Vụ Bản(Nam Định): Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là giải pháp tạo đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng cho ngành nông nghiệp

(CL&CS)- Huyện Vụ Bản đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, coi đây là giải đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào trồng trọt là giải pháp giúp người nông dân tăng năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, đồng thời giảm chi phí đầu tư, công sức lao động, tăng thu nhập cho người dân. Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh nói chung và huyện Vụ Bản nói riêng đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tư duy sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng của địa phương.

Cụ thể, huyện Vụ Bản đã thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, coi đây là giải pháp then chốt, tạo đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình về giống cây trồng, vật nuôi mới; mô hình liên kết theo chuỗi có hiệu quả kinh tế cao đã tạo niềm tin cho người dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Việc ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa được huyện Vụ Bản chú trọng nhằm góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người nông dân, tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, phương thức sử dụng máy cấy, mạ khay với nhiều ưu điểm như: chi phí đầu tư sản xuất giảm, tiết kiệm sức lao động; sau cấy, cây lúa bén rễ hồi xanh nhanh hơn, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết tốt hơn, đang được nhiều hộ nông dân đưa vào sản xuất thay thế cho gieo cấy truyền thống; năng suất cấy bằng máy cao hơn gieo sạ từ 10-15%. Tại xã Vĩnh Hào, trong vụ lúa mùa 2024, diện tích cấy bằng máy tăng lên 55ha (chiếm gần 15% tổng diện tích gieo cấy của xã) đã góp phần đảm bảo gieo cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất, hạn chế tình trạng ngập úng trong đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 14 đến 18/7/2024 và chuyển sang giai đoạn chăm sóc lúa.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là giải pháp tạo đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng cho ngành nông nghiệp

Theo UBND xã Vĩnh Hào, trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất đã có, thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân ứng dụng máy cấy, mạ khay cùng một loại giống, cùng trà, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc, thu hoạch, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, hạn chế diện tích ruộng bỏ hoang. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất lúa, bước đầu khẳng định hiệu quả đang từng bước được nhân rộng như: mô hình sản xuất lúa sử dụng chế phẩm sinh học ET tại xã Thành Lợi cho năng suất cao hơn 20% phương pháp chăm bón truyền thống; mô hình trình diễn giống lúa Đài thơm 8 cho năng suất cao hơn 10% so với đối chứng là Bắc thơm 7; mô hình quản lý dịch hại tổng hợp I.P.M tại các xã Tam Thanh, Trung Thành; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái… đang được nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn huyện.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, người dân trong huyện cũng thay đổi tư duy, mạnh dạn phát triển trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhiều giống vật nuôi chất lượng cao được các trang trại, gia trại đưa vào sử dụng như: các giống lợn ngoại Landrace, Yorkshire, Pietrain, Duroc, PiDu, Pi75; giống gà Lương Phượng, Ai Cập; đàn bò được cải tạo cơ bản theo hướng Sind hóa... Tiêu biểu là mô hình nuôi gà “siêu đẻ trứng” D310 Dabaco của anh Nguyễn Hữu Mạnh, xóm 7, xã Tân Thành. Anh Mạnh cho biết, sở dĩ được gọi là giống gà siêu đẻ trứng bởi đây là giống gà có năng suất đẻ trứng số 1 tại Việt Nam, số lượng khoảng 300 quả trứng/năm/con. Mặc dù gà đẻ số lượng nhiều song chất lượng trứng không hề thua kém trứng gà ta, tỷ lệ lòng đỏ trứng nhiều, dinh dưỡng cao. Với 3 khu chuồng tổng diện tích 400m2 quy mô khép kín nuôi 2.300 con gà, mỗi ngày gia đình anh Mạnh thu bình quân 1.700 quả trứng và xuất bán trong ngày cho các tiểu thương trong tỉnh, trừ chi phí lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày. Sau khi hoàn thiện, chuẩn hóa về quy cách từ mẫu mã, bao bì, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm “Trứng gà tươi Mạnh Tuyết” của gia đình anh đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023 và được giới thiệu bán hàng online (trực tuyến) trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội facebook, zalo.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi tại Vụ Bản, Nam Định

Ngoài gia trại của anh Mạnh, một số cơ sở chăn nuôi cũng ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng liên kết chuỗi như: Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Long Phú, xã Hợp Hưng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thỏ với quy mô trên 10 nghìn con thỏ thương phẩm/lứa; HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ mỗi năm 150 tấn thịt lợn, thịt gà sạch… Các đối tượng nuôi thủy sản được chuyển dần từ các giống cá truyền thống sang giống thủy đặc sản có năng suất, chất lượng cao, thị trường ổn định, tạo thành vùng nuôi tập trung như nuôi cá chép cảnh, cá Koi, cá trắm đen ở Tân Khánh; nuôi ốc nhồi lấy trứng ở Trung Thành; nuôi ba ba giống, ba ba thương phẩm ở Hợp Hưng... Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả và phát triền bền vững nghề nuôi thủy sản của huyện.

Để đạt được kết quả trên, UBND huyện Vụ Bản đã chỉ đạo các ngành liên quan và các xã, thị trấn tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng cây lương thực, thực phẩm. Đồng thời thực hiện nhiều mô hình khảo nghiệm, trình diễn các giống cây trồng, vật nuôi mới, mô hình tiên tiến. Tăng cường tuyên truyền, vận động, góp phần thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất của nông dân. Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt, huyện Vụ Bản đã hoàn thành đạt và vượt một số chỉ tiêu Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới đã đề ra. 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng tổng giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện đạt 2,59%; năng suất lúa xuân đạt 61,68 tạ/ha; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt hơn 5,1 nghìn tấn, trứng gia cầm đạt trên 24,2 nghìn quả; sản lượng thủy sản đạt gần 2,3 nghìn tấn. Hiện toàn huyện có 100% xã, thị trấn đạt nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

TIN LIÊN QUAN