Thứ năm, 06/06/2024, 14:03 PM

Tăng năng suất lao động: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

(CL&CS) - Năng suất lao động của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, còn đối với các nước phát triển ngoài khu vực thì còn khoảng cách xa hơn. Đó là thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận để có giải pháp cải thiện.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022). Theo đánh giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện. Năng suất lao động năm 2022 theo giá hiện hành đạt 188,7 triệu đồng/lao động, tăng 4,8% so với năm trước. Tuy nhiên, trước thực trạng năng suất lao động Việt Nam chưa cao, đời sống của nhiều bộ phận người lao động vẫn còn gặp khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp động viên người lao động tích cực cống hiến, cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất lao động.

TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Dự báo và Phân tích kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năng suất lao động quốc gia là thước đo hoạt động kinh tế của một quốc gia, tính toán so sánh lượng giá trị gia tăng được tạo ra tính trên một đầu vào lao động. Theo nghĩa đó, năng suất lao động được tính bằng GDP chia cho số lao động có việc làm trong năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua PPP là 20.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 64,4% so với Thái Lan, 79% so với Indonesia…

Nhìn vào con số này thì năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, nhưng nhìn kỹ vào cơ cấu kinh tế Việt Nam thì phần lớn người lao động Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình. Số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022. Mặc dù vậy số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP).

“Với con số này thì năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bằng khoảng 30% năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore chứ không phải 11,4% như ban đầu”, TS. Nguyễn Tú Anh phân tích.

TS. Nguyễn Lê Hoa, Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam nhìn nhận, thực tế là tại Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, mặc dù các chính sách của Nhà nước đều tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam, song năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn…

Mặt khác, thời gian qua dù cũng có nhiều chính sách thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo, nhưng thực tế quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp.

Tại diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024" tổ chức ngày 26/5 đã nhận được nhiều ý kiến tham luận. Từ người lao động- người trực tiếp tham gia sản xuất, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, tổ chức công đoàn…đã đưa ra ý tưởng về những giải pháp để nâng cao năng suất lao động.

Các chuyên gia tại diễn đàn đánh giá, sở dĩ năng suất lao động Việt Nam thấp là do phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022. Mặc dù vậy, số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế.

Đưa ra các kiến nghị nhằm tăng năng suất lao động, TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, tri thức, lao động, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng doanh nghiệp mà tăng quy mô của doanh nghiệp. Phải thực hiện cho kỳ được mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: "Để tăng năng suất lao động của nước ta, chúng tôi thấy vấn đề con người rất quan trọng. Các giải pháp tăng kỹ năng của con người lao động là điều mà chúng ta cần tập trung vào để đẩy mạnh phần đóng góp trong năng suất lao động nói chung".

Hiện nay, 66,5% lao động nằm trong các ngành có năng suất lao động thấp hơn bình quân cả nước như ngành nông lâm thủy sản, ngành bán buôn bán lẻ… Những ngành có năng suất lao động cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp, chỉ chiếm 10,28% trên tổng số lao động có việc làm.

Để tăng năng suất lao động, việc cần làm là dịch chuyển lao động từ khu vực dư thừa lao động, có năng suất thấp sang những ngành có năng suất lao động cao hơn mà đang thiếu lao động.

GS.TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội đưa ra ý kiến: "Phải nâng cao trình độ thì mới có thể tiếp cận được những khâu mà sản xuất có giá trị cao, khi đó mới tăng được hiệu quả của lao động cá nhân. Doanh nghiệp phải đầu tư, cải tiến về máy móc, thiết bị, kỹ thuật, công nghệ. Quốc gia tích cực tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển sang những khu vực sản phẩm có giá trị kinh tế cao như những sản phẩm công nghệ cao, những sản phẩm có chế biến sâu".

Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức 7% và yếu tố tiên quyết vẫn là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, để tăng năng suất lao động của quốc gia, Việt Nam cần khắc phục được hai vấn đề sau:

Thứ nhất, sự dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao. Trong các giai đoạn phát triển trước, đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động của Việt Nam là do dịch chuyển cơ cấu. Lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, đây sẽ không thể là động lực phát triển bền vững của năng suất lao động và thực tế cho thấy vai trò của chuyển dịch cơ cấu trong tăng trưởng năng suất lao động đã giảm dần những năm gần đây.

Thứ hai, tăng trưởng TFP còn thấp dẫn đến hạn chế tốc độ tăng năng suất lao động. Có rất nhiều yếu tố làm TFP tăng trưởng chậm, trong đó quan trọng nhất và đầu tiên vẫn là liên quan tới nguồn nhân lực. Thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và ý thức lao động chưa cao, chính vì thế không thể hấp thụ tối đa được chuyển giao khoa học công nghệ, tạo tiền đề cho tăng trưởng năng suất.

Ngay tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định “tài năng, trí tuệ con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

Tập huấn quy trình quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu theo hướng bền vững

Tập huấn quy trình quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu theo hướng bền vững

sự kiện🞄Thứ hai, 17/06/2024, 08:10

(CL&CS) - Ngày 13/6/2024, Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La tổ chức tập huấn quy trình quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu theo hướng bền vững. Tham dự có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ; cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Nâng cao năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nâng cao năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

sự kiện🞄Thứ bảy, 08/06/2024, 15:09

(CL&CS)- Thông tin trên được đưa ra tại phiên họp Ban chỉ đạo thúc đẩy năng suất lao động (NSLĐ) dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) lần thứ nhất ngày 6/6/2024 tại Hà Nội.

Tăng năng suất lao động: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tăng năng suất lao động: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

sự kiện🞄Thứ năm, 06/06/2024, 14:03

(CL&CS) - Năng suất lao động của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, còn đối với các nước phát triển ngoài khu vực thì còn khoảng cách xa hơn. Đó là thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận để có giải pháp cải thiện.