Thứ hai, 10/05/2021, 09:35 AM

Giá vật liệu xây dựng tăng “phi mã”, nhà thấu xây dựng lo… sốt vó

(CL&CS) - Ngành xây dựng vốn có biên lợi nhuận mỏng, cạnh tranh khốc liệt, hay bị chiếm dụng vốn… nay lại phải đối mặt với việc giá thép, vật liệu xây dựng tăng đột biến dẫn đến nguy cơ bị ăn mòn lợi nhuận, dự án đội chi phí dẫn tới lỗ nặng. Hệ quả tiếp theo đó là giá nhà đất sẽ không ngừng “leo thang”.

Giá thép, vật liệu xây dựng tăng… phi mã

Từ cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thép như: Thép Hòa Phát, thép Thái Nguyên, thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Tungho, Kyoei... đã bắt đầu tăng giá bán thép các loại. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thép được liên tục điều chỉnh báo giá, có khi trong 1 tuần thay đổi vài lần giá bán.

Khảo sát trên thị trường, với thương hiệu Hòa Phát tại thị trường miền Nam trong ngày 8/5 vẫn tiếp tục giữ giá, với thép cuộn CB240 đang có giá 16.700 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 đang ở mức 16.750 đồng/kg. Thương hiệu thép Miền Nam với sản phẩm thép cuộn CB240 đang ở mức giá 17.000 đồng/kg; còn với thép thanh vằn D10 CB300 là 16.900 đồng/kg.

Tương tự, thương hiệu Pomina không có thay đổi giá, thép cuộn CB240 có giá là 17.200 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 đang ở mức 17.310 đồng/kg

Anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ đại lý sắt thép trên đường Võ Văn Vân (huyện Bình Chánh) cho hay, hiện giá thép nhập về đại lý đã ở mức 17.300 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với nửa tháng trước và tăng khoảng 4.000 đồng so với hồi đầu năm. Mức tăng này khá mạnh so với cùng kỳ và các nhà máy liên tục chào giá mới tới các đại lý.

“So với thời điểm này năm 2019 và 2020, giá chỉ khoảng từ 12.000 - 13.000 đồng/kg thì giá thép hiện đã tăng khoảng gần 50%”, anh Tùng nói.

Lý giải về đà tăng của giá thép, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho hay, thời gian qua nhu cầu tiêu thụ sắt thép của các quốc gia trên thế giới đều tăng mạnh, giá thép tăng lên mức cao. Trong khi nguồn cung khan hiếm từ Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát sản lượng của Chính phủ Trung Quốc. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến thị trường theo trong nước. Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng bất động sản khởi sắc trở lại vì vậy, các đại lý tăng cường nhập hàng dự trữ cho kế hoạch kinh doanh năm 2021.

“Hiện nay, các công trình xây dựng cũng gấp rút triển khai, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư công đang được đẩy mạnh, vì vậy các nhà thầu tăng cường nhập hàng đề phòng giá tăng tiếp có thể ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình. Những yếu tố này cũng đã khiến giá thép thời gian qua tăng mạnh”, đại diện của “ông lớn” ngành thép Việt Nam, lý giải.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhìn chung trong thời gian qua, thị trường thép cuộn cán nóng HRC thế giới biến động rất mạnh khiến cho thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt như tôn mạ, ống thép... sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

“Các dự báo trước đó về giá thép chỉ tăng tối đa là hết quý 2/2021 là rất khó, khi nhìn vào những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác. Hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo giá sẽ tăng hết quí 3/2021. Thậm chí có ý kiến cho rằng, dự báo đến quý III/2021 vẫn là một dự báo an toàn, tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn đến hết năm nay, thậm chí là quý II, III năm sau”, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, bình luận.

Không chỉ có giá thép tăng, các loại vật liệu khác như cát, xi măng… cũng đồng loạt tăng. Chẳng hạn, xi măng Hoàng Long tăng 40 ngàn đồng/tấn, xi măng Xuân Thành tăng 40 ngàn đồng/tấn đối với sản phẩm bao rời, xi măng Bỉm Sơn tăng 30 ngàn đồng/tấn…

Đà tăng của giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh khiến cho cổ phiếu nhóm ngành xây dựng trong vòng 1 tháng trở lại đây sụt giảm mạnh.

Thép cuộn dùng trong xây dựng. (Ảnh minh họa)

Thép cuộn dùng trong xây dựng. (Ảnh minh họa)

Chẳng hạn, "ông lớn" CTD (Công ty CP Xây dựng Coteccons) hiện đang giao dịch ở mức giá 58.600 đồng/CP (phiên 7/5), giảm mạnh so với vùng giá 77.000 đồng/CP cách nay gần 2 tháng (giữa tháng 3/2021).

Tương tự, cổ phiếu HBC (Xây dựng Hòa Bình) cũng khoảng gần 20% thị giá từ 19.000 đồng/CP xuống còn 15.300 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.

Sở dĩ, giá thép, vật liệu xây dựng tăng ngay lập tức phản ánh trên giá cổ phiếu các nhà thầu xây dựng, theo giải thích của các chuyên gia kinh tế - chứng khoán, là bởi vì hầu hết các nhà thầu xây dựng đều đang phải ứng tiền trước mua thép để đảm bảo thời gian thi công dự án. Tuy nhiên, đa số đối với những công trình xây dựng kéo dài hai, ba năm, nên việc thanh, quyết toán rất khó khăn không biết khi nào mới thu hồi vốn sẽ là một khó khăn rất lớn cho các nhà thầu xây dựng.

Chưa kể, với các DN sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh thì khoản tiền phải trả lãi cũng là gánh nặng rất lớn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.

Sẽ nỗ lực “kìm” giá thép, vật liệu xây dựng

Thị trường thép, vật liệu xây dựng được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả nguyên vật liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường toàn cầu và nội địa.

“Trước những diễn biến phức tạp, khó lường gần đây của thị trường thép, VSA đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần bình ổn thị trường trong nước như tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường; Tăng cường hợp tác phối hợp, ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước; Tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý”, ông Nghiêm Xuân Đa -  Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho hay.

Trong khi đó, điều khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng quan tâm hiện nay quan tâm là làm thế nào để kiểm soát và kìm lại đà tăng của giá thép. Về vấn đề này, phía Bộ Công Thương cho biết, sẽ tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu; chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá...

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dung; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

"Bộ sẽ đẩy mạnh theo dõi và xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép", đại diện Bộ Công thương cho biết.

Linh Đan

Bình luận

Nổi bật

Đề nghị truy tố 10 đối tượng trong đường dây sản xuất hàng giả

Đề nghị truy tố 10 đối tượng trong đường dây sản xuất hàng giả

sự kiện🞄Chủ nhật, 05/05/2024, 12:30

(CL&CS) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) vừa hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố 10 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát, theo thông tin từ Bộ Công an.

Khởi động chuỗi chương trình sinh nhật “35 năm Saigon Co.op - niềm tin gắn kết”

Khởi động chuỗi chương trình sinh nhật “35 năm Saigon Co.op - niềm tin gắn kết”

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 13:56

(CL&CS) - Ngày 27/4/2024, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tổ chức lễ khởi động chương trình khuyến mãi “Niềm tin gắn kết”, đánh dấu bước khởi đầu cho chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập đơn vị.

Tăng sức cạnh tranh, chống hàng giả từ truy xuất nguồn gốc hàng hoá

Tăng sức cạnh tranh, chống hàng giả từ truy xuất nguồn gốc hàng hoá

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:54

(CL&CS) - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… nên những giải pháp về truy xuất nguồn gốc được khuyến nghị thực hiện nhằm bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.