Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tháng 4 tiếp tục tăng trưởng tốt 46% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 108 triệu USD.
Lũy kế 4 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu đạt gần 368 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo VASEP, sau cú sốc kép của dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia. Điều này đang ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại nhiều thị trường.
Do đó, hiện một số thị trường nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu bất ổn hay sụt giảm nhập khẩu, trong khi một số thị trường vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt nhưng dự kiến sự tăng trưởng này sẽ khó duy trì trong thời gian tới.
Về thị trường, Mỹ tiếp tục đứng đầu khi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng cao trong tháng 4/2022. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 4 tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, đạt 64 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 201 triệu USD. Con số này tăng 112% so với cùng kỳ.
Sự tăng trưởng này tiếp tục giúp Mỹ củng cố vị trí thị trường xuất khẩu cá ngừ số 1 của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm gần 55%. Nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung cá ngừ trong khu vực thấp tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tại thị trường này.
Cùng với Mỹ, nhập khẩu cá ngừ của các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đang “tăng tốc”. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối các nước này tăng 35% trong tháng 4, đạt gần 11,5 triệu USD.
Tính tổng giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt gần 42 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý trong tháng này là sự phục hồi xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản. Sau khi sụt giảm liên tục, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản đã tăng 20% trong tháng 4. Trong khi xuất khẩu sang Mexico lại bất ngờ giảm 31% trong tháng này.
Tại thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã giảm sau khi tăng trưởng liên tục trong 3 tháng đầu năm. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 4 đạt 15 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng nhờ sự tăng trưởng tốt đầu năm nên giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53 triệu USD.
Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang Đức trong tháng 4 giảm mạnh so với cùng kỳ, giảm 48%. Xuất khẩu sang Hà Lan và Tây Ban Nha vẫn tiếp tục tăng trưởng cao lần lượt là 81% và 111%.
Ngoài các thị trường xuất khẩu chính trên, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường tiềm năng khác như: Saudi Arabia, Ai Cập và Philippines vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cũng dự báo, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới. Tuy nhiên, hiện giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”, bên cạnh đó chi phí hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng tăng đã “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp và làm giảm khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các nước đang đưa ra các giải pháp để kiềm chế lạm phát, khôi phục kinh tế, ví dụ như kế hoạch dỡ bỏ thuế quan Mỹ - Trung của Tổng thống Biden…. dự kiến sẽ làm gia tăng cạnh tranh tại các thị trường. Đồng thời điều này sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng tới.