Thứ tư, 10/08/2022, 22:09 PM

Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân

(CL&CS)- Ngày 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

img8482-16600090092571934946908

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Việc triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả và trước mắt và lâu dài".

Các ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá, kể từ khi Đề án 06 được phê duyệt và Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án 06 đến nay, Tổ công tác của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, cụ thể, thiết thực, rất đáng trân trọng, khẳng định việc triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn.

Theo đó, nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc thực hiện Đề án 06 ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc. Người dân, doanh nghiệp dần nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số mang lại.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì 16 cuộc họp chỉ đạo các nội dung của Đề án; ban hành 01 Chỉ thị, 01 Công điện, 07 Thông báo liên quan; 04 Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ có nội dung chỉ đạo về Đề án. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được triển khai tích cực, đồng bộ ở cả Trung ương và địa phương.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 125 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành 21/25 dịch vụ công mức độ 3, 4 đúng lộ trình Đề án 06; ngoài ra, riêng Bộ Công an đã hoàn thành mức độ 3, 4 đối với 187/224 dịch vụ công của toàn ngành công an.

Trong đó, nhiều dịch vụ công mức độ 3, 4 mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân, điển hình như việc đăng ký dự thi trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, đạt tỷ lệ 93,1%-tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí cho người dân); hay việc cấp hộ chiếu trực tuyến, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã của Bộ Công an...

Bên cạnh tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của người dân, chúng ta đã từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.   

Việc kết nối, chia sẻ giữa CSDLQG về dân cư với các CSDL các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư, từng bước hình hành các CSDL lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, CSDLQG về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11 bộ, ngành, 14 địa phương và 04 doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức đoàn thể xây dựng CSDL về hội viên, đoàn viên...

Tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để thúc đẩy các ứng dụng công dân số, kinh tế số, xã hội số. Bộ Công an đã cấp trên 67 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử; đồng thời, bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước tích hợp thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, thẻ ATM rút tiền tại ngân hàng, sử dụng thẻ căn cước để kiểm soát an ninh, an toàn các sự kiện lớn... Hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức từ ngày 18/7/2022, hình thành hệ sinh thái công dân số.

Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, bảo vệ bí mật cá nhân cũng được quan tâm, chú trọng hơn. Qua kiểm tra đã chỉ rõ và khắc phục được nhiều sơ hở, thiếu sót, các lỗ hổng bảo mật, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, với sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Về ứng dụng CSDLQG về dân cư, thẻ căn cước gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, CSDL nêu trên, nhất là trên các lĩnh vực: Thanh toán không dùng tiền mặt; xác thực tài khoản ngân hàng; cho vay tín chấp; tích hợp các thông tin trên thẻ căn cước và tài khoản định danh để thay thế các loại giấy tờ công dân... Trong đó, phải giải quyết sớm dứt điểm một số việc như bảo đảm tài khoản điện thoại chính chủ, làm sạch sim rác; tạo tài khoản an sinh xã hội để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp thiên tai, bệnh dịch qua tài khoản...

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, đề nghị Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều phối dữ liệu dân cư. Bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động các nguồn lực và khai thác nguồn lực từ dữ liệu; tăng cường hợp tác quốc tế; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi đua – khen thưởng.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu triển khai công việc thực chất, tránh hình thức, để người dân và doanh nghiệp thấy được sự thiết thực, hiệu quả, tiện ích, tiết kiệm và bảo mật thông tin, từ đó đồng tình ủng hộ, hưởng ứng tham gia thực hiện. "Việc gì được người dân và doanh nghiệp ủng hộ thì sẽ thành công, khó mấy cũng lo được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Minh Anh

Bình luận

Nổi bật

Giải pháp cho sự phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam

Giải pháp cho sự phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:31

(CL&CS) - Sáng 28/3, tại Hà Nội, diễn đàn Thúc đẩy phát triển vền vững khu công nghiệp Việt Nam đã được diễn ra do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. Tại đây, các chuyên gia đã chỉ ra những thách thức và giải pháp để phát triển hiệu quả các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Phát triển kinh tế, thương mại quốc tế và xúc tiến xuất khẩu Canada

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Phát triển kinh tế, thương mại quốc tế và xúc tiến xuất khẩu Canada

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:29

(CL&CS) - Chiều 27/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Phát triển kinh tế, thương mại quốc tế và xúc tiến xuất khẩu Canada Mary Ng đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Hà Nội: Cảnh 2 bố con sống trong căn nhà siêu mỏng chỉ vỏn vẹn 8m2 thừa lại sau giải toả

Hà Nội: Cảnh 2 bố con sống trong căn nhà siêu mỏng chỉ vỏn vẹn 8m2 thừa lại sau giải toả

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 07:24

(CL&CS) - Căn nhà siêu nhỏ gồm 2 khối tách biệt, nằm án ngữ trước tòa nhà ở ngõ 102 Trường Chinh (Đống Đa) khiến dư luận quan tâm. Đây là diện tích còn sót lại sau khi chính quyền thu hồi đất để mở rộng đường.