Thứ ba, 11/10/2022, 22:03 PM

Nhận "trái đắng" khi tin vào "thần năng" truyền trắng da

(CL&CS) Sở hữu làn da trắng là mong ước của hầu hết phụ nữ, bên cạnh những phương pháp bôi, uống truyền thống, hiện nay nhiều chị em rỉ tai nhau về phương pháp truyền trắng. Tuy nhiên, phương pháp làm đẹp này chưa được Bộ Y tế cấp phép nhưng dịch vụ này vẫn công khai trên thị trường làm đẹp.

Cẩn trọng "tiền mất tật mang"

Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều quảng cáo về dịch vụ tiêm, truyền chất làm trắng da. Hầu hết, chúng được các thẩm mỹ viện, spa giới thiệu có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài như Hàn Quốc, Mỹ hay thành phần chiết xuất từ thiên nhiên, an toàn với sức khỏe. 

Theo lời quảng cáo, chất truyền trắng có tác dụng làm sáng da nhanh chóng, điều hòa nội tiết, giảm thâm nám, chống lão hóa. Với phương pháp làm đẹp mới này, khách hàng phải truyền trắng theo liệu trình từ 5-10 buổi. Giá cả tùy thuộc vào từng spa, thẩm mỹ viện.

Truyền (tiêm) trắng da là phương pháp dẫn truyền trực tiếp các loại dưỡng chất vitamin hoặc các chất có khả năng làm trắng vào máu nhằm phân giải sắc tố của tế bào melanin, giúp làn da được trắng sáng hơn. Tuy nhiên, quá trình tiêm trực tiếp chất làm trắng da vào tĩnh mạch có thể gây sốc phản vệ, không phản ứng kịp thời gây tắc thở, tử vong chỉ sau vài phút.

Chỉ cần gõ từ khoá tìm kiếm "tiêm truyền trắng", người dùng không khó để bắt gặp rất nhiều loại chất tiêm truyền trắng xuất hiện, có giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng với cam kết sẽ cải thiện làn da từ 2,3 tông.

Tiếp thục tìm hiểu, trên trang mạng xã hội giá thành để truyền trắng da mỗi nơi mỗi khác, có nơi chỉ vài trăm nghìn hoặc 1 triệu đồng/lần truyền. Để tiết kiệm chi phí, nhiều người tự mua thuốc về thuê y tá, bác sĩ truyền tại nhà.

Các chất truyền trắng đang được phái đẹp ưa chuộng nhưng không an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe. Quá trình tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch có thể gây sốc phản vệ, không phản ứng kịp thời gây tắc thở, tử vong chỉ sau vài phút. Đặc biệt, các spa nhỏ chắc chắn không có biện pháp cấp cứu kịp thời vì thiếu chuyên môn. 

Truyền trắng da tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường. (Ảnh minh họa)

Truyền trắng da tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường. (Ảnh minh họa)

Không chỉ truyền trực tiếp vào tĩnh mạch, các loại làm trắng da mặt, body còn được quảng cáo bằng dạng uống. Chỉ với 1 liệu trình uống 30 ngày đã có làn da sáng hơn rất nhiều.

Tiêm vitamin C cũng có tác dụng làm trắng nhanh chóng, tuy nhiên không phải cơ thể nào cũng dễ dàng hấp thu vitamin C, thậm chí còn gây phản ứng. Người sử dụng dịch vụ cần kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm, nhưng đa số khách hàng quyết định truyền trắng không được khám tổng quát. 

Bên cạnh đó, chất làm trắng có chứa Glutathione - gây ức chế sắc tố đen Melamin. "Muốn ức chế sắc tố đen để có hiệu quả tức thì, người ta phải tiêm vào tĩnh mạch với liều lượng lớn. Chất này có nhiều tác dụng phụ như các bệnh lý về tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng tới thuốc chữa ung thư, gây suy giảm hệ miễn dịch. Tùy từng thể trạng tác dụng phụ sẽ đến sau vài năm, nhanh chỉ vài tháng", bác sĩ Vũ Sơn thông tin. 

Ngoài ra, chất này còn gây dị ứng thuốc thậm chí lột da toàn thân (vì đây là tripeptide gồm 3 loại acid amin), có thể gây suy giáp, suy thận, tai biến, do chích truyền gây ra, có thể gặp là nhiễm trùng huyết do dụng cụ chích, sản phẩm không đúng chất lượng.

Nghiêm trọng hơn là với tế bào gốc noãn thực vật, chất này chứa hóc môn kích thích tăng trưởng tế bào. Khi đưa vào cơ thể sẽ kích thích các tuyến nội tiết tăng hoạt động, làm cho da căng, trẻ hóa, người tràn đầy sinh lực sức sống, tóc mọc nhanh dài hơn…Chúng ta dễ nhầm tưởng rằng phương pháp này thật hữu hiệu, thật tuyệt vời. 

Ở các BV da liễu đã thường xuyên tiếp nhận những người do “sốc” thuốc sau khi được tiêm trắng, truyền trắng da. Cụ thể như có 1 cô gái sau khi truyền được vài phút, cô cảm thấy chóng mặt, nôn ói và hạ huyết áp nên được nhân viên ở đây sơ cứu cho nghỉ ngơi tại chỗ.

Thêm 1 trường hợp dễ xảy ra nữa đó là hiện tượng tắc mạch do không đúng kỹ thuật, làm bóng khí lọt vào đường truyền, không xử lý kịp sẽ gây hậu quả khôn lường.

Hiện nay những loại được quảng cáo như tiêm tế bào gốc, noãn thực vật, nhau thai hầu như không được cấp phép, nếu có cấp phép thì Bộ Y tế cấp phép cho những sản phẩm đó có công dụng bôi, hoặc thoa, không cấp phép tiêm truyền vào người. 

Nguy cơ sốc phản vệ, tử vong cao

Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) đã từng cấp cứu cho chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi) bị sốc phản vệ sau truyền trắng. Trải qua cơn thập tử nhất sinh chị H. kể lại: Sau khi tiêm truyền một số loại thuốc làm trắng da tại thẩm mỹ viện, tôi rơi vào tình trạng đau đầu, sốt cao, nôn liên tục, nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, huyết áp tụt, mạch nhanh…người nhà đã nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Ngay lập tức, chị H. được chỉ định tiêm cấp cứu sốc phản vệ. Nhờ được can thiệp, xử trí kịp thời, sức khỏe của chị H. dần ổn định. Từ chỗ huyết áp tụt (70/40 mmHg- thời điểm nhập viện) sau khi được cấp cứu đã ổn định ở mức 100/60 mmHg. Người bệnh tỉnh táo, hết ban đỏ, hết khó thở, không còn rét run, huyết động ổn định.

Ngoài ra, đã ghi nhận nhiều ca sốc phản vệ do vitamin C. dẫn tới tình huống cận kề sống chết. Tiêm vitamin C liều cao gây lắng đọng sỏi thận, tiêm làm giảm hấp thu đường ăn uống rõ ràng là lợi bất cập hại. Còn tiêm glutathione, hiệu quả trắng da tức thì nhưng tiêm glutathione cũng rất nguy hiểm, quá liều gây tử vong và chi phí thì đắt hơn tiêm vitamin C nhiều lần.

Theo TS-BS Đỗ Quang Hùng, Tổng thư ký Hội Thẩm mỹ TP.HCM từng chia sẻ, phương pháp làm đẹp bằng tiêm, truyền làm trắng là “bịp bợm”, “tà đạo”, chống chỉ định và ngay cả bệnh viện cũng không được làm vì không có trong danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế. Ngay cả châu Âu cũng không dùng. Có trường hợp nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy do bị sốc sau tiêm truyền chất làm trắng, biểu hiện khó thở, mệt... giống như bệnh lý sốc thuốc do dùng vitamin C liều cao.

Ngoài ra, các loại sản phẩm làm trắng thường chứa những hoạt chất như corticoid, hidroquinone, thủy ngân, a xít hữu cơ (có trong sản phẩm bôi, lột, tắm trắng), glutathione, vitamin (có trong sản phẩm uống, truyền trắng) can thiệp vào quá trình tạo sắc tố nên có tác dụng làm trắng da một cách tạm thời. Do đó, những sản phẩm nào càng có tác dụng làm trắng nhanh chóng, càng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trên thế giới đã có nhiều báo cáo về những trường hợp tiêm, truyền thuốc làm trắng gây sốc phản vệ, thuyên tắc phổi ảnh hưởng đến tính mạng. Người bệnh còn có những nguy cơ do tiêm, truyền như nhiễm trùng, viêm gan B, C, HIV. Ngoài ra, vì tác dụng làm trắng chỉ mang tính tạm thời nên muốn duy trì phải tiêm, truyền lâu dài dẫn đến nguy cơ độc tích lũy làm tổn thương các cơ quan nội tạng như gan, thận, tuyến giáp...

Bên cạnh đó, việc làm trắng còn khiến da mất đi lớp melanin tự nhiên bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, làm tăng nguy cơ một số bệnh lý viêm da do ánh nắng và ung thư da. Chính vì vậy mà nhiều nước (Mỹ, Philippines...) đã cấm việc tiêm, truyền làm trắng da, xem hoạt động này là phạm pháp.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo chị em nên thận trọng khi quyết định lựa chọn thực hiện và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm làm đẹp, không nên chạy theo trào lưu, tin tưởng hoàn toàn vào các quảng cáo theo kiểu truyền miệng. Nếu trong quá trình thực hiện mà nhận thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, cấp cứu kịp thời.

Trên thực tế, việc truyền trắng đã được nhiều cơ quan uy tín trên thế giới cảnh báo do có nhiều tác dụng phụ, xảy ra thường thấy nhất đối với glutathione. Điển hình là truyền trắng bằng chất này chưa được FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận. FDA Philippines lên tiếng tác dụng trắng da của chất này chưa rõ nhưng lại có tác dụng phụ khá nhiều. Chẳng hạn là dị ứng thuốc, thậm chí đến mức lột da toàn thân (vì đây là tripeptide gồm ba loại acid amin), có thể gây suy giáp, suy thận, tai biến do chích, truyền gây ra hoặc nhiễm trùng huyết do dụng cụ chích, sản phẩm không đúng chất lượng.

Trúc Thi

Bình luận

Nổi bật

Phổ biến tiêu chuẩn quốc gia về mực in nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm

Phổ biến tiêu chuẩn quốc gia về mực in nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm

sự kiện🞄Thứ năm, 16/05/2024, 07:19

(CL&CS)- Sáng 14/5 tại Hà Nội, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) đã tổ chức Hội nghị Phổ biến tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13928:2023 về các yêu cầu chung đối với mực in sử dụng trên bao bì thực phẩm.

Truy xuất nguồn gốc là 'chìa khóa' khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Truy xuất nguồn gốc là 'chìa khóa' khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:21

(CL&CS) - Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nháy ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường và trở thành nỗi lo đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc hiện được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tăng cường áp dụng. Qua đó, góp phần bảo vệ thương hiệu, uy tín của sản phẩm và tạo sự tin tưởng cho khách hàng.

Dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủ công mỹ nghệ

sự kiện🞄Thứ bảy, 11/05/2024, 19:44

(CL&CS)- Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc thể hiện sự chuyên nghiệp và cam kết về chất lượng sản phẩm của cơ sở sản xuất, từ đó góp phần nâng cao uy tín thương hiệu.