Những điểm mới trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

(CL&CS)- Nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực SHCN, bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lớn trong thực tiễn, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về SHCN nói riêng và SHTT nói chung.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện lấy ý kiến và Trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.

Mục tiêu nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực SHCN, bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lớn trong thực tiễn, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về SHCN nói riêng và SHTT nói chung.

Bổ sung nhiều quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN

Theo Dự thảo, bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật SHTT. Đồng thời, bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản trong trường hợp đã sử dụng nhãn hiệu được chuyển quyền trên bao bì hàng hóa để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật SHTT và bảo đảm không bỏ lọt hành vi vi phạm, khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Những điểm mới trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Dự thảo Nghị định bổ sung một số quy định xử phạt để phù hợp với quy định của Luật SHTT như: Đối với hành vi không thông báo các khoản mức phí, lệ phí liên quan đến thủ tục xác lập và bảo vệ quyền SHCN cho khách hàng; Hành vi lừa dối hoặc ép buộc khách hàng trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đại diện SHCN; Hành vi không thông tin hoặc thông tin không trung thực, đầy đủ các thông báo, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Quy định về kinh doanh, hành nghề dịch vụ đại diện SHCN để bảo đảm quy định xử phạt hành vi vi phạm đối với cả tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm (hành vi kinh doanh và hành vi hành nghề); Hành vi vi phạm về niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra; Hành vi sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí không trả tiền đền bù; Hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp không trả tiền đền bù...

Bãi bỏ quy định xử phạt đối với hành vi cố ý cản trở việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền SHCN gây thiệt hại cho người có quyền và lợi ích liên quan, do Luật SHTT không quy định xử lý đối với hành vi nêu trên và để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng.

Sửa đổi, nâng mức phạt xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh; sửa đổi, bổ sung quy định để phù hợp với nội dung quy định tại khoản 50 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2022 quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với tên miền.

Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả

Theo Ban soạn thảo, một số quy định về hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP còn dẫn đến cách hiểu khác nhau. Do đó, Dự thảo Nghị định mới quy định chi tiết hơn về biện pháp đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc quy định tại Luật Xử lý VPHC và Luật Ban hành VBQPPL.

Sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại, biện pháp buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất để bảo đảm nguyên tắc dễ thực hiện, rõ ràng, dễ hiểu quy định tại Luật Ban hành VBQPPL.

Bổ sung biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu thay thế biện pháp buộc thu hồi tang vật, phương tiện vi phạm để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng.

Bổ sung quy định về các điều kiện cụ thể áp dụng biện pháp “Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại” để bảo đảm nguyên tắc rõ ràng, cụ thể và sự thống nhất với quy định tại Luật SHTT và Nghị định số 65/2023/NĐ-CP. 

Bãi bỏ quy định về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính công khai. Do biện pháp này không được quy định tại Luật Xử lý VPHC và Luật SHTT cũng không quy định áp dụng biện pháp này trong xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN bằng biện pháp hành chính.

Sửa đổi, bổ sung quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả để bảo đảm biện pháp khắc phục đúng hậu quả mà các hành vi vi phạm gây ra, qua đó khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. 

Sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm bị áp dụng các biện pháp tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN đối với cá nhân hoặc đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN để bảo đảm phù hợp tính chất, mức độ, hậu quả có thể gây ra của hành vi vi phạm bị áp dụng.

Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về biện pháp khắc phục hậu quả, để bảo đảm thống nhất thứ tự ưu tiên áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả với quy định của pháp luật về SHTT và quy định rõ ràng về hành vi bị áp dụng biện pháp buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng; Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định yêu cầu quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp là Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức để phù hợp với quy định của Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý VPHC.

TIN LIÊN QUAN