Thứ bảy, 30/01/2021, 11:49 AM

Bất chấp khó khăn, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn “về đích” xuất sắc

(CL&CS) - Năm 2020, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam vẫn mang về kim ngạch trên 3,05 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2019. Có thể nói, ngành lúa gạo đã hoàn thành tốt cả 2 mục tiêu lớn mà Chính phủ đặt ra gồm: Đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo xuất khẩu 6,15 triệu tấn với giá bán bình quân ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3%…

Theo đó, mặc dù lượng gạo xuất khẩu năm 2020 giảm khoảng 3,5% so với năm 2019 (6,37 triệu tấn), chủ yếu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3% (đạt 3,05 tỷ USD) so với năm 2019 (đạt 2,81 tỷ USD).

Đặc biệt, với giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499 USD/tấn, đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho người dân trồng lúa.

“Về đích” xuất sắc

Còn nhớ, thời điểm cuối tháng 3 và tháng 4/2020, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam như “ngồi trên đống lửa” với yêu cầu của Chính phủ là giãn tiến độ xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước trước tác động của dịch Covid-19. Trong khoảng thời gian này, việc xuất khẩu gạo được điều hành bằng hạn ngạch, khiến lượng gạo tồn tại cảng của nhiều doanh nghiệp rất lớn, chi phí lưu kho bãi tăng mạnh. Đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ mới đồng ý cho hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vì thế mới bắt đầu tăng tốc, kéo bù lại sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu bị hạn chế trong tháng 3, tháng 4.

Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 đã tạo “cú hích” đáng kể cho hạt gạo Việt. Ngay khi Hiệp định đi vào thực thi, một loạt doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Trung An, Intimex,… đã bắt nhịp với hoạt động xuất khẩu sang EU để hưởng thuế suất 0%.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, đánh giá hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo trong năm 2020 của Việt Nam rất thành công, từ cơ cấu gạo xuất khẩu cho đến thị trường tiêu thụ, góp phần làm cho ngành gạo tốt lên rất nhiều so với các năm trước đây. Bằng chứng là, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã đạt trên 500 USD/tấn, là mức cao nhất kể từ 9 năm trở lại đây. Các loại gạo khác như ST20, Jasmine… cũng có giá tốt, từ 600 – 1.000 USD/tấn.

“Hiện, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được cho là cao nhất trong nhiều năm qua (giá gạo thường xuất khẩu của Việt Nam đã lên hơn 510 USD/tấn), bên cạnh đó, vị thế của hạt gạo Việt Nam trên thị trường cũng đã được nâng lên, người ta không còn nhìn vào Việt Nam như là một nước xuất khẩu gạo cấp thấp mà là nước xuất khẩu gạo cấp trung bình đến cấp cao”, ông Nam nhận định.

Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam vẫn mang về kim ngạch trên 3,05 tỷ USD

Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam vẫn mang về kim ngạch trên 3,05 tỷ USD

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng dự báo, trước mắt, ngành gạo Việt Nam vẫn tranh thủ thời cơ để sản xuất, xuất khẩu với sản lượng 6-7 triệu tấn/năm. “Song, tương lai sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm vì nhìn chung, hiệu quả canh tác lúa gạo không bằng những cây trồng khác. Nhiều diện tích canh tác lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang cây màu hoặc cây ăn trái” – ông Nam nói.

Còn theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, năm 2020 Trung An đã đạt kim ngạch xuất khẩu gạo trên 20 triệu USD, tăng hơn 2 triệu USD so với năm 2019. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Trung An vào EU đã tăng trưởng mạnh nhờ tác động tích cực của EVFTA.

“Nhờ thuế quan trong hạn ngạch dỡ bỏ, gạo Việt có thêm lợi thế tại EU. Đầu năm, chúng tôi đã có những hợp đồng xuất khẩu gạo chất lượng cao với giá 1.050 USD/tấn, riêng gạo có dược tính như tím thơm, có giá hơn 1.500 USD/tấn”, ông Bình khoe.

Nói về nguyên nhân “bứt phá” ngoạn mục của giá trị gạo Việt, Tổng Giám đốc Trung An Phạm Thái Bình, phân tích: Có ba nguyên nhân khiến gạo Việt Nam có bước phát triển tăng cao như hiện nay. Thứ nhất, đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, trong đó tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo được triển khai mạnh mẽ đã làm thay đổi quy trình canh tác lúa theo hướng nâng cao chất lượng thay vì tăng sản lượng. Thứ hai, những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia mang tầm chiến lược như CPTPP, EVFTA gần đây là RCEP và với Anh Quốc đã tạo điều kiện cho Gạo Việt Nam bứt phá. Và cuối cùng, năm 2020, dù tình hình dịch Covid-19 làm suy giảm nhiều ngành nghề, nhưng nhu cầu về lương thực không giảm mà còn tăng, đây cũng là nguyên nhân khách hàng vẫn cần mua gạo Việt Nam.

Cơ hội vẫn lớn trong năm 2021

Theo kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021 của Bộ NN&PTNT, tại Liên minh châu Âu (EU), gạo thuộc nhóm sản phẩm dự báo có nhu cầu lớn. Nguyên nhân là vào cuối năm 2020, một số quốc gia ở EU như Pháp, Đức, Anh, Bỉ… bắt đầu tiến hành phong tỏa nên nhu cầu mua lương thực để nấu tại nhà tăng lên. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng bão lũ từ các quốc gia sản xuất lúa gạo nhiều và nhu cầu tăng lên khi người tiêu dùng tăng mua có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu gạo của khu vực này trong thời gian tới.

Ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, với 80.000 tấn gạo hạn ngạch hưởng thuế 0% theo EVFTA sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và đặc sản. Vì thế, các DN cần tận dụng để khai thác lợi thế kép từ EVFTA và bối cảnh thị trường mới.

Cũng theo ông Toản, gạo Việt còn có thêm cơ hội xuất khẩu vào một số thị trường vừa ký kết FTA mới. Chẳng hạn, trong khuôn khổ FTA với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10.000 tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021. Tương tự, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã có hiệu lực từ đầu năm 2021, gạo Việt có cơ hội lớn chưa từng có để thâm nhập vào một trong 10 thị trường lớn nhất thế giới, với những tiêu chuẩn khắt khe.

“Theo cam kết tại UKVFTA, Anh dành cho Việt Nam tổng hạn ngạch miễn thuế là 13.358 tấn/năm và mức hạn ngạch này sẽ được hai nước khởi động rà soát sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực”, ông Toản cho biết thêm.

Tuy cơ hội là rất lớn nhưng theo ý kiến từ các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu gạo, ngành gạo Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn để thích ứng và tận dụng các cơ hội từ thị trường.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay, sang năm 2021, dịch Covid-19 vẫn còn nhưng các thị trường đã có sự chuẩn bị ứng phó. Do đó, các DN cần tiếp tục đầu tư tập trung theo hướng bền vững từ vùng nguyên liệu gắn với chế biến và theo tín hiệu thị trường để không quay lại cảnh bấp bênh như những năm trước…

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cũng nhận định, giá gạo thế giới đang đứng ở mức cao do sản xuất tại nhiều nước đang gặp khó khăn. Nhu cầu lương thực đang có sự thay đổi nhiều hơn. Thêm vào đó, quan điểm về sản xuất lúa gạo đang thay đổi. “Đây là tương lai sáng cho lúa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất lúa sẽ phải khác trước, không nên chạy theo sản lượng nữa mà cần tập trung nâng chất lượng. Quy hoạch lại vùng trồng lúa, định hướng thị trường để bán, củng cố các đầu mối xuất khẩu, có thông tin và luật lệ rõ ràng”, ông Thòn nói.

Kỳ vọng 40% gạo Việt xuất khẩu được gắn… logo

Theo dự thảo đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ NN&PTNT soạn thảo, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ đi theo hướng giảm diện tích canh tác nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống.

Dự kiến năm 2030, Việt Nam chỉ còn 3,5 triệu ha đất lúa (hiện nay là 3,8 ha), xuất khẩu gạo tập trung vào phân khúc chất lượng cao và giá trị cao nên sản lượng dự kiến 4 triệu tấn/năm.

Đặc biệt, ngành lúa gạo Việt Nam cũng kỳ vọng đến năm 2030 sẽ có hơn 40% gạo Việt Nam sẽ có thương hiệu (gắn logo Vietnam Rice).

An Nhiên

Bình luận

Nổi bật

Kỹ thuật hạt nhân phát triển vật liệu tiên tiến

Kỹ thuật hạt nhân phát triển vật liệu tiên tiến

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 14:54

(CL&CS) - Từ đóng gói thực phẩm năng động dựa trên vật liệu nanocompozit chứa tinh dầu, đến polyme siêu hấp thụ ghép mạch bức xạ, vật liệu tiên tiến được xử lý bằng bức xạ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lãng phí thực phẩm, nâng cao hiệu suất nông nghiệp, cải thiện chăm sóc sức khỏe và hơn thế nữa.

Kinh doanh hướng đến phát triển xanh, bền vững

Kinh doanh hướng đến phát triển xanh, bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 14:53

(CL&CS) - Ngày nay, người tiêu dùng (NTD) đang dần thay đổi thói quen của mình và hướng đến tiếp cận những sản phẩm xanh, hàng hóa xanh, thân thiện với môi trường.

Đồng Nai: Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 với các mục tiêu phát triển bền vững

Đồng Nai: Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 với các mục tiêu phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 13:49

(CL&CS) - Nhằm tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ (SHTT) trong đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của cộng đồng về SHTT, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26/4 hàng năm là “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”. Dịp này, tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày SHTT.