Thị trường bất động sản 2025: Cơ chế mở lối phục hồi, niềm tin nhà đầu tư cũng được cải thiện?

Sau giai đoạn trầm lắng kéo dài từ giữa năm 2022 đến hết năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào chu kỳ hồi phục tương đối rõ ràng trong năm 2025. Song song với đó, niềm tin của nhà đầu tư – vốn từng sụt giảm nghiêm trọng – cũng đang dần được cải thiện. Thị trường năm 2025, vì thế, không chỉ là một giai đoạn phục hồi kỹ thuật, mà đang định hình lại cấu trúc phát triển cho giai đoạn trung và dài hạn.

Lực đẩy mạnh mẽ từ cơ chế, chính sách

Ở một chia sẻ mới đây, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhấn mạnh, thị trường bất động sản Việt Nam đang đi qua nửa đầu năm 2025 với bức tranh tích cực hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung, thanh khoản, tỷ lệ giao dịch và đặc biệt là niềm tin của nhà đầu tư đều được cải thiện đáng kể.

Theo ghi nhận, loạt chính sách mới từ trung ương đến địa phương đã đóng vai trò quan trọng, tạo “làn gió mới” cho thị trường. Nổi bật là Nghị định 75/2025, hướng dẫn Nghị quyết 171/2024 của Quốc hội, cho phép nhà đầu tư thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để phát triển dự án nhà ở thương mại, tháo gỡ nút thắt lớn của hàng trăm dự án bị đình trệ vì thiếu “đất ở”.

Cùng với đó, Nghị định 76/2025 cũng được ban hành nhằm xử lý vướng mắc pháp lý liên quan đến đất đai, thanh tra, kiểm tra và các bản án tại TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Việc xử lý theo nhóm dự án và xác lập nghĩa vụ tài chính rõ ràng giúp hàng loạt dự án "mắc kẹt" nhiều năm được gỡ khó, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.

Ngoài ra, một Nghị quyết thí điểm phát triển nhà ở xã hội đang được Bộ Xây dựng trình Quốc hội, với loạt đề xuất đột phá như: Thành lập Quỹ nhà ở xã hội quốc gia, giao dự án không qua đấu thầu, tăng biên lợi nhuận cho nhà đầu tư... được kỳ vọng sẽ mở lối cho phân khúc nhà ở thực sự cất cánh.

Các chủ đầu tư có xu hướng tái cấu trúc danh mục, tập trung vào sản phẩm thiết thực và pháp lý minh bạch. Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) dẫn dắt thị trường, đặc biệt từ các quỹ đầu tư châu Á tranh thủ thâu tóm dự án có pháp lý sẵn, giá tốt.

Cùng với đó, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cũng tạo ra sự rõ ràng và minh bạch trong việc thực hiện thủ tục dự án bất động sản giúp thị trường phát triển lành mạnh, giảm thiểu sự chồng chéo trong thực thi.

Vấn đề về pháp lý đối với các dự án bất động sản đang dần được hỗ trợ về chính sách để giảm thiểu thời gian xử lý. Vì vậy, việc ban hành các thông tư, nghị định hướng dẫn thực thi trong thời gian tới cũng được kỳ vọng tạo thêm nhiều nguồn cung đối với thị trường. Sự cân bằng cung cầu sẽ điều tiết thị trường và đáp ứng dần nhu cầu nhà ở của người dân.

Nhà đầu tư lấy lại niềm tin?

Theo Báo cáo Impact 2025 do Savills công bố mới đây, "chu kỳ tăng trưởng ổn định" - yếu tố từng giúp bất động sản trở thành kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn - đang có dấu hiệu chững lại trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, bức tranh thị trường vẫn ghi nhận những tín hiệu khả quan khi tâm lý nhà đầu tư có sự cải thiện rõ rệt, nhất là khi hàng loạt quy hoạch trọng điểm được phê duyệt, thông qua, tạo điều kiện để nhiều dự án từng "nằm chờ" có thể chính thức bước ra thị trường.

Các chuyên gia Savills nhận định, sau hàng loạt biến động trên phạm vi toàn cầu cùng những chuyển dịch sâu sắc trong bối cảnh kinh tế - xã hội, thị trường bất động sản thế giới đang dần bước vào một chu kỳ phát triển mới, đòi hỏi nhà đầu tư phải nhanh chóng thích ứng, chủ động tái định vị chiến lược và sẵn sàng điều chỉnh cách tiếp cận nhằm bắt kịp xu hướng mới.

Tại Việt Nam, sau giai đoạn thanh lọc kéo dài, thị trường bất động sản đang dần khởi sắc trở lại nhờ hàng loạt tín hiệu tích cực từ cải cách hành chính, thúc đẩy đầu tư công và đẩy mạnh phát triển hạ tầng trọng điểm.

Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, tâm lý nhà đầu tư tại Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện rõ rệt khi hàng loạt quy hoạch được phê duyệt, mở đường cho các dự án có thể chính thức triển khai ra thị trường. Đặc biệt, việc tiếp cận đất đai sẽ thuận lợi hơn nhờ cơ chế đấu giá minh bạch cùng quy trình giải phóng mặt bằng được đơn giản hóa sẽ là động lực quan trọng giúp dòng vốn đầu tư bất động sản tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, theo vị chuyên gia, thị trường vùng ven sẽ là điểm đến mới hấp dẫn, đặc biệt khi hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện, giúp rút ngắn thời gian kết nối đến trung tâm. Những khu vực có thể cung cấp nhà ở với mức giá phù hợp sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng dịch chuyển này.

Ngược lại, tại các khu vực trung tâm, các mô hình sản phẩm cao cấp như căn hộ có thương hiệu (branded residences) đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới thượng lưu trong và ngoài nước, đây cũng là xu hướng đã được ghi nhận tại các thành phố quốc tế như Bangkok hay Dubai. Tại Việt Nam, Hà Nội và TP.HCM đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế quốc tế, được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến mới của phân khúc này.