Môi giới bất động sản sẽ được “thanh lọc” mạnh mẽ khi Luật mới có hiệu lực?

Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2023 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 có nhiều điểm mới theo hướng siết chặt hoạt động môi giới BĐS. Theo đó, sẽ loại bỏ nhiều môi giới BĐS không chuyên nghiệp, tạo ra môi trường kinh doanh BĐS lành mạnh, minh bạch.

“Siết” hoạt động môi giới bất động sản

lượng môi giới đóng vai trò rất quan trọng trong ngành BĐS, là trung gian kết nối hàng trăm nghìn giao dịch với giá trị hàng triệu tỷ đồng mỗi năm, mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho tài sản BĐS và lợi nhuận bền vững cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp.

Sự phát triển của môi giới BĐS tại Việt Nam gắn liền và phản ánh sự phát triển của thị trường BĐS, cũng như nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ chuyên nghiệp và đa dạng trong ngành này.

Sau một thời gian hình thành và phát triển, lực lượng môi giới BĐS tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đa dạng, nhưng cũng đối mặt với một số thách thức và vấn đề cần được giải quyết, cùng với sự phát triển không ổn định của ngành này.

Thực tế hiện nay, dù có các quy định xử phạt, việc quản lý hoạt động môi giới vẫn bị “bỏ ngỏ", môi giới BĐS vẫn là ngành nghề gần như không có rào cản khi gia nhập hay rút lui.

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, Việt Nam hiện khoảng 100 nghìn cá nhân môi giới đang hoạt động, làm việc chính thức tại các tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Trong đó, chỉ có khoảng 40.000 cá nhân tham gia hoạt động có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.

VARS cho biết, hầu hết môi giới là các cá nhân hành nghề tự do, “tay ngang", nghề “tay trái", không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan nào. Họ chỉ quan tâm làm sao để giao dịch được diễn ra nhanh nhất, lợi dụng thời cơ “thổi giá” nhà đất để chuộc lợi, ôm hàng, lừa đảo khách hàng... gây lũng đoạn thị trường. Hậu quả gây nhiều bất ổn cho thị trường BĐS Việt Nam, làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, làm mất hình ảnh của lực lượng môi giới chân chính...

Để thị trường BĐS vận hành an toàn và minh bạch, cần có cơ chế pháp luật ràng buộc vai trò và trách nhiệm của lực lượng môi giới BĐS trong việc tư vấn, cung cấp thông tin, bao gồm cả thủ tục pháp lý của sản phẩm, dự án BĐS nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và người mua nhà khi tham gia giao dịch.

Đồng thời, cũng là để bảo vệ lợi ích của người hành nghề, khuyến khích môi giới làm nghề chân chính. Bởi để gắn bó lâu dài với thị trường, bên cạnh chứng chỉ hành nghề, môi giới còn cần kinh nghiệm, trải nghiệm và liên tục cập nhật kiến thức mới với những yêu cầu ngày càng khắt khe.

Trước thực trạng đó, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/08/2024, có nhiều điểm mới theo hướng siết chặt hoạt động môi giới BĐS.

Điều 61 Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 quy định, cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Điều này đồng nghĩa với việc, cá nhân không được hành nghề môi giới bất động sản tự do như hiện nay (khoản 2 Điều 62 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 cho phép cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập).

Thêm vào đó, khoản 1 Điều 62 Luật này quy định, cá nhân hành nghề môi giới BĐS được hưởng tiền thù lao, hoa hồng từ Sàn giao dịch BĐS hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS.

Điều 48 Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 quy định, chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh BĐS, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh BĐS, hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Đối với môi giới hoạt động trong các công ty BĐS, mọi thù lao, hoa hồng môi giới sẽ chuyển khoản qua ngân hàng. Đối với việc cấp chứng chỉ môi giới, Bộ Xây dựng bắt đầu triển khai tổ chức các kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Phương thức tổ chức sẽ do Bộ Xây dựng giao hoặc ủy quyền trực tiếp cho một số đơn vị tổ chức kỳ thi, trong đó có VARS.

VARS cho rằng, những quy định mới của Luật Kinh doanh BĐS vừa được thông qua sẽ loại bỏ nhiều môi giới BĐS không chuyên nghiệp, tạo ra môi trường kinh doanh BĐS lành mạnh, minh bạch. Việc giao dịch qua tài khoản cũng đồng thời giúp Nhà nước chống thất thu thuế khi khoản hoa hồng của lực lượng này là rất lớn...

Môi giới đang “nô nức” quay lại thị trường?

Sau thời gian dài các doanh nghiệp và sàn giao dịch bất động sản kiệt quệ, phải cắt giảm nhân sự thì đầu năm 2024 đã bắt đầu "cuộc đua" tuyển quân với chính sách hấp dẫn. Thị trường khởi sắc, doanh nghiệp tuyển quân nên nhiều môi giới bất động sản cũng nô nức nhập cuộc.

Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, từ đầu năm nay đến nay, số lượng môi giới mới tham gia và quay trở lại thị trường bất động sản có sự tăng trưởng mạnh. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm, ước tính đã có khoảng 40% môi giới quay trở lại ngành so với thời điểm thị trường khó khăn nhất.

Trước đó, theo thống kê của VARS, trong năm 2023, khoảng 70% môi giới bất động sản đã nghỉ việc, bỏ nghề. Hơn 90% nhân sự ngành bất động sản bị giảm thu nhập. Làn sóng cắt giảm nhân sự diễn ra trong hầu hết các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho biết, cùng với sự phục hồi của ngành bất động sản, nghề môi giới bất động sản cũng lấy lại phong độ, thu hút nhiều người tham gia và quay trở lại thị trường.

Doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là doanh nghiệp môi giới bắt đầu cuộc đua thu hút nhân sự với các chính sách tuyển dụng hấp dẫn để thu hút lực lượng môi giới chất lượng cao.

Từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng môi giới mới tham gia và quay trở lại thị trường bất động sản có sự tăng trưởng mạnh. Ước tính chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2024, so với thời điểm thị trường khó khăn nhất, đã có khoảng 40% môi giới quay trở lại ngành.

Vị chuyên gia này cho rằng trước bài học phải rời bỏ hàng loạt ở quãng thời gian trước, môi giới bất động sản mới tham gia và quay trở lại thị trường cũng đã trải qua cuộc cách mạng về tư duy, với tâm thế cẩn trọng. Môi giới đã chuẩn bị hành trang kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân tới việc lựa chọn sàn giao dịch để đầu quân.

"Các sàn giao dịch có nguồn hàng đa dạng, chất lượng, có lộ trình đào tạo, văn hóa doanh nghiệp chuẩn mực, chuyên nghiệp là lựa chọn ưu tiên của các nhân sự ngành bất động sản" , ông Đính cho biết.

Anh Tuấn Tài, người từng có 6 năm kinh nghiệm làm môi giới bất động sản, đã phải “tạm thời” bỏ nghề vào cuối năm 2022 khi thị trường bất động sản lao dốc cũng đã quyết định quay trở lại với công việc môi giới bất động sản.

Lý giải cho quyết định này, anh Tài cho biết, thị trường đã khởi sắc hơn, so với năm ngoái, số lượng dự án mới ra hàng năm nay nhiều hơn hẳn. Nhóm anh Tài “tan tác” thời kì thị trường khủng hoảng, bắt đầu cùng nhau quay lại với nghề vào tháng 5 vừa qua khi công ty cũ nhận bán khá nhiều dự án tiềm năng.

TIN LIÊN QUAN