Sau hơn nửa năm “cởi trói” cấp sổ hồng, thị trường condotel giờ ra sao?

Kể từ khi Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 20/5/2023 (liên quan đến việc cấp quyền sở hữu (sổ hồng) cho condotel) đến nay đã được hơn nửa năm nhưng vấn đề pháp lý đối với loại hình bất động sản này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Vẫn “rối như tơ vò”?

Trong nhiều năm trở lại đây, du lịch đang ngày càng trở thành một trong những ngành nghề quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam. Chính vì thế mà các sản phẩm của bất động sản liên quan đến du lịch được xây dựng và phát triển khá nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, một loại hình bất động sản mới được hình thành đang chiếm lĩnh thị trường trong ngành du lịch của Việt Nam đó là bất động sản căn hộ du lịch (condotel).

Khái niệm bất động sản căn hộ du lịch “là sự kết hợp giữa căn hộ chung cư và khách sạn. Không giống như khách sạn, mỗi căn hộ trong condotel được bán riêng lẻ như những căn hộ chung cư. Tuy nhiên, các căn hộ condotel được hưởng những cơ sở vật chất và dịch vụ như một phòng khách sạn…”.

Mặc dù kể từ khi ra đời, condotel luôn được quan tâm và phát triển một cách nhanh chóng, đồng thời đây cũng là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản căn hộ du lịch còn chưa được cụ thể, hệ thống quy phạm pháp luật chưa rõ ràng. Đặc biệt là xoay quanh vấn đề quyền sở hữu (sổ hồng). Do đó, thường gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các chủ thể trong xã hội.

Nhận thấy những vấn đề, bất cập trên của loại hình condotel nên ngày 3/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều đối với các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nghị định này được ban hành đã tháo gỡ được tình trạng đang diễn ra, “cởi bỏ” áp lực cũng như sự lo lắng cho các nhà đầu tư khi thực hiện kinh doanh bất động sản căn hộ du lịch này. Điều này sẽ tạo ra cứ hích lớn khôi phục và thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá, việc ban hành Nghị định số 10/2023 này chỉ là biện pháp tháo gỡ mang tính giải pháp nhất thời. Cần thiết phải đưa những quy định về condotel thể chế hoá trong các quy định pháp luật, đặc biệt là trong Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) tới đây. Việc quy định như vậy sẽ tạo ra sự đồng bộ, thống nhất và đầy đủ nhất cho một hành lang pháp lý về căn hộ du lịch.

Tính đến thời điểm cuối năm 2023, tức khoảng 6 tháng kể từ ngày Nghị định số 10/2023/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, riêng tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng 10.000 căn hộ officetel, condotel chưa được cấp quyền sở hữu (sổ hồng).

Nhiều chuyên gia cũng nhận thấy rằng, việc hoàn thiện các quy định chung về hoạt động đầu tư kinh doanh condotel được đánh giá là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Những quy định pháp luật này có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc gia vì có liên quan đến condotel. Chính vì thế, cần nhanh chóng có những nghiên cứu chuyên sâu nhằm đưa ra những quy định phù hợp với thực tiễn.

Pháp lý là vấn đề cần được ưu tiên “tháo gỡ” đối với condotel

Có thể thấy, nút thắt lớn nhất của condotel đang nằm ở khung pháp lý cho loại hình này. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho condotel cần phải được nghiên cứu và đề ra những giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế nhất.

Trước thực trạng đó, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có công văn số 10829/BTNMT - ĐKDLTTĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Bộ TNMT cho biết, theo phản ánh của một số địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay còn nhiều căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, thương mại dịch vụ (officetel)… chưa được cấp giấy chứng nhận. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản.

Do đó, Bộ TNMT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp, thống kê đầy đủ số lượng các công trình như: căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, thương mại dịch vụ... chưa được cấp giấy chứng nhận.

Pháp lý là vấn đề cấp bách đối với sự phục hồi và phát triển của loại hình condotel trong thời gian tới (Ảnh minh họa).

Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho các loại hình căn hộ nói trên theo đúng quy định tại điều 104 của Luật Đất đai, điều 32, 72 Nghị định số 43/2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 01/2017, Nghị định 148/2020, Nghị định số 10/2023).

Tổng hợp, phân loại dự án chưa thực hiện đầy đủ, thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản và pháp luật về đất đai. Trong đó, làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan ở địa phương để chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu chưa rõ hoặc vượt thẩm quyền thì báo cáo các Bộ, ngành có liên quan để xem xét, giải quyết.

Tổng hợp, phân loại dự án có vướng mắc trong tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, về xây dựng, về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đất đai. Trong đó nêu rõ lý do vướng mắc, trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của từng Bộ, ngành và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cũng cần phải lưu ý rằng, sự phục hồi của phân khúc nghỉ dưỡng không thể dựa hoàn toàn vào Nghị định số 10, tuy nhiên những tác động tích cực của việc được cấp sổ hồng có thể giúp tâm lý phòng thủ của khách hàng được tháo gỡ, giúp thanh khoản thị trường tốt hơn. Việc được “cởi trói” về pháp lý, trong đó có cấp sổ hồng cho các loại hình như condotel, officetel, sẽ là động lực để các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện dự án, bán hàng, từ đó ổn định dòng tiền.

TIN LIÊN QUAN