Văn hóa và Đời sống
Thứ sáu, 22/03/2024, 17:55 PM

Doanh nhân đầu tiên được mệnh danh 'vua tàu thủy đất Bắc': Khởi nghiệp từ khúc củi khô đến 1 trong 4 thương gia giàu có bậc nhất Việt Nam thế kỷ XX

Từ hai bàn tay trắng, vị doanh nhân này đã gặt hái nhiều thành công trên con đường kinh doanh.

Hành trình khởi nghiệp từ khúc củi khô

Vào những năm đầu thế kỷ XX, người Hà Nội xếp hạng “tứ hổ” đất Tràng An là “là "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi". Người thứ tư trong danh sách, tức tứ Bưởi, là doanh nhân Bạch Thái Bưởi – một trong những vị thương gia giàu có, thành đạt nhất Hà thành khi đó. Ông được biết đến với tên gọi quen thuộc là “vua tàu thủy đất Bắc”.

Chân dung

Chân dung "vua tàu thủy đất Bắc" Bạch Thái Bưởi

Bạch Thái Bưởi (1874-1932), quê ở làng An Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình họ Đỗ nghèo khó, có bố mất sớm. Chính vì vậy, ngay từ bé, Bạch Thái Bưởi đã phải phụ giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong hay vớt củi trên sông mang đem bán. Sau đó, ông được một gia đình nhà giàu họ Bạch nhận nuôi và cho ăn học. Cũng từ đây, ông đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch, có tên Bạch Thái Bưởi.

Bà Bạch Quế Hương (SN 1961, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội), chắt nội của doanh nhân Bạch Thái Bưởi cho biết: "Các cụ trong gia đình tôi kể rằng, cụ Bạch Thái Bưởi khởi nghiệp từ một số vốn trời cho".

Cụ thể, trong một hôm theo mẹ đi vớt củi trên sông Nhuệ để mang về bán kiếm tiền, Bạch Thái Bưởi đã vô tình vớt được một khúc củi khá lớn. Sau đó, ông mang về phơi khô ở sân. Điều đặc biệt là khúc củi này càng khô thì lại càng tỏa ra một mùi thơm rất kỳ lạ. Câu chuyện lan nhanh rồi đến tai các thương lái Trung Quốc. Sau đó, họ đến tìm gặp Bạch Thái Bưởi để mua bằng được khúc củi này với giá trên trời. Một thời gian sau, ông mới biết được đó là gỗ trầm hương – một loại gỗ vô cùng quý giá.

Kiếm được một khoản lớn từ “củi khô”, ông bắt đầu lao vào học hỏi kinh doanh trên thương trường với nhiều nghề. Thạo tiếng Pháp, giỏi tính toán, ông nghỉ học làm thư ký cho Công sứ Bonnet – một người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội, cũng từ đây người đời hay gọi ông là “cậu ký Bưởi”.

Sau đó, để có cơ hội tiếp xúc thêm với máy móc cơ giới cũng như thu nhận những hiểu biết về cách tổ chức và quản lý sản xuất, vào năm 1894, ông bắt đầu chuyển sang làm việc cho một xưởng thuộc hãng thầu khoán. Ít lâu sau, Bạch Thái Bưởi được sang Pháp để dự triển lãm Bordeaux. Trong quá trình làm việc, ông âm thầm học hỏi cũng như tiếp thu thêm các kinh nghiệm, nung nấu ý chí tự lực, tự cường.

Để rồi cơ hội cuối cùng cũng đến với chàng thanh niên trẻ tuổi, theo đó, đúng lúc này Pháp xây dựng công trình xe lửa nối liền Hà Nội – Sài Gòn. Để phục vụ cho công trình này, Công ty Hỏa Xa Đông Dương cần một lượng gỗ lớn để làm tà vẹt. Với đầu óc nhạy bén, Bạch Thái Bưởi đã nhanh chóng liên danh với một người Pháp để nhận thầu cung cấp vật liệu này. Chỉ trong 3 năm, ông đã kiếm về được một số vốn đáng nể cũng như tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm quý báu trong kinh doanh.

Khoảng thời gian sau đó, ông lao vào thầu khoán thu phí chợ các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Vinh và thu về được các thắng lợi rực rỡ. Nhưng cũng chính từ đây, ông trở thành “cái gai” trong mắt giới tư bản ngoại quốc.

Danh xưng "vua tàu thủy đất Bắc"

Bước ngoặt thành công rực rỡ để đưa tên tuổi doanh nhân Bạch Thái Bưởi trở thành một trong 4 người giàu nhất Bắc Kỳ thời đó là dấn thân sang lĩnh vực hàng hải. Năm 1909, ông thuê lại 3 chiếc tàu (Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long) của một hãng tàu Pháp để chở thư và hành khách đường sông Bắc kỳ.

Bạch Thái Bưởi cho tàu chạy hai tuyến đường chính là Nam Định – Hà Nội và Nam Định – Bến Thủy (Vinh). Tuy nhiên, lúc này ông lại phải đối mặt với hai đối thủ nặng ký nhất là chủ tàu người Pháp và chủ tàu người Hoa.

Một cuộc đụng độ không cân sức đã xảy ra khi ông hạ giá vé xuống một thì người Hoa lại hạ giá vé xuống hai. Ông mua trà mời khách đi tàu thì đối thủ lại mua bánh ngọt. Các chủ tàu người Hoa lúc này quyết chí đánh bại Bạch Thái Bưởi bằng mọi cách. So với các thương gia người Hoa, tình thế của ông rất nguy cấp bởi ông phải thuê đến ba chiếc tàu mỗi tháng phải trả đến 2.000 đồng nhưng mỗi chuyến chỉ thu được vỏn vẹn 20 đồng.

Bạch Thái Bưởi là một người thông minh, nhạy bén trong kinh doanh

Bạch Thái Bưởi là một người thông minh, nhạy bén trong kinh doanh

Vốn là người thông minh và nhạy bén trong kinh doanh, Bạch Thái Bưởi đã nghĩ đến một vũ khí mà người Hoa không bao giờ có, đó chính là tinh thần dân tộc. Ông cho người đến các bến tàu nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, kêu gọi tình đồng bào, tinh thần tương thân tương ái. Ông treo luôn một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích, bỏ tiền vào, giúp cho chủ tàu có thể giảm lỗ. Nhờ vậy, hành khách dần bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt.

Một lần khác, trong cuộc họp của Hội đồng kinh tế lý tài, do bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, Bạch Thái Bưởi đã bị Renê Robanh - Thống sứ Bắc Kỳ lúc đó, đe dọa: "Nơi nào có Robanh thì không có Bạch Thái Bưởi". Ông chẳng hề sợ hãi mà khẳng khái đáp lại: "Nơi nào có Bạch Thái Bưởi thì không có Robanh".

Sau 7 năm miệt mài kinh doanh trên sông nước, Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng được một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa tàu và thành lập các chi nhánh ở nhiều nơi. Năm 1916, một công ty hàng hải mang tên Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty đã ra đời. Tại các trụ sở của ông, ở vị trí cao nhất người ta bắt đầu thấy phấp phới ngọn cờ hiệu màu vàng, có hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ.

Ngày 7/9/1919, công ty của Bạch Thái Bưởi hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu Bình Chuẩn hoàn toàn do chính người Việt thiết kế và thi công. Tàu Bình Chuẩn tiến hành chạy chuyến đầu tiên từ Hải Phòng cập bến Sài Gòn ngày 17/9/1920 trong sự đón chào nồng nhiệt của giới công thương Sài Gòn lúc đó. Sau đó, công ty của Bạch Thái Bưởi bắt đầu mở rộng tầm hoạt động khắp Đông Dương, các nước và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Philippines.

Bạch Thái Bưởi khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng đến vị trí 'vua tàu thủy đất Bắc'

Bạch Thái Bưởi khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng đến vị trí 'vua tàu thủy đất Bắc'

Khoảng cuối thập niên 1920 đầu 1930 được xem là đỉnh cao phát triển của công ty Bạch Thái Bưởi. Khi ấy, công ty hàng hải của ông đã có trên 40 con tàu cùng sà lan chạy trên tất cả các tuyến đường sông Bắc Kỳ và cả các nước cùng vùng lãnh thổ lân cận, với số lượng nhân viên lên đến 2.500 người.

Năm 1928 dự đoán trong tương lai ngành than đá sẽ phát triển mạnh, ông lại bắt đầu đầu tư khai thác than đá, mua lại hai hầm mỏ của người Pháp ở Bí Chợ và Cẩm Thực (tỉnh Quảng Yên) và một lần nữa, ông đã thành công.

Khi những dự định vẫn còn đang dang dở

Bạch Thái Bưởi khi đó còn đang dự định tạo dựng nhiều công trình như xây một nhà máy xay gạo ở Nam Định với những thiết bị tân tiến mua tận Hambourg (Đức), chương trình đặt ống cống, xây nhà máy nước, dựng nhà máy điện cho thành phố Nam Định và cả việc đặt đường sắt Nam Định – Hải Phòng,... Đặc biệt, vị doanh nhân sinh năm 1874 còn dự định mua tàu viễn dương để chở than bán cho người ngoại quốc.

Tuy nhiên, tất cả những dự định này chưa kịp thực hiện thì ông mất đột ngột sau một cơn đau tim (7/1932) ở tuổi 58. Ngày nay, đánh giá về Bạch Thái Bưởi, người đương thời vẫn luôn khẳng định ông là “một bậc vĩ nhân”, “một đấng trượng phu” trên thương trường.

Có thể nói, Bạch Thái Bưởi không chỉ là tấm gương sáng bởi những tôn chỉ nghiêm túc trên thương trường như thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa, ông còn nổi tiếng bởi tư tưởng tự tôn dân tộc.

Tình Hoàng

Bình luận

Nổi bật

Khai quật mộ cổ 2.200 năm lớn nhất, cao cấp nhất và phức tạp nhất từ thời Chu cổ đại

Khai quật mộ cổ 2.200 năm lớn nhất, cao cấp nhất và phức tạp nhất từ thời Chu cổ đại

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 16:16

Theo Tân Hoa Xã, mộ cổ 2.200 năm tuổi này được phát hiện tại thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy phía Đông Trung Quốc.

Đường sắt Việt Nam vừa khai trương chuyến tàu ‘5 sao’ chặng Sài Gòn - Đà Nẵng: 1 trong 2 đoàn tàu đầu tiên được lắp Wifi miễn phí, có phòng đợi VIP, ghế xoay 180 độ, giá vé chỉ từ 500.000 đồng

Đường sắt Việt Nam vừa khai trương chuyến tàu ‘5 sao’ chặng Sài Gòn - Đà Nẵng: 1 trong 2 đoàn tàu đầu tiên được lắp Wifi miễn phí, có phòng đợi VIP, ghế xoay 180 độ, giá vé chỉ từ 500.000 đồng

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 16:13

Tàu được thiết kế hiện đại, nhiều tiện ích, khai thác từ ngày 27/4 nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu hành khách tăng cao.

Người phụ nữ tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hơn 40 năm sưu tầm hơn 3.000 ảnh Bác Hồ, 65 năm vẫn không quên được lần đầu gặp Bác

Người phụ nữ tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hơn 40 năm sưu tầm hơn 3.000 ảnh Bác Hồ, 65 năm vẫn không quên được lần đầu gặp Bác

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 16:11

Bà Nguyễn Thị Nguyệt là người phụ nữ đã dày công sưu tầm rất nhiều hình ảnh, tư liệu, sách báo về Bác Hồ. Đây cũng là người tham gia xây dựng Lăng Bác và được gặp Bác từ hồi còn nhỏ.