng Kim Rêne, khoảng 30 năm trước, một Phật tử làm công quả cho chùa phát hiện một con heo 5 móng đang nằm ngủ ngay tại cổng sau của chùa. Vị Phật tử đoán rằng có ai đó nuôi heo phát hiện một con heo trong bầy có 5 móng, được xem là "cốt tinh" của con người trong truyền thống người Khmer. Người nuôi heo này không dám giết nó và cũng không dám nuôi nữa, nên đã mang đến chùa gần nhất.
Vì vậy những người làm công quả trong chùa quyết định nuôi chú heo này. Sau đó, những con heo có 5 móng đều được gửi lên chùa, có lúc đàn heo lên đến hàng chục con. Những con heo này được thả rông tự do chứ không có chuồng trại.
Năm 1996, "Cô Năm Hợi" – một trong những con heo 5 móng đầu tiên – qua đời, “cô” được chôn cất và xây mộ như con người tại khu đất phía sau chùa. Các con heo khác cũng được làm lễ khi chết, chôn cất và xây mộ, trên bia mộ lần lượt ghi tên "Cô Sáu Hợi", "Cô Bảy Hợi"...
Hiện nay, phía sau khuôn viên chùa vẫn còn một nghĩa địa dành cho những con heo sau khi qua đời và truyền thuyết về loài heo 5 móng này vẫn được người dân truyền tai nhau.
Năm 1999, Chùa Dơi đã nhận được sự công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Sau đó, vào năm 2013, Khu du lịch Chùa Dơi chính thức đi vào hoạt động, mở cửa đón tiếp du khách từ khắp nơi đến tham quan và thực hiện các nghi lễ Phật. Mỗi ngày, nơi này thu hút hàng ngàn lượt khách đến để trải nghiệm, tham quan, hành lễ.
Hoàng Giang
- ▪Khám phá ngôi chùa cổ nghìn năm tuổi treo lơ lửng bên vách núi, được mệnh danh là chốn bí ẩn nhất thế giới
- ▪Ngôi chùa cổ xứ Tây Đô có hàng trăm vòng nhang 'không bao giờ tắt', được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia
- ▪Ngôi chùa cổ nghìn năm tuổi có ‘rồng phát sáng’ ở kinh đô đầu tiên của Việt Nam
- ▪Ngôi chùa hơn 600 năm tuổi mang kiến trúc Tây Tạng giữa lòng Hà Nội: Tọa lạc trong khuôn viên 7.000m2, nóc chùa có bảo tháp Kim cương thừa độc nhất vô nhị
Bình luận
Nổi bật
Rừng Đỗ Quyên ở PuTaLeng được công nhận kỷ lục Việt Nam
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:16
(CL&CS) - Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng ở độ cao 2.619m sẽ được công nhận kỷ lục diện tích lớn nhất Việt Nam.
Quảng Ninh: Phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch trên vịnh
sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:51
(CL&CS) - Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, ngành Giao thông vận tải Quảng Ninh đã xây dựng giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2030.
Năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Thái Bình ước đạt 950.000 lượt
sự kiện🞄Thứ hai, 11/11/2024, 15:44
(CL&CS) - Với nhiều chính sách kích cầu, tăng cường xúc tiến, hợp tác, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2024 có nhiều khởi sắc, doanh thu và số lượng du khách tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.