Dữ liệu cũ
Thứ hai, 06/03/2017, 10:18 AM

Hai nguyên tắc tán thưởng mà khán giả Việt chưa biết

(NTD) - Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ nước ngoài đã đến Việt Nam trình diễn những buổi hòa nhạc quốc tế. Phần lớn các nghệ sĩ đều nhận định khán giả Việt Nam không quá cuồng nhiệt, nhưng đều ở đến phút cuối cùng. Điều này hoàn toàn đúng, bởi phần lớn khán giả Việt ít biết hai nguyên tắc tán thưởng “chuẩn quốc tế” sau đây.

37
Khán giả phương Tây chơi “hết mình” trong đêm diễn.

Tán thưởng bằng cách gọi tên

Trong liveshow của ban nhạc Modern Talking vừa qua, khi chỉ còn 2 tiết mục nữa, thì ca sĩ Thomas Anders bỗng rời sân khấu vào hậu trường khoảng 1 phút mà không lời giải thích, khiến cả Trung tâm hội nghị quốc gia tưởng “nghỉ giải lao”, thậm chí có người cho rằng sao ban tổ chức lại để “sân khấu chết”. Trong khi đó ở hậu trường, Thomas Anders ngạc nhiên: không ai làm gì à?

Không riêng gì Modern Talking, mà hầu hết các ban nhạc ca sĩ sang làm liveshow tại Việt Nam cũng gặp tình huống dở khóc dở cười này, thậm chí cả những buổi hòa nhạc thính phòng tại các nhà hát lớn.

Thật ra trong văn hóa thưởng thức hòa nhạc thế giới, khoảnh khắc 1 phút “sân khấu chết” đó là lúc khán giả tỏ lòng ngưỡng mộ bằng cách hô tên nghệ sĩ, chẳng hạn: “Thomas! Thomas! Thomas!…”. Và trong liveshow Sandra và Bad Boys Blue sắp tới tại Hà Nội, gần kết chương trình cũng có tình huống Sandra hoặc Bad Boys Blue bỗng dưng rời sân khấu (tùy thuộc vào ai diễn trước), lúc này khán giả cần phải hô to “Sandra! Sandra! Sandra!…” (hoặc Bad Boys Blue! Bad Boys Blue! Bad Boys Blue!…). Tiếng hô này cũng tương tự câu tán thưởng: “Tiếp đi! Tiếp đi!”. Sau những tiếng hô đó, nghệ sĩ sẽ trở ra phục vụ thêm vài bài hit nữa trước khi kết thúc hẳn (liveshow chỉ thực sự kết thúc khi ban nhạc vẫy chào).

Việc ngưng đột ngột này cũng là cách mà nghệ sĩ “đo lòng” khán giả. Nếu tiếng hô ít, tức là khán giả không hài lòng lắm, nghệ sĩ sẽ trở ra hát 1 bài là kết thúc. Nhưng nếu khán giả hô cuồng nhiệt, thì nghệ sĩ có thể hát từ 2-5 bài nữa mới kết thúc. Việc này cũng tạo cho khán giả một tâm lý tiếc nuối vì khi khán giả “đòi hỏi” và được đáp ứng, thì khi kết thúc chương trình, khán giả sẽ có cảm giác không muốn về. Đây được xem là văn hóa thưởng thức hòa nhạc trên toàn thế giới, áp dụng trong mọi thể loại liveshow từ giao hưởng thính phòng đến nhạc trẻ sôi động. Không như phần lớn chương trình của Việt Nam, khán giả đã lục đục về hết nửa rạp khi MC chưa kịp nói lời tạm biệt.

Tán thưởng bằng cách đứng dậy

Vừa qua, trong hầu hết các liveshow sôi động của nghệ sĩ nước ngoài như Boney M, Chris Norman, Richard Marx… khi chương trình diễn vài bài, một số khán giả bắt đầu đứng lên nhảy nhót vỗ tay, khiến người ngồi sau tỏ ra khó chịu. Mãi đến giữa chương trình, các khán giả “khó tính” kia mới đứng lên như mọi người, và hiểu ra: “Tại sao phải tự làm khó mình bằng khuôn phép nhã nhặn trong một buổi diễn đầy cuồng nhiệt?”.

Đúng là chúng ta không có thói quen đứng lên thể hiện sự tán thưởng này, mặc dù đã được học nguyên tắc đứng lên chào thầy cô và người lớn từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Nhưng văn hóa này biến mất ngay khi rời mái trường, và chỉ tái hiện trong khán phòng đón khách VIP nếu ban tổ chức “mớm trước”. Việc tự đứng lên vỗ tay giữa khán phòng trong tâm lý người Việt được xem là “làm chuyện không giống ai”. Mặt khác, khán giả Việt vốn quan niệm xem hòa nhạc là thưởng thức nghệ thuật, nên đôi lúc việc nhảy nhót bộc lộ sự hưng phấn lại bị cho là “hổ lốn” khiến nhiều người không muốn hòa nhập.

Trong khi đó, đối với thế giới, việc “đứng lên vỗ tay” hay nhảy cuồng nhiệt trong khán phòng thể hiện sự ngưỡng mộ và khâm phục dành cho nghệ sĩ, tiếp sức cho nghệ sĩ biểu diễn máu lửa hơn. Và việc khán giả “ngồi yên” được xem là sự thất bại của buổi diễn. Chính vì vậy, khán giả Việt cũng nên tự giải thoát sự nhút nhát, thói quen “dựa dẫm số đông” của chính mình để hòa nhập và thưởng thức trọn vẹn những bữa tiệc âm nhạc thế giới.

NS Xuân Nghĩa Ảnh: nhiều nguồn

_Bao NTD_So 310 28
 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.