Thị trường sẽ khởi sắc từ giữa năm 2025
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, từ quý 1 đến hết quý 3/2024 xuất hiện “điểm đảo chiều” của thị trường bất động sản Việt Nam, khi những dấu hiệu tiêu cực đã dần hạn chế, mức độ quan tâm đến các loại hình nhà đất ngừng đà giảm sâu.
Nổi bật nhất là chung cư với nhu cầu tìm kiếm tăng mạnh vào đầu năm, đặc biệt ở Hà Nội. Sau đó, quý cuối năm 2024, thị trường từng bước thăm dò, thanh khoản sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các sản phẩm phục vụ ở thực. Giai đoạn củng cố dự kiến rơi vào quý 1/2025 khi yếu tố tiền tệ thuận lợi hơn, các loại hình chi phí cao như nhà riêng, nhà phố dần có lợi thế.
Vị chuyên gia dự báo thị trường sẽ khởi sắc từ quý 2/2025 với tâm lý của nhà đầu tư tự tin vào kinh tế và mức lợi suất, lúc này, sản phẩm đất nền, biệt thự sẽ được quan tâm. Từ đầu năm 2026 là giai đoạn ổn định của ngành bất động sản và ghi nhận sự trở lại hoặc xuất hiện của nhiều loại hình đa dạng.
“Ở thời điểm hiện tại, chung cư dù đã hạ nhiệt về nhu cầu tìm kiếm nhưng vẫn là loại hình được chú ý và có thanh khoản lớn nhất. Các sản phẩm chung cư đã tạo động lực phục hồi về mức độ quan tâm bất động sản nói chung cho Hà Nội và TP.HCM”, ông Quốc Anh cho hay.
Cũng tại một hội nghị diễn ra trước đó, ông Bạch Dương, Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết dù ngành bất động sản đang khó khăn nhưng tiềm năng của thị trường là rất lớn vì nhu cầu sở hữu và ở thực của người dân luôn hiện hữu.
Ông Bạch Dương cũng chia sẻ, qua khảo sát mới nhất của Batdongsan.com.vn về tâm lý và xu hướng người tiêu dùng bất động sản, kết quả cho thấy có tới 65% người được hỏi đã chia sẻ, họ dự định mua bất động sản trong vòng 1 năm tới.
Theo đó, số người dự dịnh mua bất động sản để đầu tư lên tới 59%; cần thêm không gian cho gia đình/bản thân chiếm 48%; và mua để sống gần tiện ích như trường học, cơ quan chiếm 20%.
Cũng theo Chỉ số và Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản của đơn vị trên, 3 yếu tố người mua quan tâm nhất khi lựa chọn chủ đầu tư bất động sản là: sự ổn định tài chính (63%); danh tiếng (51%); đánh giá về các dự án trước đây của chủ đầu tư (47%). Mặt khác, nhu cầu mua dự án bất động sản sơ cấp đang áp đảo so với thứ cấp. Cụ thể, 64% đáp viên muốn mua nhà ở dự án mới; chỉ 33% muốn mua các sản phẩm bất động sản thứ cấp.
Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tình hình thị trường bất động sản TP.HCM trong giai đoạn 2017 - 2023 và quý I/2024 thì bốn năm 2020 - 2023 là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản do tác động của đại dịch Covid-19 và các xung đột lợi ích giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị ở một số khu vực làm tăng nguy cơ lạm phát, giảm tổng cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đến quý I/2024 thị trường bất động sản TP.HCM đã "khởi sắc" hơn nhưng đang đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung khi chỉ có một dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, với diện tích 3.647,4m2 và chỉ có một dự án nhà ở thương mại (cũ) đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô 219 căn hộ, không có dự án nhà ở thương mại nào đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong quý 1/2024 cũng không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng, chỉ có một dự án nhà ở xã hội (dự án cũ) đã hoàn thành với 242 căn hộ.
Do vậy, từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ còn tiếp tục mất cân đối cung - cầu nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở, dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc neo giá cao, nhất là vẫn lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội.
Hai kịch bản cho thị trường
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch của HoREA sẽ có hai kịch bản có thể xảy ra, tác động đến thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2024.
Thứ nhất là nếu được tiếp sức bằng việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024; đồng thời thông qua hai dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội. Tiếp đó, Chính phủ, các bộ, ngành nhanh chóng ban hành các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật liên quan.
Khi hệ thống pháp luật trên bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, sát với thực tiễn sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của 148 dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân, nhà đầu tư... Cần biết, vướng mắc pháp lý đang chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.
Thứ hai là nếu Quốc hội không cho phép áp dụng sớm ba luật trên từ 1/7/2024 thì sẽ khiến tiến trình phục hồi của thị trường chậm thêm khoảng 6 tháng.
Ngoài ra, nếu Quốc hội không thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở thì kể từ ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục không được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Như vậy, sẽ có khoảng 15% trong tổng số các dự án nhà ở thương mại tiếp tục gặp vướng mắc pháp lý. Nguy cơ tình trạng thị trường tiếp tục thiếu hụt nguồn cung dự án, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại.
"Như vậy, tình trạng lệch pha sản phẩm nhà ở, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền vẫn tiếp diễn. Từ đó dẫn tới việc giá nhà khó mà kéo giảm, tác động bất lợi đến mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững", ông Châu dự báo.