Ngày 7/4/2021, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” tại khách sạn Fortuna Hà Nội.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận định an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề mang tính toàn cầu. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có 420 ngàn người tử vong do ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
Tháng 12/2018, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua việc lấy ngày 6/7 hàng năm là “Ngày An toàn thực phẩm thế giới”. Chủ đề Ngày An toàn thực phẩm thế giới năm 2019 là “An toàn thực phẩm là trách nhiệm của mỗi người”. Ngày An toàn thực phẩm thế giới được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam là ngày 7/6/2019.
Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (CI) từng đưa ra chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Thế giới là “Dinh dưỡng lành mạnh”. Theo CI, chế độ ăn uống không lành mạnh liên quan đến 4 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới; đã đến lúc thế giới phải nhận ra cái giá phải trả cho chế độ ăn, uống không lành mạnh. Tất cả mọi người tiêu dùng có quyền có thực phẩm không chỉ để ăn, mà thực phẩm phải an toàn.
Tại Việt Nam, ATTP cũng được đặc biệt quan tâm. Nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1999; Pháp lệnh VSATP năm 2003; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007; Luật An toàn thực phẩm năm 2010 vv... Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định; các Bộ đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn. Công tác thực thi cũng đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, ATTP vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với người tiêu dùng. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, kể cả ngộ độc tập thể vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tính mạng con người. Người tiêu dùng đang phải đối mặt với thách thức và gia tăng lo lắng về sức khỏe của mình cũng như những người thân trong gia đình trước mối nguy do thực phẩm không an toàn gây ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống hàng ngày.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thực phẩm không an toàn gây ra? ATTP là trách nhiệm của nhà nước; của nhà sản xuất, kinh doanh và của người tiêu dùng. Chu trình “từ trang trại đến bàn ăn”, ATTP phụ thuộc vào sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản, sử dụng.
Ngay từ khâu sản xuất, tình trạng sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, chất tạo nạc, thuốc kháng sinh ngoài danh mục trong chăn nuôi; việc sử dụng các chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, phẩm mầu không được phép sử dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm…là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất ATTP. Đó là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, người tiêu dùng, là người mua và sử dụng thực phẩm, là người đóng vai trò quyết định cho chính sức khỏe của bản thân và gia đình lại hạn chế về nhận thức và kỹ năng về ATTP. Chính vì vậy, đã từng xảy ra nhiều vụ tử vong chỉ vì thiếu những kiến thức phổ thông, vô tình ăn phải nấm độc, cá nóc…
Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng nhận biết. Vì vậy, việc tư vấn, nâng cao kiến thức, trước hết là những kiến thức phổ thông cho người tiêu dùng về ATTP, để giúp họ có khả năng lựa chọn, chế biến, bảo quản, sử dụng sao cho có lợi nhất cho sức khỏe là điều cần thiết.
Thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ), trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ người tiêu dùng tại ASEAN” (PROTECT), do GIZ tài trợ, phối hợp xây dựng, xuất bản cuốn Cẩm nang về ATTP dành cho người tiêu dùng và 4 cuốn Sổ tay hướng dẫn ATTP cho người tiêu dùng. Mục đích là phát hành rộng rãi tới NTD trên toàn quốc. Đối tượng hướng tới là số đông người tiêu dùng cần những kiến thức cần thiết, những thông tin cơ bản về ATTP, nên tài liệu không mang tính chuyên môn, học thuật, mà diễn đạt bằng ngôn ngữ phổ thông, dễ tiếp cận.