Thứ tư, 14/04/2021, 16:33 PM

Ngành gạo Việt Nam cần cẩn trọng trước bài toán bị “ép giá” của thương nhân nước ngoài

(CL&CS) - Giá gạo Việt bị ép giá mua trong nước giảm là do chính chúng ta “tự lấy đá ghè chân mình” mà thôi, đừng quá sốt ruột lo lắng rồi đua nhau hạ giá gạo xuống lúc này, kể cả bán lỗ là rất tai hại cho ngành lúa gạo Việt Nam. Làm như vậy là “tiếp tay” cho thương nhân nước ngoài ép giá gạo Việt Nam như đã từng xảy ra nhiều năm qua…

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, chia sẻ thẳng thắn như thế trước việc giá gạo trong nước liên tục bị “ép” giá, đặc biệt là việc nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo Việt Nam đang có xu thế giảm giá gạo xuất khẩu với mục đích cạnh tranh với nước ngoài, trong đó có Thái Lan.

Giá gạo xuất khẩu giảm, nhưng chưa… đáng lo (!?)

Khảo sát tại thị trường đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá lúa gạo đang tiếp tục giảm mạnh từ 100-300 đồng/kg. Cụ thể, gạo NL IR 504 ở mức 8.350-8.400 đồng/kg, giảm 100 đồng; gạo TP IR 504 ở mức 9.900 đồng/kg, giảm 300 đồng; giá gạo OM 5451 xuống còn 6.200 - 6.300 đồng/kg; gạo Nàng Hoa 9 giảm xuống còn 6.250 - 6.400 đồng/kg; tấm 1 giá 8.400 đồng/kg, giảm 200 đồng; cám vàng 6.250 đồng, giảm 100 đồng.

Có thể thấy, từ đầu tháng 4 đến nay, giá gạo trong nước có số ngày giảm nhiều hơn đi ngang hay tăng. Theo một số thương nhân, do thu hoạch vụ Đông Xuân tăng, lượng gạo nguyên liệu đổ về nhiều, các nhà máy bị tạm thời “giãn” kế hoạch thu mua do không còn chỗ chứa, khiến nhiều người chấp nhận bán giá thấp hơn để giải phóng bớt lượng gạo.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giữ ổn định ở mức 483-487 USD/tấn với gạo 5% tấm và 458-462 USD/tấn với gạo 25% tấm. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cuối tháng 3/2021 (từ 515 - 520 USD/tấn), giá gạo đã giảm rất mạnh.

Theo giải thích của một số DN xuất khẩu gạo, giá gạo trong nước và xuất khẩu giảm mạnh, giá gạo Việt Nam trong thời gian qua giảm là theo xu hướng giá thế giới. Bởi hiện tại, gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ đều giảm, gạo Việt không thể đứng ngoài cuộc chơi, không thể “neo” giá cao mãi được, dễ mất hợp đồng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty xuất khẩu gạo Việt Hưng (Tiền Giang), cho hay, thời gian qua giá gạo một số nước đang giảm mạnh, chẳng hạn gạo 5% Việt Nam bán cho thị trường Bangladesh có giá 522 USD/tấn theo giá FOB từ TP.HCM, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan đang ở mức thấp, 480-483 USD/tấn, còn Ấn Độ là 408-412 USD/tấn. Vì thế, nhiều đối tác đang “dùng dằng” cho rằng gạo Việt Nam cao, khiến nhiều hợp đồng chưa ngã ngũ.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, thì lo lắng: “Doanh nghiệp Việt đừng vội vã giảm giá gạo xuất khẩu với mục đích cạnh tranh, rất dễ bị “mắc bẫy” thị trường”. Theo ông Bình, quý 1/2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam có giảm so với quý 1/2020 là chuyện bình thường, vì có năm quý này cao quý kia thấp... Không thể chỉ vì 1 quý giảm mà vội lo lắng.

“Nên nhớ, trong quý 1 năm nay, tuy lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh nhưng giá trị lại không giảm. Phải biết rằng, quý 1 năm nay, có một yếu tố khách quan là container đóng hàng xuất đi rất hiếm, DN phải trả tiền cao gấp mấy lần để có container. Mặt khác, thị trường truyền thống nhập nhiều gạo của Việt Nam như Philippines và Trung Quốc thì từ đầu năm đến nay lại có thay đổi kế hoạch, lượng mua vào rất ít, khác nhiều so với quý 1/2020. Trong tình hình hiện nay, tôi tin rằng trong quý 2 mọi thứ sẽ khả quan hơn, kể cả thị trường truyền thống lẫn không truyền thống”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, dù đơn đặt hàng của đối tác không thiếu nhưng chính sự “căng thẳng” trong giá cước tàu biển, cước container đã đẩy ngành lúa gạo vào thế khó trong những tháng qua. Vì thế,  các DN đừng quá sốt ruột lo lắng rồi đua nhau hạ giá gạo xuống lúc này, kể cả bán lỗ là rất tai hại cho ngành lúa gạo Việt Nam. Làm như vậy là “tiếp tay” cho thương nhân nước ngoài ép giá gạo Việt Nam như đã từng xảy ra nhiều năm qua…

Empty

Nhiều bài toán phải lo

Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến phiên giao dịch ngày 13/4, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã sụt giảm mạnh tới 35 USD/tấn so với phiên giao dịch ngày 26/3/2021. Cụ thể, giá gạo 5% tấm hiện ở mức 483-487 USD/tấn, giảm mạnh 35 USD/tấn so với mức giá đỉnh điểm là 522 USD/tấn ngày 26/3.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Long An cho biết, chúng ta đã mất lợi thế vì chi phí logistics quá cao (cước tàu biển, container…). Trong khi đó, các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ ngoài điều chỉnh giá giảm, đồng thời đồng Baht và Rupee của các nước này giảm giá so với đôla Mỹ đã giúp các nước này có giá gạo xuất khẩu khá cạnh tranh so với Việt Nam. Vì thế, bài toán đặt ra với các DN xuất khẩu gạo là phải giảm giá để “hút” hợp đồng.

Còn theo ông Đỗ Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Mới đây, Bangladesh đã đưa ra một đấu thầu quốc tế mua 50.000 tấn gạo từ Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Đây là một tín hiệu tích cực, bởi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đang tăng cường mua gạo để tích trữ và phục vụ nhu cầu trong nước.

“Hiệp hội Lương thực Việt Nam lưu ý, ngoài các hợp đồng mua gạo theo các thỏa thuận nhà nước Bangladesh với Việt Nam cũng như các nước khác như: Ấn Độ, Thái Lan, các thương nhân tư nhân của quốc gia này vẫn được phép nhập khẩu 1 triệu tấn gạo. Đây là cơ hội tốt cho xuất khẩu gạo trong những tháng tới đây”, ông Nam nói.

Còn theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), thì nhấn mạnh: Giá cước tàu biển và giá thuê container rỗng tăng cao ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu, trong đó có mặt hàng gạo. Vì thế, bài toán khó cần giải với ngành lúa gạo thời gian tới vẫn là câu chuyện chi phí logistics.

Theo thống kê từ Bộ NN-PTNT, hết quý 1 năm nay, xuất khẩu gạo giảm mạnh tới 30,4% về lượng, nhưng về giá trị chỉ giảm 17%, đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD. Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong quý 1 tăng 20 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Linh Đan

Bình luận

Nổi bật

Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế số

Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế số

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:36

(CL&CS) - Ngày 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.

Hoa hậu Huỳnh Thúy Anh duyên dáng trong tà áo dài học sinh

Hoa hậu Huỳnh Thúy Anh duyên dáng trong tà áo dài học sinh

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 14:05

(CL&CS) - Những ngày tháng 4, tháng 5 luôn mang lại cảm giác thương nhớ về tuổi học trò khi tiếng ve sầu gọi bạn và những cánh hoa phương rơi khắp nơi. Hoa hậu Huỳnh Thúy Anh đã chọn tà áo dài học sinh để hoài niệm một thời đáng yêu.

Phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ

Phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 09:19

(CL&CS) - Ngày 23/4/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Hỷ tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ năm 2024. Tham gia hội nghị có gần 80 đại biểu là hội viên phụ nữ; cán bộ, công chức các xã, thị trấn; đại diện các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.