Tận dụng ưu đãi từ các FTA để đạt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD

(CL&CS) - Với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) từ song phương đến đa phương như hiện nay nếu biết tận dụng triệt để thì mục tiêu xuất khẩu cả nước năm 2020 sẽ khả quan.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Có 30 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019 có 26 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hơn 1 tỷ USD); trong đó, 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD là các ngành hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo gồm: Điện thoại, máy vi tính, dệt may, giày dép và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác. Đáng chú ý, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, vượt các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, xuất siêu đạt kỷ lục gần 17 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2019 đạt hơn 7 tỷ USD. 

Tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các ngành chủ lực để hưởng lợi thế từ các FTA.

Hoạt động xuất khẩu trong tháng 8 và tháng 9/2020 đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan, trong đó phải kể đến kim ngạch xuất khẩu sang EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Dù dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng sau hơn 2 tháng thực thi EVFTA, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 20.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa với kim ngạch hơn 900 triệu USD đi 27 nước EU. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Cụ thể, giày dép có giá trị được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sau 2 tháng (tháng 8 và 9) đạt gần 391 triệu USD; thủy sản đạt hơn 183 triệu USD… 

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bối cảnh hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia trên thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm do dịch Covid-19 chính là cơ hội để hàng hóa Việt Nam vươn ra chiếm lĩnh thị trường với sức cạnh tranh cao do thực thi các điều khoản ưu đãi về thuế. 

Hiện nay để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa để củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý, đặc biệt bảo đảm quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có tầm nhìn lâu dài và xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. 

Nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm 2020, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, Bộ sẽ rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết FTA với Việt Nam. Cùng với đó, Bộ cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu và tiếp cận thị trường, kết nối bạn hàng thông qua hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến.

TIN LIÊN QUAN