Một số công trình của Bộ Giao thông Vận tải không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật

(CL&CS)- Ngành giao thông vận tải là xương sống, là mạch máu giao thông, phải đi trước mở đường, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất hôm qua cho thấy, ngành giao thông vận tải đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành khối lượng công việc lớn, như: đã hoàn thành 4 quy hoạch ngành theo Luật Quy hoạch, nhằm tạo cơ sở pháp lý triển khai các nhiệm vụ của Bộ; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 1.239km đường bộ cao tốc; đang triển khai xây dựng 883km và dự kiến tiếp tục khởi công 2.024km đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2025. Bộ cũng đã chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, đã xây dựng ban hành 57 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 167 tiêu chuẩn Việt Nam và 43 tiêu chuẩn cơ sở; đang tiến hành xây dựng, điều chỉnh 535 định mức kinh tế kỹ thuật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giao thông vận tải vẫn còn những vướng mắc, khó khăn, hạn chế cả trong việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, vận hành khi đưa các dự án, công trình vào sử dụng.

Đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các dự án giao thông sử dụng ngân sách nhà nước phần lớn đều chậm tiến độ, một số dự án thành phần chưa lựa chọn được nhà đầu tư theo kế hoạch ban đầu, thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường, thủ tục điều chỉnh biến động giá vật liệu còn chậm và vướng mắc; công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư kéo dài, tiến độ xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải. Nhiều công nghệ, giải pháp thi công mới được ứng dụng trong lĩnh vực này, tuy nhiên chưa có định mức đơn giá ban hành kịp thời nên gây khó khăn cho công tác quản lý chi phí đầu tư, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật bị chậm tiến độ, công tác thẩm định, thiết kế kỹ thuật chậm khi có thay đổi thiết kế.

Một số công trình của Bộ Giao thông Vận tải không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật

Đặc biệt, một số công trình giao thông còn xảy ra sự cố, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, hư hỏng cục bộ xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Đại biểu Quốc hội cũng đã nêu và tôi đơn cử mấy dự án như là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hiện tượng nứt một số trụ bản mặt cầu cạn gói J2 cao tốc Bến Lức - Long Thành, hay là nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P28, P29 của dự án cầu Vàm Cống.

Việc chậm tiến độ các dự án giao thông quan trọng khá phổ biến, thường kéo dài thêm 2 đến 3 năm hoặc nhiều hơn, làm tăng tổng mức đầu tư từ 1,5 đến 2,5 lần hoặc nhiều hơn so với tổng mức đầu tư ban đầu, làm giảm hiệu quả đầu tư. Đây là kết quả trong Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Các dự án công trình trọng điểm quốc gia được triển khai trải dài trên cả nước, khối lượng công việc rất lớn, trong đó có một số công việc quan trọng nhưng sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương chưa được tích cực và hiệu quả.

Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, hồ sơ quản lý chất lượng chưa đầy đủ, thiết kế bản vẽ thi công còn chưa phù hợp, phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần, chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công, công tác nghiệm thu công trình còn nhiều sai sót, vai trò, trách nhiệm và chất lượng công tác tư vấn giám sát chưa được quan tâm và đề cao đúng mức, nhất là tư vấn ở trong nước.

TIN LIÊN QUAN