Tín dụng vẫn đang chảy vào bất động sản
Nguồn tin từ báo Dân Việt cho hay, thống kê báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Tổng dư nợ cho vay từ 10 ngân hàng được thống kê đạt hơn 196.000 tỷ đồng, con số này không biến động so với đầu năm.
Cụ thể, nhiều ngân hàng có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản ghi nhận mức tăng mạnh như PG Bank tăng 20,3%; MB tăng 46,7%; Saigonbank (SGB) tăng lên 56,5%. Những lại có đến 6 trên 10 ngân hàng được thống kê có dư nợ cho vay bất động sản chỉ biến động nhẹ hoặc có dấu hiệu giảm sau nửa đầu năm 2022.
Mặc dù vậy, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính tới tháng 6 vừa qua, tín dụng bất động sản tăng lên 14,7% là mức tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nước (khoảng 9,35%). Có thể thấy, vốn tín dụng vẫn đang chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản.
Theo dữ liệu của FiinGroup, đáng chú ý, có 58 doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang duy trì mức tăng trưởng dư nợ vay ở mức 25,1%, trong đó gồm tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022. Chuyên gia của FiinGroup nhìn nhận, điều này cho thấy mặc dù kênh trái phiếu đang trong tình trạng “đóng băng”, nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận được dòng vốn vay từ các ngân hàng.
Vẫn có nhiều doanh nghiệp được cứu
Mặc dù thị trường trái phiếu vẫn chưa quay về quỹ đạo khi lượng phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản ngày một hạn chế. Cụ thể, tháng 7, chỉ ghi nhận 1 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu và cho đến nay đã gần hết tháng 8 cũng chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản huy động trái phiếu. Còn tín dụng ngân hàng tuy bị siết nhưng vẫn ghi nhận đang trên đà tăng trưởng mạnh. Điều này phần nào giúp thị trường giảm bớt cơn khát vốn.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một nhóm doanh nghiệp bất động sản trên thị trường vẫn có thể tiếp cận dễ dàng tín dụng ngân hàng. Trong đó, có cả một số “ông lớn”, nhất là những doanh nghiệp “sân sau” của các ông chủ nhà băng. TS. Lê Xuân Nghĩa – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trước đó đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này.
Ông cho hay: “Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước không hề siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, dư nợ cho vay bất động sản vẫn tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, việc siết tín dụng vào bất động sản là rất khó vì các ngân hàng thường cho vay “sân sau”. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại và nên được cảnh báo khi mức độ cho vay các công ty này hiện ở mức cao kỷ lục”.
Hơn nữa, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sự phân hóa này tới cuối năm nay sẽ còn thể hiện mạnh mẽ hơn khi dụng bất động sản sẽ khó khăn hơn vì Ngân hàng Nhà nước không nới thêm room tín dụng. Hơn nữa, đã có 270.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được đáo hạn trong giai đoạn từ nay tới năm 2024.
Cùng chung quan điểm với TS. Lê Xuân Nghĩa, TS. Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nhận định, Việt Nam có rất nhiều tập đoàn tài chính và hầu như đều có doanh nghiệp phía sau hỗ trợ. Việc giám sát hoạt động của những tập đoàn tài chính này cần phải nhanh chóng thực hiện nhằm hạn chế lũng đoạn. “Việt Nam sẽ phải giải quyết các vấn đề của các tập đoàn tài chính như kiểu của các "chaebol tại Hàn Quốc - tập đoàn tài phiệt Hàn Quốc"” - Ông Hòe nhìn nhận.