Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 25/06/2016, 17:21 PM

Cần xác định loại hình kinh doanh của taxi phi truyền thống

(NTD) - Việc ứng dụng khoa học công nghệ ở các hãng taxi truyền thống ngày càng làm mờ nhạt đi dấu hiệu phân biệt đâu là taxi truyền thống và đâu là taxi ứng dụng công nghệ cao.

Từ đầu năm 2014, Uber theo chân Grab thâm nhập thị trường Việt Nam. Kể từ đó, 2 hãng taxi phi truyền thống này liên tục thực hiện đủ mọi hình thức để mở rộng hoạt động như: Giảm giá dịch vụ, quảng cáo khuyến mãi đối với lái xe, chủ xe và hành khách, thông tin trên các mạng xã hội về loại hình taxi mới giá rẻ và tiện ích… Để thu hút người tiêu dùng sử dụng dịch và chiếm lĩnh thị trường, 2 hãng taxi này chấp nhận lỗ và giá chỉ còn 6.000-7.000 đồng/km.

Việc mở rộng hoạt động của Uber và Grab đến nỗi cơ quan quản lý nhà nước khó lòng kiểm soát chặt chẽ được. Không những hành khách và dư luận xác định Uber, Grab là loại hình taxi mà chính 2 đơn vị này cũng tự xác định loại hình kinh doanh của mình là taxi.

IMG_0549
Nhận diện và đưa taxi phi truyền thống vào quản lý là việc làm cần thiết. Ảnh minh họa

Khi vào Việt Nam, Uber đăng ký hoạt động kinh doanh 2 lĩnh vực gồm: dịch vụ tư vấn quản lý và dịch vụ nghiên cứu thị trường. Còn Grab đăng ký hoạt động kinh doanh 18 lĩnh vực, trong đó có 2 lĩnh vực liên quan đến hoạt động vận tải hành khách bằng ôtô. Đó là vận tải hành khách đường bộ trong nội, ngoại thành trừ vận tải bằng xe buýt và vận tải hành khách đường bộ khác.

Căn cứ vào ngành nghề đăng ký kinh doanh cho thấy Uber không có đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Do đó, Uber chỉ là một nhà mạng hoạt động với tư cách cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý, không được trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, điều hành, kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Còn Grab thì vừa đăng ký với tư cách là một mạng cung cấp dịch vụ vừa đăng ký trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô nên các xe kết nối vào mạng Grab được sử dụng thương hiệu là xe Grab. Tuy nhiên, Grab vẫn chưa xác định cụ thể loại hình kinh doanh nào nhưng được quyền kinh doanh các loại hình sau nếu đủ điều kiện: Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Bởi hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo quy định của pháp luật Việt Nam là hoạt động kinh doanh có điều kiện và được quy định cụ thể tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/12/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT Quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Theo đó, để kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi thì doanh nghiệp vận tải về phương tiện phải đáp ứng hàng loạt các điều kiện như: Có đồng hồ tính tiền, phù hiệu, hộp đèn có chữ “Taxi” trên nóc xe, có thiết bị in hóa đơn, niêm yết trên xe: số điện thoại, logo, bảng giá cước tính tiền, khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”, trang bị bình chữa cháy trên xe…

Tương tự như vậy, để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng hàng loạt các điều kiện như: Có hợp đồng vận tải với hành khách, có phù hiệu “Xe hợp đồng”, lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải, niêm yết: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh, khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”, trang bị bình chữa cháy trên xe…

Như vậy cả Uber và Grab khi vào hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đều không đáp ứng được về các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi hoặc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Những quy định của pháp luật là những điều kiện cơ bản mà Grab và Uber đều thiếu khi tham gia vào hoạt động kinh doanh, đó là chưa kể nhiều điều kiện khác mà các hãng taxi truyền thống đang thực hiện.

Ngày 19/10/2015, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số: 1850/TTg-KTN cho Grab thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo công văn này thì Grab được thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử với hành khách tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa, thời hạn thí điểm là 2 năm. Như vậy kể từ thời điểm này thì Grab tạm thời được xác định là loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Riêng Uber thì vẫn chưa được cho thí điểm vì Uber vẫn chưa được xác định theo loại hình kinh doanh nào.

Có một điều cần được nhấn mạnh thêm đó là: về khoa học pháp lý và luật pháp Việt Nam thì Công văn của Thủ tướng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó việc xác định loại hình kinh doanh của Grab là kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng cũng chỉ là tạm thời, không chính thức.

xe bon
Sự ổn định trong quản lý tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp

Tóm lại, Grab và Uber từ khi vào Việt Nam năm 2014 cho đến nay vẫn chưa được xác định chính thức theo loại hình kinh doanh nào? Việc chậm xác định loại hình kinh doanh của Uber và Grab trong thời gian qua đã tạo ra sự lập lờ trong hoạt động; cả Uber và Grab đều hoạt động trên nền tảng thiếu tính pháp lý, không đảm bảo các điều kiện về kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô.

Điều kiện kinh doanh taxi thì không đáp ứng qui định, còn nghĩa vụ tài chính thì ởm ờ, trách nhiệm với người tiêu dùng thì phó mặc. Ngay như hiện nay, dù địa vị pháp lý chưa rõ ràng, thậm chí còn bị cho là hoạt động bất hợp pháp nhưng Uber tự ý qui định “giờ cao điểm” để tăng giá cước rất tùy tiện khiến không ít khách hàng rất bức xúc! Điều này đối với các hãng taxi trong nước là bị cấm kỵ, nếu vi phạm là bị chế tài tức khắc!

Đến thời điểm này, cơ quan quản lý nhà nước cần xác định và đưa Uber, Grab vào loại hình kinh doanh cụ thể để quản lý vì hiện nay các hãng taxi truyền thống trong nước cũng đã ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động vận tải hành khách bằng taxi. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta dễ dàng nhìn thấy Vinasun, Mai Linh trở thành “Uber A”, “Grab B” nào đó khi chỉ cần dỡ bỏ hộp đèn taxi ở trên nóc xe. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao ở các hãng taxi truyền thống ngày càng làm mờ nhạt đi dấu hiệu phân biệt đâu là taxi truyền thống và đâu là taxi ứng dụng công nghệ cao, và trong tương lai rất gần khoảng cách ứng dụng khoa học công nghệ càng rút ngắn lại và dần dần không còn khoảng cách nữa.

Thiết nghĩ, lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan cần xác định cụ thể loại hình kinh doanh của taxi phi truyền thống trong việc sửa đổi bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP thời gian tới. Điều đó sẽ tạo ra được sự ổn định trong quản lý nhà nước, cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp; kích thích và tạo động lực các hãng taxi truyền thống ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động kinh doanh, quản lý điều hành.

Và hơn hết là người tiêu dùng sẽ có thêm tiện ích và tự hào khi sử dụng dịch vụ taxi từ ứng dụng công nghệ do chính người Việt Nam sáng tạo.

Gia Huỳnh

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.