Thứ năm, 30/12/2021, 20:18 PM

Mục tiêu xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt trên 50 tỷ USD trong năm 2022

(CL&CS) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, ngành nông nghiệp đạt mục tiêu năm 2022 tăng trưởng phải trên 3%, xuất khẩu phải đạt trên 50 tỷ USD. “Trụ đỡ” phải chắc chắn thì kinh tế cả nước mới vững vàng.

Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020

Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch, giải pháp năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) diễn ra ngày 29/12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, năm 2021, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là sự tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Thống kê sơ bộ, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020; trong đó nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%.

Trong đó, đặc biệt năm 2021 có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su.

“Kết quả này cũng nhờ sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, các lĩnh vực toàn ngành đã đạt và vượt kế hoạch đề ra và có những chuyển biến mạnh về 'chất' và 'lượng'”, Thứ Trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương và đánh giá cao những thành tựu của ngành trong năm 2021 vừa qua - một năm nhiều biến động, đầy khó khăn trước dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, hạn hán, lụt lội, cùng nhiều diễn biến thiên tai phức tạp, nguy hiểm do biến đổi khí hậu… nhưng ngành NNPTNT đã “về đích đúng hạn” với những thành tích kỷ lục, xứng đáng là trụ cột chính của nền kinh tế.

Thủ tướng cho rằng, thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường nên khi các thị trường này biến đổi sẽ thụ động. Ngành NNPTNT cũng chưa xây dựng được thương hiệu, sản phẩm mang tính quốc gia, mang tầm quốc tế.

“Đặc biệt, về thị trường phải sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch, từng bước cải thiện thương mại với thị trường Trung Quốc, bởi đây là một thị trường lớn với nhiều lợi thế. Các bộ, ngành phải chủ động, các tỉnh biên giới phải làm việc thông thương với nhau, tính toán cho hợp lý, cốt yếu là chúng ta phải tạo ra các sản phẩm chất lượng đi theo đường chính ngạch. Chúng ta phải thực hiện bài bản, xây dựng theo chuỗi giá trị mới bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý.

Thủ tướng cũng chỉ  rõ, về vấn đề sau thu hoạch chưa thực sự chú trọng như chế biến sau thu hoạch, đóng gói, bao bì, thương hiệu…

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chúng ta chưa có chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả. Cái gì của Chính phủ thì Chính phủ phải làm, cái gì thuộc Trung ương thì phải đề xuất, còn cái gì thuộc thẩm quyền Bộ NNPTNT thì Bộ phải chủ động giải quyết, phải nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết, không né tránh.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành nông nghiệp cần tận dụng khai thác tối đa 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực công nghiệp chế biến.

“Năm 2022, dự báo có thuận lợi, có thời cơ, nhưng cũng nhận định có nhiều cái khó hơn năm 2021, chúng ta cần tập trung làm thật tốt, cân đối nguồn lực, cân đối thời gian để làm tốt các nhiệm vụ đặt ra. Phải đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm dự báo chiến lược và tổ chức thực hiện thiết thực hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Đặt hàng” Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, mục tiêu năm 2022 tăng trưởng phải trên 3%, xuất khẩu phải đạt trên 50 tỷ USD. “Trụ đỡ” phải chắc chắn thì kinh tế cả nước mới vững vàng. Song song việc này, phải coi trọng chiến lược, quy hoạch thể hiện tầm nhìn xa và tư duy thực sự đổi mới.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT rà soát kỹ, hoàn thiện thể chế, phát triển theo chiều sâu, phát triển dựa vào khoa học công nghệ; thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm quyết liệt bám sát tình hình thực tế để cụ thể hóa các đường lối chủ trương chiến lược và xác định cách làm bài bản, có lộ trình thực hiện cụ thể.

Bảo Phương

Bình luận

Nổi bật

Ngôi nhà sàn gỗ lim lớn nhất Việt Nam, rộng gần 500m2: Là điểm thu hút khách du lịch tại Điện Biên

Ngôi nhà sàn gỗ lim lớn nhất Việt Nam, rộng gần 500m2: Là điểm thu hút khách du lịch tại Điện Biên

sự kiện🞄Thứ bảy, 27/04/2024, 17:19

Được biết, những cây gỗ lim nguyên khối được dùng để sử dụng xây ngôi nhà này hơn 900 tuổi.

Địa phương lọt top 3 tỉnh đông dân nhất Việt Nam 'mạnh tay' chi hơn 4.400 tỷ đồng 'lên đời’ hệ thống giao thông

Địa phương lọt top 3 tỉnh đông dân nhất Việt Nam 'mạnh tay' chi hơn 4.400 tỷ đồng 'lên đời’ hệ thống giao thông

sự kiện🞄Thứ bảy, 27/04/2024, 17:19

Theo tỉnh này, việc nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh kế của địa phương và cả vùng.

Đồ gỗ Việt Nam chính thức vào sân chơi thiết kế và thương hiệu ngành nội thất toàn cầu

Đồ gỗ Việt Nam chính thức vào sân chơi thiết kế và thương hiệu ngành nội thất toàn cầu

sự kiện🞄Thứ bảy, 27/04/2024, 15:24

(CL&CS) - Lần đầu tiên góp mặt tại Tuần lễ thiết kế Milan 2024 (Italia) - sân chơi quốc tế của ngành nội thất, nơi hội tụ các thương hiệu lớn và các nhà thiết kế khắp nơi trên thế giới - các sản phẩm gỗ và mỹ nghệ Việt Nam đã tạo được dấu ấn đậm nét.