Nâng cao năng suất chất lượng - Công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam

(CL&CS) - Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với ngành dệt may có ý nghĩa quan trọng giúp ngành dệt may nâng cao năng suất, hướng đến xuất khẩu bền vững, trong đó, doanh nghiệp là chủ thể quan trọng nhất.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, số liệu của Sở Công Thương vừa công bố còn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may qua cảng tại TPHCM trong 4 tháng đầu năm 2024 đã đạt 1,2 tỷ USD, tăng trưởng 40,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Dù có nhiều tín hiệu khởi sắc, song trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu vào thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, việc nâng cao năng suất, chất lượng được coi là một trong những yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp dệt may Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, chiếm ưu thế trong việc nhận đơn hàng từ các thương hiệu lớn. Muốn đạt được điều này, ngành dệt may cần tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn đặc thù về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. 

Tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam về dệt và may mặc có khoảng 313 tiêu chuẩn; trong đó, nổi bật là các tiêu chuẩn về xác định các chất độc hại tồn dư trong sản phẩm dệt - may: TCVN 12512-1:2018; TCVN 12512-3:2018; TCVN 7421-1:2013; TCVN 7421-2:2013. Các tiêu chuẩn được xây dựng chủ yếu chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế (ISO), tiêu chuẩn châu Âu (EN). Do đó, mức độ hài hòa với quốc tế là rất cao, phản ánh sự tương thích với thông lệ quốc tế và xu hướng chung, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về chất lượng của sản phẩm dệt - may Việt Nam, tạo thuận lợi cho xuất khẩu sang các nước.

Công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và thời trang hóa ngành dệt may.

Bên cạnh đó, còn có nhiều tiêu chuẩn tự xây dựng dựa trên trình độ khoa học và công nghệ, nhu cầu và đặc trưng của Việt Nam. Các tiêu chuẩn này chủ yếu được xây dựng từ những năm 1980, 1990 của Thế kỷ XX. Sau khi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực năm 2007, một số tiêu chuẩn này đã được rà soát, chuyển đổi hoặc giữ nguyên hiệu lực áp dụng.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp nhận định, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, ngành dệt may Việt Nam đã ứng dụng nhiều quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, từ đó tăng năng lực cạnh tranh. Bên cạnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, để khai thác thị trường châu Âu, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đáp ứng Quy định đăng ký, đánh giá, chứng nhận và hạn chế các chất hóa học (REACH) của Liên  minh châu Âu (EU); áp dụng phổ biến bộ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14000, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải QCVN 13:2008/BTNMT. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp may Việt Nam còn sử dụng Chỉ số Higg của Hiệp hội May mặc bền vững như là công cụ tự đánh giá tác động môi trường và xã hội.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đặc biệt chú ý tới việc áp dụng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội để đảm bảo hội nhập bền vững với các thị trường lớn trên thế giới như: SA8000 -Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội; Bộ tiêu chuẩn WRAP về chứng nhận tuân thủ trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực may mặc và xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; Bộ tiêu chuẩn BSCI đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh của doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường EU.

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã ứng dụng hiệu quả các mô hình, kỹ thuật tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: Mô hình sản xuất tinh gọn Lean, công cụ như cân bằng chuyền, bảo trì năng suất tổng thể (TPM), hệ thống cảnh bảo trực quan Andon, cải tiến liên tục (kaizen), tiêu chuẩn hóa thao tác (SW)…

Tiến sỹ Hoàng Xuân Hiệp khẳng định, công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và thời trang hóa ngành dệt may. Bên cạnh đó, cần xanh hóa dệt may để tiếp cận với thị trường thế giới trong bối cảnh các nước châu Âu đã có quy định rất rõ ràng về tỷ lệ tái chế sản phẩm…

Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với ngành dệt may có ý nghĩa quan trọng giúp ngành dệt may nâng cao năng suất, hướng đến xuất khẩu bền vững, trong đó, doanh nghiệp là chủ thể quan trọng nhất.

"Năng suất, chất lượng là một trong những công cụ cạnh tranh hiệu quả nhất của ngành dệt may. Hiện nay, các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cũng đang ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu nhà cung cấp áp dụng các biện pháp thực hành xanh, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt nhịp với xu thế của thời đại", Tiến sỹ Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

Do vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải đổi mới sản phẩm, quy trình, marketing, áp dụng các tiêu chuẩn…, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để phù hợp với thời cuộc và tiếp cận được khách hàng hiện nay.

TIN LIÊN QUAN