Cơ chế cấp tín dụng góp phần ổn định thị trường tiền tệ

(CL&CS) - Trả lời chất vấn trước Quốc hội về cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đặt ra kiểm soát tăng trưởng tín dụng là một vấn đề và trên thực tế Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp này từ những năm 2011 và thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ ổn định trở lại

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội đã đề nghị Thống đốc làm rõ tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các ngân hàng thương mại có phù hợp với tình hình hiện nay và xu hướng thế giới.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi chất vấn

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi chất vấn

Đặt câu hỏi chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp đang khá cao, nhất là trong bối cảnh nước ta đang triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lại trong tình trạng là hết room tín dụng. Nhiều ngân hàng cả lớn và nhỏ đều đề xuất với Ngân hàng Nhà nước là nới thêm hạn mức tín dụng để góp phần hỗ trợ tăng trưởng.

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các ngân hàng thương mại hiện nay? Cơ chế này có phải can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không? Khả năng nới room tín dụng trong thời gian sắp tới như thế nào?.

Ngay sau câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - điều hành phiên chất vấn, ghi nhận đây là câu hỏi rất hay và cho biết lần đầu tiên Quốc hội chất vấn việc phân bổ về hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. “Từ trước đến nay chưa có nội dung này. Đây là nội dung mà hầu hết các tổ chức tín dụng giờ đang rất quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, việc cấp tín dụng bằng room và hạn mức rồi phân bổ hằng năm như vậy có mang tính hành chính hay không? Đảm bảo được công khai minh bạch như thế nào? Lộ trình bao giờ bỏ được việc này? Quản lý theo rủi ro và theo năng lực của tổ chức tín dụng?. “Đây là vấn đề rất quan trọng, đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ để trả lời thỏa đáng nội dung này”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của ĐBQH

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của ĐBQH


Trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng là một nội dung rất trọng tâm mà NHNN quan tâm trong điều hành. Trên thực tế, NHNN thấy rằng, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa rất lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện nay dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức là 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất, gần như trong số cao nhất các nước ở trên thế giới.

Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng hệ thống ngân hàng thì mỗi khi có các cú sốc như COVID-19, như là biến động của tình hình kinh tế thế giới mà doanh nghiệp và người dân khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh là lập tức sẽ ảnh hưởng luôn đến hệ thống ngân hàng, hệ thống ngân hàng mà mất khả năng chi trả... thì sẽ hệ lụy đến cả nền kinh tế.

Chính vì vậy, đặt ra kiểm soát tăng trưởng tín dụng là một vấn đề và trên thực tế Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp này từ những năm 2011 và thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ tín dụng ổn định trở lại.

“Trước đây khi không thực hiện kiểm soát về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đã dẫn đến tình trạng các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng rất cao, có nhiều năm tăng trưởng tín dụng là trên 30%/năm, cá biệt có những năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên đến 53,8%. Như vậy sẽ tạo ra cuộc đua lãi suất để huy động được nguồn tiền để cho vay...”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ và cho biết thêm: “đây là một giải pháp khá hiệu quả trong thời gian vừa qua và hiện nay đang áp dụng”.

Về cách thức, thường là đầu năm trên cơ sở chỉ tiêu lạm phát cũng như GDP của Quốc hội đề ra, NHNN sẽ đưa ra một chỉ tiêu định hướng cho cả năm và chỉ tiêu này có thể sẽ được điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn, bởi vì chính sách tiền tệ cũng là ngắn hạn và nền kinh tế cũng sẽ chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố trong và ngoài nước và khách quan.

Về phân bổ cho các tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đều có những nguyên tắc chung, trên nền tảng phân loại các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng nào có tình hình lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Chia sẻ với Thống đốc là đối với lĩnh vực tín dụng và đặc biệt ngân hàng chúng ta phải an toàn và tránh những rủi ro, tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An tiếp tục đề nghị Thống đốc nghiên cứu thật kỹ cơ chế này, có nên chăng thực hiện nó trong thời gian tới nữa hay không?. Cũng theo đại biểu, trong bối cảnh đang triển khai gói 2% của gói chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, khi cạn room tín dụng ngân hàng sẽ khó cho vay ra, tức là “có tiền mà lại không cho vay được, các ngân hàng muốn cho vay cũng khó”.

Trước quan điểm trên, một lần nữa Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng đỉnh: “cơ chế cấp hạn mức tín dụng khá hiệu quả trong thời gian qua, chính vì như thế mà đã ngăn chặn được những cuộc đua lãi suất để huy động cho vay tín dụng cao - có những năm tín dụng của nền kinh tế tăng đến 53,8%”.

“Từ góc độ của các tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng nào cũng mong muốn tăng trưởng tín dụng nhiều nhưng Ngân hàng Nhà nước phải đứng ở trên góc độ điều hành kinh tế vĩ mô, nếu đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng thì chính sách tiền tệ sẽ không đạt được mục tiêu là kiểm soát lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Để giảm áp lực kiểm soát tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng kỳ vọng thị trường vốn sẽ phát triển để “chia lửa” với ngành Ngân hàng. Khi thị trường vốn phát triển, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn từ những phân khúc thị trường này và chỉ vay vốn ngắn hạn phục vụ cho vốn lưu động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ hệ thống ngân hàng. Khi đó rõ ràng áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của NHNN sẽ bớt đi.

Theo Thị trường Tài chính Tiền tệ

Bình luận

Nổi bật

Phó thủ tướng: Vàng đang là nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi

Phó thủ tướng: Vàng đang là nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi

sự kiện🞄Thứ ba, 12/11/2024, 12:01

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, có tình trạng vàng miếng tăng 18 triệu/lượng (25% so với giá vàng thế giới), nguyên nhân là giá vàng thế giới cao, tâm lý, cầu tăng cao, bất động sản đóng băng, sản xuất kinh doanh khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rủi ro… vàng trở thành nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời lý do 'ngân hàng chỉ bán vàng, không mua lại'

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời lý do 'ngân hàng chỉ bán vàng, không mua lại'

sự kiện🞄Thứ hai, 11/11/2024, 15:46

(CL&CS) - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, việc kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng khi mua vào rất phức tạp. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới diễn biến rất khó lường, doanh nghiệp phải cân nhắc để phòng ngừa rủi ro.

Ngân hàng NCB hoàn tiền cho hóa đơn thanh toán vào ngày 10 hàng tháng

Ngân hàng NCB hoàn tiền cho hóa đơn thanh toán vào ngày 10 hàng tháng

sự kiện🞄Thứ sáu, 08/11/2024, 16:38

(CL&CS) - Chinh phục người tiêu dùng bởi sự tiện lợi và độ bảo mật cao, hình thức thanh toán hóa đơn không tiền mặt đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Người dân còn được hưởng lợi từ các chương trình chiết khấu, hoàn tiền khi lựa chọn thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại trên ứng dụng ngân hàng số.